Làm sao để vượt qua sự cô đơn, lo âu khi ở nhà quá lâu

Sự cô đơn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý và dẫn đến các rối loạn như trầm cảm, lo âu. Trong mùa dịch, tình trạng này xảy ra phổ biến ở nhóm người trẻ tuổi.

Sự cô đơn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý và dẫn đến các rối loạn như trầm cảm, lo âu. Trong mùa dịch, tình trạng này xảy ra phổ biến ở nhóm người trẻ tuổi.

Việc ở nhà quá lâu khiến nhiều người trở nên chán nản, cô đơn và rơi vào tình trạng mất kiểm soát với thể chất, cảm xúc.

Không ít người trẻ cho rằng sự cô đơn bắt nguồn từ giãn cách xã hội và việc mất kết nối với bạn bè, đồng nghiệp.

Bí bách, khó chịu, cô đơn, trống trải… là tâm trạng phổ biến của nhiều người khi phải ở nhà một thời gian dài.

Đặc biệt trong thời kỳ giãn cách xã hội, việc bản thân trở nên bức bối, nhớ nhung những cuộc hẹn với bạn bè và cảm giác đi lại tự do là điều không thể tránh khỏi.

Không phải ai cũng sẵn sàng đối diện với cô đơn

Theo Emily Sohn, cây viết của New York Times, cô đơn là một cảm xúc phức tạp. Mỗi người có cách nhận diện trạng thái này khác nhau, tùy theo những trải nghiệm cá nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng đối diện với vấn đề này.

Paul Yin, nhà tâm lý học, nói với NBC News: “Đối với một số người, cách ly xã hội một hoặc hai ngày có thể không sao, nhưng nếu nhiều tuần không ra khỏi nhà thì sẽ tích tụ sự căng thẳng. Vì khi đó bạn luôn được nhắc nhở rằng cuộc sống đang vận hành theo cách không bình thường nhưng bản thân không thể thoát khỏi nó hay giả vờ điều đó không tồn tại”.

Giải pháp

Julianne Holt-Lunstad, nhà tâm lý học và khoa học thần kinh tại Đại học Brigham Young, cho biết trong bối cảnh đại dịch, có nhiều cách để chúng ta có thể tăng cường sự kết nối, giảm cảm giác cô đơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Một trong số đó là giải phóng năng lượng tiêu cực thông qua việc tập thể dục hàng ngày. Khi vận động, cơ thể sẽ tiết ra endorphin, một loại hormone giúp giảm bớt căng thẳng. Bên cạnh đó, tập thể dục có thể giúp thúc đẩy hệ thống hô hấp và tuần hoàn, những hormone tiêu cực dẫn đến sự cô đơn có thể được thải ra ngoài thông qua việc hít thở sâu và tiết mồ hôi.

Theo Live Strong, các hoạt động thể chất là liều thuốc giúp “thanh lọc” tâm trí và có cơ thể khỏe mạnh. Khi mới bắt đầu, bạn nên dành khoảng 30 phút cho các bài tập vừa phải và từ từ nâng cao để đạt hiệu quả tốt nhất.

Thời gian ở nhà tránh dịch là cơ hội tuyệt vời để học thêm những kỹ năng mới. Chẳng hạn, bạn có thể tham gia một lớp học thiết kế, ngoại ngữ hay tự làm vườn, nấu ăn. Cách này vừa tạo động lực cho bản thân vừa giúp bạn khám phá những điều hay ho.

Thông qua các lớp học, chúng ta có thể tìm hiểu những hội nhóm trực tuyến để thảo luận thêm về sở thích, kiến thức mới.

Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) nhận định việc tham gia vào những cộng đồng giúp chúng ta duy trì kết nối với thế giới xung quanh, từ đó tạo nền tảng cho mối quan hệ lành mạnh.

Ngoài ra, hãy chia sẻ cảm xúc hiện tại với người thân, bạn bè để vơi đi nỗi cô đơn. Theo NHS, việc nghe thấy giọng nói quen thuộc trong thời gian giãn cách khiến bản thân cảm thấy vui vẻ, phấn chấn hơn. Những cuộc gọi ngắn qua video call sẽ mang lại hiệu quả cao và đảm bảo an toàn trong mùa dịch.

Bạn có thể kể những câu chuyện hài hước, thông tin hữu ích và hạn chế chia sẻ điều tiêu cực để đôi bên tận hưởng cuộc trò chuyện này một cách thoải mái nhất.

Nhằm tránh sự nhàm chán khi ở nhà, chúng ta có thể tạo những thói quen lành mạnh để chăm sóc sức khỏe tinh thần. Ví dụ, xem một bộ phim trước giờ luôn nằm trong hàng chờ, đọc một cuốn sách mới, nghe podcast, chương trình yêu thích.

Cuối cùng, giúp đỡ người khác cũng là một cách hay để đẩy lùi cảm xúc tiêu cực và sự cô đơn. Đừng quên rằng đây chỉ là thời kỳ khó khăn tạm thời, khi tình hình dịch bệnh khởi sắc hơn, mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường. Vì thế, hãy trao đi những hành động tử tế để nhận lại sự yêu thương và niềm hạnh phúc từ bên trong.

Phương Thảo

Đồ họa: Sandy Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-sao-de-vuot-qua-su-co-don-lo-au-khi-o-nha-qua-lau-post1229795.html