Làm sống động các đồ án quy hoạch

Các đồ án quy hoạch phải bảo đảm chất lượng, tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đi kèm tiết kiệm kinh phí và phát huy hiệu quả sau khi được phê duyệt. Đây là những yêu cầu được thành phố Hà Nội đặt ra đối với công tác lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch giai đoạn hiện nay.

Người dân tham quan đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử được trưng bày tại quận Hoàn Kiếm.

Người dân tham quan đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử được trưng bày tại quận Hoàn Kiếm.

Nhận diện rào cản trong quy hoạch

Nghị quyết số 06-NQ/TƯ về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Bộ Chính trị ban hành ngày 24-1-2022, đánh giá công tác quy hoạch đô thị còn “chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp; việc triển khai còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện...”. Đối chiếu với thực trạng Hà Nội cũng thấy rõ nhiều hạn chế từ việc lập quy hoạch đến thực hiện.

“Có thể nói, tất cả những vấn đề tồn tại của hệ thống quy hoạch trong cả nước đã hiện diện trong hệ thống quy hoạch của Thủ đô Hà Nội”, kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc, quy hoạch Hà Nội nhận định. Từ thực tiễn 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, với khoảng 30 quy hoạch chuyên ngành, 19 quy hoạch chung các huyện, các đô thị, hàng trăm quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch nông thôn mới… được lập, Kiến trúc sư Lê Hoàng Phương cho rằng hệ thống quy hoạch này quá cồng kềnh, thiếu đồng bộ, là rào cản trong công tác quản lý.

Báo cáo số 02/BC-HĐND ngày 20-1-2022 của Đoàn giám sát HĐND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cũng nhận định, việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị còn bất cập, thiếu đồng bộ. Tiến độ thực hiện một số đồ án quy hoạch chậm, đặc biệt là quy hoạch các đô thị vệ tinh. Một số quy hoạch chưa cập nhật chính xác hiện trạng sử dụng đất, dự án được duyệt; có quy hoạch dự báo chưa sát với yêu cầu thực tiễn và phát triển của địa phương dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình lập dự án đầu tư.

Nhiều giải pháp nâng chất lượng quy hoạch

Nhằm tiếp tục cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt danh mục lập 236 đồ án, nhóm đồ án quy hoạch đô thị và xây dựng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn. Thành phố yêu cầu các đồ án bảo đảm không chồng lấn ranh giới, trùng lặp khối lượng với các đồ án được giao từ năm 2020 trở về trước; nâng cao tính khả thi, tiết kiệm kinh phí, phát huy hiệu quả sau khi được phê duyệt.

“Trong bối cảnh điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nghiên cứu, đồng thời tiếp tục cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô ở các đô thị vệ tinh và một số phân khu nội đô. Kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, xây dựng giai đoạn 2021-2025 phải được nghiên cứu tại các khu vực ổn định, ít bị tác động bởi điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô, để bảo đảm việc hoàn thành phê duyệt các quy hoạch cũng như phát huy hiệu quả trong thực tiễn sau khi được duyệt. Sở đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tuân thủ nội dung này trong quá trình đề xuất, xây dựng danh mục”, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh nêu.

Nhìn nhận nguyên nhân chất lượng đồ án quy hoạch chưa đạt xuất phát từ chất lượng dữ liệu thấp và phương pháp vẽ quy hoạch chưa đạt yêu cầu, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, đồ án quy hoạch phải dựa trên nền tảng tổng hợp thông tin đa dạng, căn cứ vào đó để phân tích, tính toán, lựa chọn phương án tối ưu. Trước mắt, thành phố cần triệt để khai thác các tổ chức, cá nhân có năng lực làm chủ công nghệ hiện đại, hỗ trợ đắc lực cho việc hoàn thành quy hoạch Thủ đô với chất lượng cao nhất.

“Cùng với đó, cần có các thay đổi về sản phẩm quy hoạch như ứng dụng sản phẩm số, xây dựng quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, xây dựng hệ thống các quy định riêng, cụ thể cho từng đô thị, từng khu vực; nâng cao hơn số lượng và chất lượng nguồn nhân sự tham gia quản lý đô thị, vận hành đô thị các cấp để đáp ứng yêu cầu hoạt động và phát triển”, kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc, quy hoạch Hà Nội kiến nghị.

Với vai trò “đầu tàu” trong rà soát, tích hợp, bổ sung, điều chỉnh quá trình thực hiện quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội xác định rõ và quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, tăng cường quản lý quy hoạch thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các hội nghề nghiệp, tranh thủ ý kiến đóng góp, phản biện của chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc; tăng cường thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc, thiết kế đô thị.

Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, việc nâng cao hiệu quả của hội đồng thẩm định, hội đồng tư vấn về kiến trúc vào các đồ án quy hoạch có quy mô lớn, tính chất quan trọng hay kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch sẽ được Sở chú trọng hơn trong thời gian tới.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1027462/lam-song-dong-cac-do-an-quy-hoach