Làm sao để trẻ yêu thích và ham mê đọc sách?
Khi trẻ em ngày càng dễ bị cuốn vào thế giới ảo, thì việc tạo ra những không gian văn hóa 'thật' để các em có thể chạm vào sách, trò chuyện về sách và thấy người lớn cũng đang trân trọng từng trang sách là điều vô cùng cần thiết.
Tác giả: Thạch Bích Ngọc - Đại học Quốc gia TP.HCM
Trong thời đại công nghệ, chỉ cần một cú chạm nhẹ là cả thế giới hiện ra trên màn hình điện thoại, việc đọc sách, đặc biệt là với trẻ nhỏ dường như trở thành một thói quen xa xỉ. Những video giải trí ngắn, trò chơi tương tác, mạng xã hội đang chiếm lĩnh thời gian và sự chú ý của các em, khiến sách giấy bị “lép vế” trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về thị giác và tốc độ.
Thế nhưng, giữa nhịp sống số hóa ấy, sách vẫn âm thầm giữ một vị trí không thể thay thế. Không ồn ào, hấp dẫn như những thiết bị thông minh, nhưng chính sự lặng lẽ ấy lại là nơi gieo trồng những hạt giống tâm hồn cho trẻ thơ.
Sách giúp trẻ nuôi dưỡng khả năng tưởng tượng, rèn luyện sự tập trung, bồi đắp vốn ngôn ngữ và quan trọng hơn cả là hình thành nhân cách qua từng trang chữ.
Giúp trẻ yêu sách không chỉ là dạy trẻ một kỹ năng, mà còn là mở ra cho các em một cánh cửa đến với thế giới rộng lớn bằng tri thức. Đó là cách cha mẹ trao cho con một người bạn đồng hành suốt đời luôn nâng đỡ tinh thần trong mọi chặng đường khôn lớn.

Ảnh tác giả cung cấp.
Chọn sách cho con không dễ
Nhiều phụ huynh ngày nay rất quan tâm đến việc xây dựng thói quen đọc sách cho con từ nhỏ, bởi hiểu rõ lợi ích lâu dài mà sách mang lại. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là chất lượng sách dành cho thiếu nhi trên thị trường hiện nay còn nhiều hạn chế.
Chị H.T., sống tại một khu đô thị mới ở TP.HCM chia sẻ: “Tôi thường đưa con đi hiệu sách, nhưng bé chỉ thích dừng lại ở quầy truyện tranh. Nhiều đầu sách khác nhìn qua thì phong phú, nhưng đọc kỹ lại thấy chưa được biên tập kỹ lưỡng, nội dung hời hợt hoặc thiếu phù hợp với lứa tuổi.”
Quả thực, các đầu sách chất lượng cho thiếu nhi không nhiều. Nhiều cuốn sách kỹ năng sống hoặc truyện cổ tích bị biên tập cẩu thả, sơ sài. Chúng ta cần phải biết rằng, truyện tranh được thiếu nhi ưa chuộng nhưng nếu không được biên tập, sàng lọc kỹ càng thì những hình ảnh kích động, không phù hợp với lứa tuổi sẽ tác động xấu đến các em. Truyện cổ tích vốn được coi là lành mạnh, được nhiều phụ huynh chọn mua cho con em thì nay với sự biên tập cẩu thả, dễ dãi của một số nhà xuất bản chạy theo lợi nhuận cũng có không ít lỗi và “sạn”. Một cuốn sách hay không chỉ đơn thuần đem đến cho người đọc thông tin cần thiết mà nó còn như chất xúc tác rèn luyện sự kiên nhẫn, giúp con người cảm thụ, suy ngẫm và có những góc nhìn mới mẻ về các sự vật hiện tượng trong cuộc sống. Bởi thế lựa chọn được sách hay cho con, đòi hỏi phụ huynh phải tự mình kiểm định thật kỹ càng.
Ảnh tác giả cung cấp.
Gợi ý thiết thực
Với sự phát triển của mạng xã hội, có rất nhiều fanpage được lập ra với mong muốn mang đến sự sàng lọc, gợi ý về các cuốn sách hữu ích cho từng đối tượng.
Đây cũng được xem là những kênh thông tin có giá trị để phụ huynh tham khảo và lựa chọn sách cho con. Không chỉ dừng lại ở việc chọn mua sách, đọc sách như thế nào và làm gì để con hứng thú với sách cũng là điều đáng nói. Đọc sách cho con nghe trước khi đi ngủ, khuyến khích con tiết kiệm tiền để mua sách, dành thời gian nghe con kể lại những câu chuyện hay, bản thân phải làm gương trước mắt con bằng cách thường xuyên đọc sách. Đó là những kinh nghiệm được đưa ra. Cộng đồng mạng cũng truyền nhau rất nhiều kinh nghiệm hay học hỏi được từ các bà mẹ nước ngoài.
