Làm sao ngăn những cái chết thương tâm?

Để bớt đi những người sáng ra khỏi nhà nhưng chiều không thể trở về, ý thức chấp hành luật giao thông thực sự phải trở thành văn hóa, nếp sống.

Chiều 2/7, chị Nguyễn Thị H. (25 tuổi, trú tại phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột), trên đường đi làm về thì không may gặp tai nạn với xe phân khối lớn do một thiếu niên sinh năm 2007 điều khiển trên tuyến Đại lộ Đông Tây, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Sau vụ tai nạn, chị H. tử vong tại chỗ. Đến sáng 3/7, thiếu niên điều khiển xe phân khối lớn cũng tử vong tại bệnh viện.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk khiến chị H. và thiếu niên điều khiển xe phân khối lớn tử vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk khiến chị H. và thiếu niên điều khiển xe phân khối lớn tử vong

Điều khiến nhiều người không khỏi xót xa là khi mất, chị H. đang mang thai được 5 tháng. Thiếu niên mới 16 tuổi, con của một vị giám đốc sở, cũng chấm dứt cuộc đời theo cách đau đớn nhất.

Nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, nhưng có một điều khiến nhiều người không khỏi băn khoăn là vì sao cậu bé mới 16 tuổi lại có thể có được chiếc xe phân khối lớn đó để lưu thông ra đường (chiếc xe đứng tên đăng ký chính là vị giám đốc sở, cha của cậu bé)? Biết đâu hai mạng người đã không ra đi mãi mãi nếu như cậu bé không có cơ hội điều khiển chiếc xe?

Trong ngày 3/7, cả nước cũng xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông, khiến 18 người thiệt mạng, 21 người bị thương. Điển hình nhất là vụ tai nạn giữa xe khách chở đoàn từ thiện đâm vào đuôi xe tải trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm khiến 2 người trên xe khách tử vong.

Hay như vụ tai nạn giữa ô tô với xe máy ở thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa khiến hai người trên xe máy tử vong là anh Nguyễn Trọng T. (SN 1971) và chị Phạm Thị L. (SN 1972), cùng trú tại phường Hải An, thị xã Nghi Sơn…

Chỉ trong một ngày, 18 người ra khỏi nhà và mãi mãi không trở về, 21 người khác phải chịu đau đớn về thể xác, tốn kém chi phí điều trị, cuộc sống và công việc bị ảnh hưởng lớn. Kéo theo đó là nỗi đau của biết bao gia đình, không dễ gì nguôi ngoai.

Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, nhưng nó vẫn cứ xảy ra.

Thời gian qua, lực lượng công an đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để xử lý vi phạm giao thông, từ các lỗi tốc độ, nồng độ cồn, vượt đèn đỏ hay lấn làn, vượt ẩu, đi ngược chiều trên cao tốc…

Song khách quan mà nói, việc xử phạt chỉ là phần ngọn, quan trọng nhất là phải làm thế nào để tất cả mọi người đều ý thức được sự nguy hiểm của việc không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông. Bởi, dù lực lượng chức năng có làm nghiêm đến đâu, có xử phạt nặng thế nào, đó cũng chỉ là câu chuyện xử lý khi “việc đã rồi”.

Những năm qua, với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tăng cường, triển khai mạnh mẽ, ý thức của nhiều người đã được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, công việc này vẫn cần phải được tiếp tục triển khai sâu rộng hơn, để ý thức chấp hành luật giao thông thực sự trở thành văn hóa, trở thành nếp suy nghĩ đối với mỗi công dân.

Chỉ có vậy, những vụ tai nạn thương tâm mới được hạn chế, bớt đi những người sáng ra khỏi nhà nhưng chiều không thể trở về.

Ths. Đặng Tuấn

.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lam-sao-ngan-nhung-cai-chet-thuong-tam-d596193.html