LÀM SÂU SẮC HƠN QUAN HỆ HỮU NGHỊ TRUYỀN THỐNG, HỢP TÁC NHIỀU MẶT VIỆT NAM - THỤY SĨ

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27-30/6/2023.

Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas

Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas

Quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Thụy Sỹ phát triển tốt đẹp

Thụy Sĩ và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/10/1971. Đại sứ quán đầu tiên của Thụy Sĩ tại Hà Nội được mở vào năm 1973 và đến năm 2015, Thụy Sĩ đã mở thêm Tổng Lãnh sự quán Thụy Sĩ tại thành phố Hồ Chí Minh. Ban đầu, quan hệ hợp tác giữa hai nước tập trung vào hỗ trợ phát triển và viện trợ nhân đạo của Thụy Sĩ dành cho Việt Nam. Trải qua hơn nửa thế kỷ, mối quan hệ thân thiết giữa hai quốc gia đã phát triển và mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Hai nước tổ chức tham vấn chính trị từ năm 2011. Đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu, mà Thụy Sĩ là thành viên, diễn ra từ năm 2012. Năm 2021, Thụy Sĩ và Việt Nam kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 30 năm quan hệ hợp tác phát triển nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và giúp Việt Nam trở thành quốc gia hiện đại và thịnh vượng.

Quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ thời gian qua phát triển tốt đẹp. Về chính trị, ngoại giao, hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thụy Sĩ vào tháng 11/2021 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021). Về hợp tác kinh tế, tại cả hai quốc gia, khu vực tư nhân là động lực chính thúc đẩy sự thịnh vượng về kinh tế. Kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách “Đổi mới”, bắt đầu mở cửa nền kinh tế, thương mại giữa hai nước dần phát triển. Xuất khẩu của Thụy Sĩ vào Việt Nam chủ yếu là máy móc, tiếp theo là máy tính, linh kiện, phụ kiện điện tử và dược phẩm. Xuất khẩu của Việt Nam vào Thụy Sĩ phần lớn là sản phẩm da giày, dệt may, hàng điện tử, thủy hải sản và các loại nông sản khác.

Quan hệ kinh tế giữa Thụy Sĩ và Việt Nam được duy trì ổn định trong thời kỳ COVID-19 và năm 2022. Hiện tại, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Thụy Sĩ vào Việt Nam đạt 2 tỷ CHF, tương đương 51 nghìn tỷ đồng (Thụy Sĩ hiện đứng thứ 21 trong số các nhà đầu tư nước ngoài và là một trong số các nhà đầu tư châu Âu quan trọng tại Việt Nam). Theo quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn tiềm năng tăng lên. Theo ước tính, các khoản đầu tư này sẽ giúp tạo ra hơn 20,000 việc làm ở các lĩnh vực khác nhau như xây dựng, chế biến thức ăn, máy móc, dược phẩm, dụng cụ chính xác, bao gồm công nghệ và dụng cụ y tế, công nghệ thông tin, dịch vụ vận chuyển và logistics. Hiện nay, có hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sỹ đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có các công ty đa quốc gia quy mô lớn như ABB, Nestlé, Novartis, Roche, Schindler, Swiss Re... Đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA) mà Thụy Sĩ là thành viên diễn ra từ năm 2012. Cả hai bên đều hy vọng sớm kết thúc đàm phán và tiến hành ký kết hiệp định tiến bộ và hiện đại này nhằm tạo động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước.

Bên cạnh đó, thông qua các cơ quan phụ trách phát triển và hợp tác kinh tế cũng như các hoạt động viện trợ nhân đạo, chính phủ Thụy Sĩ đã hỗ trợ Việt Nam hơn 600 triệu franc (15 nghìn tỷ đồng). Trước năm 2016, các hoạt động hợp tác phát triển này chủ yếu tập trung vào các mục tiêu xóa đói giảm nghèo - thông qua hỗ trợ phát triển nông thôn, quản trị địa phương, thúc đẩy sự tham gia của người dân, và tiếp cận dịch vụ tư pháp. Sau đó, Thụy Sĩ đã chuyển dịch sang mục tiêu hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế bền vững theo định hướng thị trường.

Hiện tại, với tư cách là quốc gia ưu tiên trong chương trình hợp tác phát triển kinh tế của Thụy Sĩ, Việt Nam được nhận hỗ trợ kỹ thuật trị giá 70 triệu CHF từ Chính phủ Thụy Sĩ cho giai đoạn 2021-2024. Chương trình tập trung cải thiện điều kiện khung trong quản lý tài chính công, tăng cường và củng cố khu vực tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường của khu vực tư nhân, tăng cường năng lực quy hoạch đô thị và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Thụy Sĩ cũng đã viện trợ nhân đạo cho Việt Nam, cụ thể là cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng sau trận bão lũ ở miền Trung vào năm 2020 và hỗ trợ vật tư y tế trong đại dịch Covid-19.

