Làm sao vượt qua áp lực đồng trang lứa?

Áp lực đồng trang lứa là cụm từ không còn quá xa lạ trong đời sống hiện nay, có thể khiến bất kỳ ai gặp phải chắc chắn sẽ stress, dẫn đến phát sinh một số vấn đề tâm lý. Với mỗi độ tuổi, dạng áp lực này lại được thể hiện theo các hình thức và quy cách khác.

Quan sát thông tin mỗi ngày trên mạng xã hội, có thể dễ dàng bắt gặp các nội dung như là "Chưa ra trường, mình đã có công việc 20 - 30 chục triệu", "18 tuổi làm freelancer kiếm 100 triệu/tháng, xây nhà cho bố mẹ", "IELTS 8.0, học bổng toàn phần Châu Âu", "đàn bà hơn nhau ở tấm chồng",... được đăng tải, ghi nhận lượt tương tác rất lớn. Dưới đó là các bình luận cả khen ngợi, ngưỡng mộ, đến các bình luận chê bai và tiêu cực hướng đến chủ đề, người đăng tải.

Đọc những bài viết và bình luận, tôi cảm thấy lo ngại khi đa phần các bình luận thể hiện rõ sự tự ti, so sánh và tự hoài nghi chính bản thân mình từ nhiều người, sự phân biệt giới tính, giàu nghèo, vùng miền, quan điểm, … đặc biệt từ những người trẻ - những người thực sự cần định hướng tâm lý để ra các quyết định phù hợp cho bản thân.

Hiểu rõ vấn đề mới có thể tìm ra cách giải quyết vấn đề triệt để

"Áp lực đồng trang lứa" là một thuật ngữ trong chuyên ngành tâm lý và giáo dục, hiểu một cách đơn giản nhất là cá nhân chịu tác động, ảnh hưởng từ những người đồng lứa tuổi hoặc cùng một nhóm xã hội được cho là thành công hơn.

Các tác động này xuất phát từ bên trong cá nhân hoặc do các yếu tố xung quanh thúc đẩy, từ đó khiến bản thân hình thành nên những áp lực.Không thể xem nhẹ loại áp lực này vì làm cá nhân chịu cảm giác cực kỳ tiêu cực và thường có những biểu hiện khó để kiểm soát.

Dấu hiệu dễ nhận thấy là các biểu hiện như luôn luôn có tâm lý so sánh bản thân với những thành công của những người xung quanh, cho rằng bản thân thua kém bạn bè, cảm thấy dù đã cố bao nhiêu nhưng cũng không bằng bạn bè. Người chịu áp lực luôn cảm giác như đang bị mọi người coi thường, thiếu tự tin vào bản thân, bồn chồn lo lắng không rõ nguyên nhân... Với ý thức phải cố gắng, thể hiện bản thân để chứng tỏ mình không hề thua kém ai, nhiều người lại suy nghĩ nhiều tới mức căng thẳng, mệt mỏi và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác, như rối loạn giấc ngủ.

Việc bị áp lực lâu ngày làm tinh thần tiêu cực, người bị áp lực trở nên cáu gắt nếu những người xung quanh nói về các vấn đề năng lực, công việc, tương lai, rồi dần thu mình lại, ít gặp gỡ, giao tiếp với những người xung quanh hơn do sợ bị nhắc về các vấn đề học tập, công việc, sinh hoạt cá nhân, đời sống riêng tư,…

Nguyên nhân gây ra áp lực đồng trang lứa ở người trẻ tuổi có thể xuất phát từ những yếu tố sau:

Một là, ảnh hưởng từ các định kiến xã hội và thói quen so sánh. Những quan điểm, lời nói quen thuộc như "đi học thì phải đạt được giấy khen này kia", "đi làm thì trước 30 tuổi phải có xe, có nhà, công ăn việc làm ổn định,...", "con nhà người ta thì…", "người ta đã…" ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người. Việc chịu tác động từ chính gia đình và cộng đồng đang sinh sống, ngay từ thời thơ ấu, định kiến và kỳ vọng gia đình phát triển dần thành áp lực đồng trang lứa là điều khó tránh khỏi.

