Làm sâu sắc, hiệu quả hơn quan hệ hợp tác giữa Nghị viện Việt Nam - Nhật Bản
Nhận lời mời của Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu, từ ngày 3 - 7/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân sẽ lần đầu tiên thăm chính thức Nhật Bản. Đây cũng là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 12 năm kể từ năm 2012 và đúng vào dịp hai nước vừa kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ lên 'Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới'.
Tạo xung lực mới cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là cặp quan hệ điển hình cho thành công trong hợp tác song phương của Việt Nam với các đối tác.
Về chính trị - đối ngoại, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đã lần lượt xác lập khuôn khổ quan hệ từ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài (năm 2002) lên Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á (năm 2009), Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á (năm 2014) và Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới (ngày 27/11/2023). Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có nền tảng tốt đẹp và nhiều lợi ích chung, đạt đồng thuận cao và sự ủng hộ trong nội bộ Nhật Bản và các chính Đảng lớn. Tin cậy chính trị được duy trì ở mức cao thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, nổi bật là chuyến thăm Việt Nam của Hoàng Thái tử cùng Công nương (9/2023). Về phía Việt Nam, Chủ tịch nước và Phu nhân thăm chính thức Nhật Bản (11/2023), Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị cấp cao G7 và thăm Nhật (5/2023), dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản (12/2023).
Về hợp tác kinh tế - thương mại, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ 2, nhà đầu tư lớn thứ 3, đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Về viện trợ phát triển chính thức ODA: Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng Yên cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỷ Yên (tương đương 27,5 tỷ USD), chiếm hơn 26% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ). Về đầu tư, tính đến hết tháng 8/2024, Nhật Bản có 5.417 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 79,3 tỷ USD, đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và Singapore trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Về thương mại, 08 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 30,47 tỷ USD, tăng 5,07% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 16,1 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 14,37 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Hợp tác an ninh - quốc phòng tiếp tục là trụ cột quan trọng của hai nước. Hai Bên chủ trương thúc đây chuyển giao công nghệ, hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị an ninh trên biển; từng bước tiến hành giao lưu, tham gia huấn luyện chung với các lực lượng của Nhật Bản và quốc tế; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Hợp tác lao động: Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam; Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (6/2017); Bản Ghi nhớ hợp tác về chế độ Lao động kỹ năng đặc định (5/2019). Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong tổng số 15 quốc gia tham gia phái cử lao động sang Nhật Bản (khoảng 310.000 người).
Hợp tác giáo dục: Việt Nam là nước đầu tiên chính thức đưa tiếng Nhật vào giảng dạy ở bậc trung học cơ sở từ năm 2003, tiểu học từ năm 2019. Nhật Bản là một trong những nước viện trợ lớn nhất cho ngành giáo dục - đào tạo của Việt Nam thông qua các chương trình viện trợ ODA. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt hơn 51.000 người. Nhật Bản đã hỗ trợ nâng cấp 04 trường đại học của Việt Nam đạt đại học chất lượng cao; xây dựng Trường Đại học Việt - Nhật nhằm đào tạo nguồn lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ.
Hợp tác nông nghiệp: Hai bên đã ký kết và triển khai Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác Nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản (tháng 9/2015, ký sửa đổi tháng 5/2018, nhất trí triển khai giai đoạn hai 2020-2024 vào tháng 12/2020). Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đây cho các dự án ứng phó với biển đối khí hậu của Việt Nam.
Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đạt gần 600.000 người (đứng thứ 2 sau Trung Quốc). Người Việt Nam hiện sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Nhật Bản, trong đó chủ yếu tập trung tại Aichi, Tokyo, Osaka, Saitama, Chiba, khu vực Kyushu.
Hợp tác địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, địa phương của Việt Nam và Nhật Bản đã ký hơn 110 văn bản hợp tác, trong đó các cặp quan hệ tiêu biểu như Thành phố Hồ Chí Minh - Osaka, Nagano; Hà Nội - Fukuoka, Tokyo; Đà Nẵng - Sakai, Yokohama; Phú Thọ - Nara; Huế - Kyoto; Quảng Nam - Nagasaki; Hưng Yên - Kanagawa; Hải Phòng - Niigata.
“Tham gia đoàn Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức hai nước lần này có sự tham gia của lãnh đạo một số địa phương đại diện cho các miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Với các cuộc làm việc, trao đổi thực chất, sự tham gia tích cực của lãnh đạo các địa phương của Việt Nam, Singapore và Nhật Bản, tôi tin tưởng rằng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao song phương giữa Việt Nam với Singapore và Nhật Bản, mà còn tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác thực chất giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Singapore và Nhật Bản, mang lại những lợi ích cụ thể cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp của hai quốc gia.”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà cho biết.
