Làm sao để vượt qua nỗi buồn sau khi... đi họp phụ huynh
Thời điểm kết thúc học kỳ 1, các lớp bắt đầu tổng kết học kỳ I. Đây là thời điểm các phụ huynh rất dễ phiền lòng
Thực tế, khi kết quả học tập của con không được như ý muốn. Hãy nhớ rằng bạn không phải là duy nhất. Mỗi đứa trẻ có một đặc điểm riêng. Là phụ huynh bạn có thể vượt qua những phiền muộn này nếu để tâm tới điều sau:
Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, mỗi em bé có những điều kiện phát triển riêng về yếu tố thể chất, về hoàn cảnh phát triển, đặc biệt là về mối quan hệ giữa đứa trẻ với thế giới bên ngoài. Do đó mỗi em bé đều có những đặc điểm riêng: em thì tai thính, em thì mắt tinh,… mỗi em có những nhu cầu, sở thích riêng. Ngay anh chị em ruột trong một gia đình cũng có những nét cá tính rất khác nhau qua những biến động của hoàn cảnh gia đình và vì thế có sự khác nhau của mỗi người trong cùng một gia đình.
Có hai anh em, anh 12 tuổi, em 8 tuổi lâm vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hoàn cảnh ngặt nghèo đã khiến cho cậu anh phải đứng ra đảm đương mọi việc trong nhà kể cả việc trông nom em, vì thế mà ngày càng trở nên già dặn, cứng cáp và trưởng thành vững vàng. Còn cậu em phần vì quá buồn rầu lại chịu phận làm em, phải nhờ cậy ở anh, nên ngày càng trở nên nhu nhược, yếu đuối.
Ngay đối với những cặp trẻ sinh đôi cũng có sự khác biệt. Tuy vậy, có thể do sự giống nhau về yếu tố sinh học hay hoàn cảnh nuôi dạy mà một số cặp sinh đôi rất giống nhau. Hầu hết những tài liệu khoa học đã chứng minh rằng, những cặp sinh đôi cùng sống trong một gia đình, học hành trong cùng một trường, vậy mà mỗi người vẫn có những nét riêng biệt.
Mỗi đứa trẻ một cách học
Tất cả các bậc cha mẹ và thầy cô đều có chung một đích đến: những đứa trẻ sẽ trở thành học sinh xuất sắc và có niềm hứng khởi, say mê vô tận với việc học. Thế nhưng, không phải ai cũng đạt mục đích. Tại sao vậy? Vì ngoài tình yêu thương, sự kiên định và nỗ lực, điều quyết định cuối cùng là một phương pháp đúng.
Chỉ với việc nhìn nhận mỗi đứa trẻ là một cá thể với cá tính riêng biệt, bạn mới không đi vào lối mòn rập khuôn và làm lệch lạc thiên hướng phát triển. Chỉ khi xác định đúng phong cách học tập của trẻ, bạn mới có thể khơi dậy tối đa khả năng tiềm tàng trong con trẻ. Vì thế, thay vì buồn hay tức giận, bạn hãy đi tìm phong cách học của trẻ.
Bằng quan sát, cha mẹ có thể nhận ra con mình thuộc loại phong cách học tập nào, từ đó tạo lập môi trường học tập, hướng dẫn con sử dụng các công cụ, phương tiện học tập phù hợp.
Với các bạn nhỏ có thiên hướng học tập bằng hình ảnh, thay vì bắt con giữ vở sạch chữ đẹp, làm bài tập, cha mẹ hãy biến việc học tập của con vào mùa hè trở thành một niềm vui. Thay vì ghi chép theo cách thông thường, cha mẹ có thể hướng dẫn con dùng các loại sơ đồ, bảng biểu để tóm tắt thông tin, sử dụng các loại flash card, bút đánh dấu để gia tăng khả năng ghi nhớ…
Nếu chọn sách cho con, hãy chọn những cuốn sách có nhiều tranh ảnh, màu sắc phong phú, bắt mắt để hỗ trợ việc học tập. Bố mẹ nên khuyến khích con học qua các kênh video, cho bé tới tham quan các bảo tàng, triển lãm, ra ngoài trời, quan sát thiên nhiên và cuộc sống.
Qua kênh nghe, cha mẹ có thể đọc sách cho con. Họ cũng có thể giảng giải cho con các tri thức về cuộc sống khi đang trên bàn ăn, đi du lịch, trên đường đi học về nhà. Đồng thời, khuyến khích con đặt câu hỏi và cố gắng trả lời các câu hỏi của con, cho con tiếp xúc và chuyện trò với những người hiểu biết.
Với những trẻ có phong cách học tập bằng vận động, thay vì bắt con đọc sách, ghi chép, làm bài tập, hãy mua cho con những dụng cụ, vật dụng. Qua đó, tạo cơ hội cho con có thể biến những ý tưởng, kiến thức mà con đọc được trong sách thành những thí nghiệm, những sản phẩm sáng tạo. Hãy cho con cơ hội được cảm nhận tri thức bằng xúc giác, cho phép con được làm việc thay vì chỉ ngồi yên bất động ở một góc nào đó trong nhà, bởi vì việc đó quả thật là một cực hình.
Phương Nghi (t/h)