Làm sao ngăn học trái tuyến?

Cứ chuẩn bị đến năm học mới, chuyện học đúng tuyến, trái tuyến tại TP Hải Dương lại được nhiều người quan tâm.

Trước đây, việc học trái tuyến tại TP Hải Dương diễn ra phổ biến, xuất phát từ nhu cầu của cha mẹ học sinh. Họ muốn con mình được học tập trong môi trường giáo dục có chất lượng tốt. Số khác muốn con học gần nơi họ làm việc để tiện đưa đón… Tuy nhiên, điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong xây dựng kế hoạch tuyển sinh, điều tiết giáo viên... Có trường rất đông học sinh, trường lại quá ít.

Từ năm học 2020-2021, TP Hải Dương thực hiện phân vùng tuyển sinh, khắc phục tình trạng học trái tuyến. Việc này được xã hội đồng tình bởi tạo ra sự cân bằng về sĩ số giữa các cơ sở giáo dục, ngăn chặn được tình trạng chạy trường. Thành phố quy định học sinh có hộ khẩu thường trú tại phường, xã nào thì học ở phường, xã đó. Với những phường trên địa bàn không có trường học thì sẽ học tại phường lân cận theo kế hoạch phân vùng tuyển sinh. Trong hồ sơ tuyển sinh, học sinh phải có giấy chứng nhận thường trú tại địa bàn, có xác nhận của địa phương.

Việc học đúng tuyến của học sinh bước đầu đã đi vào nền nếp sau năm đầu tiên thành phố triển khai phân vùng tuyển sinh. Tuy nhiên, việc này chưa triệt để. Theo kế hoạch, trong các ngày 2 và 3.7, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương làm việc với tất cả các trường THCS thuộc địa bàn quản lý để duyệt kết quả tuyển sinh lớp 6 năm học 2021-2022. Thế nhưng, đến ngày 15.7, vẫn còn ít nhất 3 trường chưa được duyệt kết quả trên vì phải rà soát lại hồ sơ của học sinh. Nguyên nhân chính dẫn tới sự chậm trễ trên là do có một bộ phận cha mẹ học sinh lách luật để con học trái tuyến dẫn tới trường có quá nhiều hồ sơ đăng ký, trường lại tuyển không đủ chỉ tiêu. UBND thành phố phải chỉ đạo các trường phối hợp với chính quyền rà soát lại hồ sơ học sinh.

Di dân cơ học đang diễn ra phổ biến là nguyên nhân khiến việc siết chặt học trái tuyến tại TP Hải Dương gặp không ít khó khăn. Để việc này được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công bằng, khách quan thì đòi hỏi cần có sự vào cuộc thực chất của chính quyền, phát huy vai trò, trách nhiệm, tinh thần làm việc liêm khiết của những cán bộ liên quan. Cần nghiêm túc thực hiện Luật Cư trú, không vì những mối quan hệ ràng buộc, tư lợi cá nhân nào đó mà chuyển hộ khẩu sai quy định để cha mẹ học sinh lách luật cho con học trái tuyến.

Các cấp học trên cùng địa bàn cần thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết để điều tra, rà soát thông tin, lập danh sách học sinh chính xác nhất phục vụ công tác phổ cập giáo dục. Việc điều tra số trẻ cần đến trường phải chính xác hơn nữa, làm căn cứ vững chắc để giao chỉ tiêu tuyển sinh. Cán bộ các trường khi tiếp nhận hồ sơ cần phỏng vấn, trao đổi kỹ với cha mẹ học sinh. Nếu thấy thông tin về học sinh có khúc mắc nên để lại và rà soát ngay xem có thực ở tại địa bàn hay không. Cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo lập môi trường giáo dục tốt để tạo lòng tin trong cha mẹ học sinh, giúp họ yên tâm gửi gắm con mà không phải tìm cách chạy trường. Ngành giáo dục và đào tạo thành phố nên xây dựng kế hoạch điều chuyển, phân bổ giáo viên giữa các cơ sở giáo dục, bảo đảm có chất lượng đồng đều. Điều này cũng sẽ góp phần hạn chế các trường hợp tìm cách học trái tuyến.

Môi trường học tập là rất quan trọng nhưng không phải cứ cho con vào được trường điểm, lớp chọn là có thể tiến bộ mà nhiều khi còn ngược lại. Cha mẹ học sinh cần thay đổi nhận thức, không nên vì nghe nói trường này, trường kia tốt mà cố tìm cách đưa con vào học. Chuyển biến nhận thức từ cha mẹ học sinh sẽ là tiền đề quan trọng để có thể siết chặt việc học trái tuyến một cách hiệu quả.

BÌNH MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/lam-sao-ngan-hoc-trai-tuyen-173249