Ví dụ như người Do Thái có mẹo nhỏ giúp trẻ đến với sách một cách vô cùng đơn giản, họ bôi ít mật ngọt vào đầu quyển sách, bọn trẻ sẽ lân la chơi với sách một cách rất say sưa. Việc còn lại của cha mẹ là chọn mua những quyển sách được in chất liệu tốt, sách được in gốc của những nhà xuất bản uy tín, chọn cho trẻ những quyển sách có bìa dày, được đóng cẩn thận, tránh mua những quyển sách lậu, kém chất lượng rất nhanh hư hỏng rách nát...
Hay như ở Mỹ, từ khi trẻ mới ra đời, các bậc phụ huynh đã được bác sỹ khuyên bắt đầu đọc sách cho con càng sớm càng tốt, thậm chí trong sáu tháng đầu đời, mẹ có thể đọc bất cứ thứ gì cho trẻ từ tiểu thuyết đến các bài báo khoa học. Đây là cách giúp trẻ làm quen và ghi nhớ các âm tiết của tiếng mẹ đẻ, khiến cho quá trình học nói của trẻ được nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Nỗ lực nuôi dưỡng văn hóa đọc
Ở Việt Nam, nhiều hoạt động thúc đẩy thói quen đọc sách cũng đã được triển khai, đặc biệt vào dịp ngày Sách Việt Nam 21/4, Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hay các kỳ nghỉ hè và lễ khai giảng năm học mới.
Tính đến nay, cả nước đã có 6 đường sách tại các thành phố lớn như TP.HCM (đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.Thủ Đức), Hà Nội, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột và Cao Lãnh. Những không gian văn hóa này không chỉ là nơi trưng bày, mua sắm sách mà còn là điểm đến ý nghĩa cho các gia đình vào cuối tuần.
Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp không gian đọc, nhiều đường sách còn trở thành điểm hẹn văn hóa với các hoạt động phong phú như giao lưu tác giả, tọa đàm về sách, trưng bày triển lãm chuyên đề hay các buổi kể chuyện dành riêng cho thiếu nhi. Chính những hoạt động mang tính tương tác ấy đã góp phần khơi dậy tình yêu sách một cách tự nhiên, nhất là trong lứa tuổi nhỏ.
Tuy nhiên, không phải đường sách nào cũng hoạt động hiệu quả. Một số nơi đã phải tạm dừng vì vắng khách, khó duy trì doanh thu. Để các mô hình này có thể tồn tại và phát triển bền vững, rất cần sự đồng hành từ các cơ quan chức năng: hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng, tổ chức các hội sách định kỳ, nhất là đầu tư vào những khu vực sách dành cho trẻ nhỏ.

Ảnh tác giả cung cấp.
Truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ
Kinh điển nhà Phật đề cao vai trò văn – tư – tu, trong đó “văn” (nghe – đọc – tiếp nhận đúng pháp) chính là bước đầu tiên giúp tâm trí được nuôi dưỡng bằng ánh sáng hiểu biết. Khi trẻ biết lắng nghe và đọc những điều thiện lành, cũng là lúc tâm từ và hạt giống trí tuệ bắt đầu được vun trồng. Cha mẹ, thay vì chỉ nhắc nhở con đọc sách như một nhiệm vụ, có thể tạo điều kiện để sách trở thành người bạn tâm giao, là nơi trẻ được đồng hành với những câu chuyện mang tính chữa lành, truyền cảm hứng và mở rộng lòng từ.
Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trong giai đoạn hình thành nhân cách, việc chọn sách cũng cần như chọn bạn mà chơi. Sách về đạo đức, lòng hiếu thảo, nhân quả, những câu chuyện Phật giáo giản dị về tiền thân đức Phật hay gương tu của các vị Bồ tát… không chỉ gieo vào lòng trẻ những bài học sâu sắc, mà còn dần tạo nền tảng cho một đời sống có nội tâm phong phú. Đọc sách, dưới ánh sáng phật pháp, không phải để biết nhiều mà là để trở về với chính mình, hiểu mình – hiểu người, và dần lớn lên trong sự tĩnh lặng của trí tuệ và tình thương.
Trẻ em không sinh ra đã yêu sách, tình yêu ấy cần được khơi nguồn từ sự kiên nhẫn, gợi mở và đồng hành của cha mẹ, thầy cô và cả cộng đồng.
Tác giả: Thạch Bích Ngọc - Đại học Quốc gia TP.HCM