Năm 2023, Thụy Sĩ tăng cường đầu tư vào các dự án công nghiệp tiên tiến, công nghệ mới, cao, sạch và môi trường, quản trị hiện đại có giá trị gia tăng, lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Thụy Sĩ mong muốn Việt Nam tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh lâu dài, trong những lĩnh vực có thế mạnh như tài chính ngân hàng, bảo hiểm công nghệ chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, du lịch. Thụy Sĩ đề nghị Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi về thị thực và giấy phép làm việc cho các chuyên gia, doanh nghiệp Thụy Sĩ. Trong khu vực kinh tế tư nhân, Thụy Sĩ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, đòi hỏi có các quy định rõ ràng về năng lượng tái tạo, nâng cấp lưới điện và cho phép các cơ sở quản lý và tái chế chất thải hiện đại. Thụy Sĩ ủng hộ Việt Nam trong việc tôn trọng luật pháp quốc tế, công bằng, bình đẳng tại Liên hợp quốc, thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong kiến tạo hòa bình thông qua hành động cụ thể.

Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và đổi mới sáng tạo là một trong các lĩnh vực đang mở rộng. Nhiều trường Đại học Thụy Sĩ đã xây dựng quan hệ với các trường cao đẳng và đại học của Việt Nam, bao gồm hợp tác trong ngành nổi tiếng như quản trị nhà hàng-khách sạn. Hàng năm, những nghiên cứu sinh trẻ người Việt Nam có bằng Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ có thể ứng tuyển Học bổng Chính phủ Thụy Sĩ.

Kể từ năm 2020, Quỹ Khoa học Quốc gia Thụy Sĩ (SNSF) và đối tác Việt Nam là Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đã hỗ trợ các dự án hợp tác nghiên cứu chung của các nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ -Việt Nam kết hợp. Đợt tiếp nhận hồ sơ đăng ký lần đầu, khởi động vào tháng 10/2020, với đóng góp tài chính trị giá 2,5 triệu franc (hơn 62 tỷ đồng) từ Thụy Sĩ đã giúp tài trợ 10 dự án nghiên cứu. Sau thành công của đợt đầu tiến, đợt tiếp nhận lần thứ hai, sẽ được phát động vào mùa thu năm 2023.

Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ hiện có khoảng 8.000 người, trong đó hơn một nửa đã nhập quốc tịch Thụy Sĩ nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam tích cực tổ chức các hội nghị, hội thảo về tình hình Việt Nam và vận động Thụy Sĩ đoàn kết, ủng hộ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh; hỗ trợ Việt Nam trong một số dự án chăm sóc y tế cho bệnh nhân phong, xóa đói giảm nghèo; Hội người Việt Nam và Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam mở trường Bình Minh tại Zurich dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt.

Thúc đẩy hợp tác giữa hai Cơ quan lập pháp Việt Nam – Thụy Sĩ ngày càng hiệu quả, thực chất

Về quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp, quan hệ hữu nghị và hợp tác nghị viện hai nước phát triển tích cực. Quốc hội hai nước thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan của Quốc hội. Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Quốc hội hai nước đã được thành lập và triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ nghị viện cũng như hợp tác giữa hai nước. Tại các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), hai bên thường xuyên phối hợp chặt chẽ, tham vấn về các vấn đề quốc tế và khu vực.

Cùng với Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas, chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này còn có 02 Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia thể hiện sự coi trọng của Thụy Sĩ đối với Việt Nam, là hoạt động đối ngoại nghị viện quan trọng nối lại trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước sau đại dịch COVID-19. Thụy Sĩ muốn tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và nỗ lực hướng tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).

Quốc hội Việt Nam đón Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Thụy Sỹ, mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ gần gũi và tin cậy giữa hai nước trên các lĩnh vực; thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư; đồng thời mong muốn sớm hoàn tất và đưa vào thực thi Hiệp định EFTA; thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Cơ quan lập pháp giữa hai nước, đưa hợp tác nghị viện song phương ngày càng hiệu quả, thực chất.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ sẽ có các cuộc chào xã giao, hội đàm, hội kiến với các nhà Lãnh đạo Việt Nam. Trong đó, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp nhằm đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất thông qua tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao và các cấp cả ở kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước.

Hai bên cũng sẽ bàn thảo các biện pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của Thụy Sĩ và Việt Nam có nhu cầu như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, du lịch. Đồng thời trao đổi các nội dung nhằm sớm kết thúc đàm phán EFTA. Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để Khối EFTA tiếp cận và mở rộng thị trường tại khu vực ASEAN; vận động Thụy Sĩ hỗ trợ kỹ thuật, tiếp cận chuyên môn, nang cao năng lực, chuyển giao công nghệ, hợp tác công nghệ, tạo cơ hội thương mại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Lãnh đạo hai nước cũng sẽ trao đổi các biện pháp nhằm phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả Chương trình hợp tác Việt Nam và Thụy Sĩ giai đoạn 2021-2024, tập trung vào các ưu tiên là tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế tri thức, ứng phó với các thách thức mới về phát triển và biến đổi khí hậu.

Về hợp tác nghị viện, hai bên sẽ thảo luận biện pháp tiếp tục tăng cường hợp tác trên kênh ngoại giao nghị viện, duy trì trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao và các ủy ban chuyên môn của Quốc hội; tăng cường giao lưu giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị và nghị sĩ hai nước. Trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của nghị viện; hợp tác giám sát việc thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Chính phủ hai nước; ủng hộ và tăng cường kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp và địa phương hai nước. Tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như IPU, APF và phối hợp thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững./.

Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77477