Làm sao không biến chứng đái tháo đường sang mắt?

Bạn đọc PHÙNG VĂN TÁM (55 tuổi; ngụ quận 8, TP HCM) hỏi: 'Tôi mắc bệnh đái tháo đường hơn 15 năm. Xin bác sĩ cho biết có cách nào phòng ngừa biến chứng đái tháo đường sang mắt?'.

- Bác sĩ LÊ PHÚC AN, Khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP HCM), trả lời: Biến chứng của bệnh đái tháo đường sang mắt trong chuyên môn gọi là bệnh giác mạc đái tháo đường. Bệnh thường không có biểu hiện trong giai đoạn khởi phát, đến khi bệnh nhân giảm thị lực thì bệnh đã tiến triển nặng, tiên lượng xấu. Để giữ được đôi mắt sáng, quan trọng nhất vẫn là phát hiện sớm và dự phòng các yếu tố nguy cơ.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhãn khoa Mỹ, có 5 bước phòng ngừa bệnh giác mạc đái tháo đường.

Thứ nhất: Đái tháo đường không gây khó chịu cho bệnh nhân khi bệnh trong thời kỳ khởi phát nên cần khám tầm soát mắt. Bởi những tổn thương vi mạch máu trên võng mạc trong giai đoạn này có thể nhìn thấy rõ khi khám và soi đáy mắt. Phát hiện sớm và điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường giúp ngăn ngừa suy giảm thị lực.

Với đái tháo đường type 1, khám mắt sau 5 năm phát hiện bệnh và tái khám định kỳ hằng năm. Còn đái tháo đường type 2 cần khám mắt ngay khi phát hiện bệnh, tái khám mỗi 1-2 năm một lần sau đó.

Thứ hai: Kiểm soát đường huyết ở mức ổn định. Nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường là bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng, không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn, không làm hạ đường huyết xa bữa ăn.

Thứ ba: Kiểm soát huyết áp và mỡ máu bằng cách uống thuốc đều đặn kết hợp với chế độ ăn hợp lý (hạn chế ăn mặn, giảm dầu mỡ).

Thứ tư: Ngưng hút thuốc lá.

Thứ năm: Tập thể dục đều đặn. Bệnh nhân đái tháo đường có thể tập thể dục ít nhất 5 ngày/tuần với thời gian tập 30 phút/ngày.

Liên Anh ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/lam-sao-khong-bien-chung-dai-thao-duong-sang-mat-20230918192957314.htm