Chia sẻ về ý nghĩa chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu nêu rõ, trong hơn 50 năm qua, quan hệ hai nước đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc và toàn diện với sự tin cậy chính trị rất cao. Thêm vào đó, kinh tế Việt Nam và Nhật Bản có tính bổ sung cho nhau. Việt Nam có dân số hơn 100 triệu người, nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh, lực lượng lao động trẻ có kĩ năng, trình độ chuyên môn tốt, dồi dào; môi trường kinh tế, chính trị ổn định, tạo điều kiện rất thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, người dân thân thiện, đặc biệt được các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao và muốn gắn bó lâu dài. “Trong bối cảnh đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sự đồng hành hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản, đóng vai trò hết sức quan trọng.” - Đại sứ nhấn mạnh.
Đưa quan hệ hợp tác Nghị viện Việt Nam - Nhật Bản lên tầm cao mới
Cùng với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” giữa Việt Nam và Nhật Bản, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Nhật Bản thời gian qua không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp.
Trên phương diện song phương, hai bên thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trao đổi kinh nghiệm giữa các Ủy ban chuyên môn và các nghị sĩ, góp phần thiết thực vào việc triển khai và thúc đẩy các thỏa thuận của hai nước, tạo sự lan tỏa và hỗ trợ hoạt động của Chính phủ, đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, bảo đảm hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản. Ngoài trao đổi đoàn cấp cao và giữa các cơ quan chuyên môn, Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Nhật Bản thúc đẩy giao lưu nghị sĩ trong khuôn khổ Nghị sĩ hữu nghị và Nghị sĩ trẻ, nữ Nghị sĩ Quốc hội với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản cùng với Liên minh Nghị sĩ Nhật Bản - Việt Nam luôn đóng vai trò cầu nối tích cực, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, giao lưu giữa các nghị sĩ, hợp tác địa phương đi vào chiều sâu, thực chất.
Trong khuôn khổ hợp tác nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA), hai bên có quan điểm tương đồng về việc xây dựng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thường xuyên tham vấn và ủng hộ lẫn nhau trong quan điểm về các vấn đề an ninh hàng hải, hàng không tại khu vực.
Chia sẻ về chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, cho biết, hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước đóng vai trò quan trọng trong tổng thể quan hệ Việt Nam-Nhật Bản. Do đó, việc duy trì các chuyến thăm, trao đổi cấp cao và các cấp; tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan chuyên môn của Quốc hội hai nước có ý nghĩa thiết thực và lâu dài. “Thời gian qua, hai nước đã có quyết tâm chính trị cao nhằm tăng cường kết nối nền kinh tế hai nước. Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Nhật Bản sẽ tăng cường các cơ chế trao đổi kinh nghiệm trong công tác lập pháp, nhất là trong việc xây dựng thể chế tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội đất nước phát triển mạnh mẽ, nhất là khi đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Là nước có nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng luật và đào tạo chuyên gia pháp lý, Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam một cách hiệu quả trong việc nâng cao năng lực xây dựng pháp luật.” - Đại sứ Phạm Quang Hiệu chia sẻ.
“Đặc biệt trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Thượng viện Sekiguchi Masakazu sẽ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Nhật Bản, theo tôi đây là tiền đề rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp lên tầm cao mới trong những năm tới” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà cho biết.
Còn theo Hạ Nghị sỹ Nhật Bản Yoichiro Aoyagi, chuyến thăm Nhật Bản lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy triển khai các thỏa thuận giữa hai nước. Bảo đảm hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản." Ngành dịch vụ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có nhu cầu. Việc xin giấy phép đầu tư khá khó khăn. Tiếp đến là lĩnh vực y tế cũng có nhu cầu. Tôi muốn thấy dịch vụ chăm sóc y tế của Nhật Bản được phát triển tại Việt Nam.Tôi tin rằng chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để đơn giản hóa các thủ tục. Các nhà lập pháp hai nước cần nỗ lực cải thiện điều này. Hiện nay, nền kinh tế Nhật Bản đang phụ thuộc lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Việt Nam. Tôi nghĩ cần hợp tác để tạo ra một môi trường giúp người Việt Nam làm việc tại Nhật Bản dễ dàng hơn và nhận được mức lương tốt hơn.” - Hạ nghị sỹ Nhật Bản Yoichiro Aoyagi cho biết.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn được lãnh đạo hai nước đặc biệt coi trọng và đánh giá cao, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ thành công tốt đẹp, tạo ra xung lực mới cho đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/su-kien-noi-bat.aspx?itemid=91473