Hai là, ảnh hưởng từ mạng xã hội. Sự phát triển của mạng xã hội giúp con người kết nối được với nhau nhiều hơn, nhưng đó cũng là điểm xuất phát dẫn nhiều người rơi vào áp lực đồng trang lứa. Mạng xã hội là nơi để chia sẻ những điều mà mỗi người thích, những sự kiện quan trọng hay thông tin về cuộc sống đời thường. Tuy nhiên khi ai đó "flex" bản thân trên mạng xã hội thì không chỉ gây áp lực cho người khác mà áp lực từ chính bản thân người flex cũng xuất hiện và lớn dần hơn.

Ba là, do chưa có nhận thức đúng đắn và tư tưởng chưa phù hợp. Những người ít nhiều bị ảnh hưởng bởi định kiến lối sống từ nhỏ, dẫn đến tính cách tiêu cực, thích so sánh, luôn chỉ nhìn nhận vào một vấn đề thì việc có xu hướng dễ bị áp lực đồng trang lứa cũng là việc dễ hiểu.

Không áp lực thì không có kim cương?

Có một câu nói tôi thấy khá hay đó là "No Pressure, No Diamond" – không áp lực thì không có kim cương. Thật ra, câu này cũng đúng, những áp lực từ xã hội và những người xung quanh, ở một mức độ nào đó sẽ giúp bản thân mỗi người có động lực để tiến bộ và phát triển hơn. Thật tốt nếu biến áp lực đó thành động lực, thành hành động để "trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình", không để ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất, đó có thể coi là một áp lực tốt.

Nhưng để tạo thành kim cương, áp lực không phải là yếu tố quyết định tất cả. Một viên kim cương được tạo thành phải qua mài giũa, qua thời gian, chứ không đặt quá nhiều sự dồn nén bởi những tác động bên ngoài. Và hiển nhiên, những người đạt được thành công cũng đã phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện cực khổ, chăm chỉ, kỷ luật. Kết quả là những thứ mọi người có thể thấy được, nhưng đằng sau đó luôn luôn là cả một câu chuyện dài.

Áp lực là một con dao 2 lưỡi, nếu như không có tư tưởng và nhận thức vững vàng cũng có thể dẫn đến điều đáng tiếc.

Cách vượt qua áp lực đồng trang lứa

Lời khuyên là hãy luôn tin tưởng vào chính bản thân mình, như Roy T. Bennett từng nói: "Bạn càng có lòng tin vào bản thân mình thì càng ít muốn so sánh mình với những người khác". Mỗi người sẽ có mỗi thế mạnh riêng không ai giống ai, vậy nên tin tưởng bản thân là cách dễ nhất để tự mình vượt qua áp lực đồng trang lứa.

Nên dành thời gian để tìm hiểu, thấu hiểu và yêu thương chính bản thân mình. Tìm ra được thế mạnh, sở trường, sở đoản và phát huy và giải quyết. Hãy chỉ tập trung phát triển bản thân, cố gắng tốt hơn mỗi ngày dựa vào chính những thế mạnh của bản thân chứ không phải nhìn vào người khác để làm thước đo cho bản thân mình.

Cần phải tự đối diện với áp lực và phải chấp nhận bản thân chưa thể đạt được một điều gì đó. Tất nhiên, chấp nhận ở đây không phải là cam chịu, mà là chấp nhận để bản thân có thể nhìn nhận đúng vào thực tế, đúng sự thật, lấy động lực để cố gắng, hoàn thiện mỗi ngày.

Xem xét lại cách sử dụng mạng xã hội, nên chọn những nội dung lành mạnh, tích cực và phù hợp với bản thân, giúp phát triển bản thân một cách tốt hơn. Thay vì cứ chăm chăm vào các cảm xúc tiêu cực, hãy tìm cách tự mình sử dụng mạng xã hội một cách thông minh hơn đề điều chỉnh tâm trạng và thư giãn đầu óc. Thậm chí nếu thấy mạng xã hội tiêu cực quá, thì hãy mạnh dạn cắt luôn những trang mạng đó đi.

Nếu như vẫn không thể tự điều chỉnh cảm xúc và áp lực của bản thân, có thể cân nhắc tìm đến các phương pháp tâm lý trị liệu để nhận được phương pháp hỗ trợ hiệu quả nhất, cân bằng cảm xúc, giải tỏa căng thẳng, yêu thương bản thân và có suy nghĩ tích cực.

Tiến sĩ khoa học giáo dục Phạm Hồng Bắc

Chuyên gia giáo dục Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục AES

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/lam-sao-vuot-qua-ap-luc-dong-trang-lua-119240809091329541.htm