Làm sống lại Chợ tranh Đông Hồ
Không đơn thuần là để trang trí, tô điểm, làm đẹp ngôi nhà mà tranh dân gian Đông Hồ còn là những bài học dài về đạo lý làm người. Mỗi bức tranh như một trang sách ảnh mà người xưa gửi gắm biết bao giá trị tư tưởng, đạo đức, văn hóa, kinh nghiệm sống...
Chợ tranh Đông Hồ là một di sản văn hóa đặc sắc của làng Đông Hồ xưa. Trước kia, chợ tranh diễn ra tại đình Đông Hồ vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21 và 26 tháng Chạp. Trong mỗi phiên chợ có hàng nghìn bức tranh được bày bán, khu vực đình làng rực rỡ sắc màu, tranh trải trên chiếu, tranh vắt trên tường, tranh treo trên dây... Khách từ các tỉnh xa gần nườm nượp về buôn tranh, không khí chợ tranh ngày giáp Tết tấp nập vui như trảy hội. Tuy nhiên, chợ tranh Đông Hồ dần vắng bóng, để bao hoài niệm, thương nhớ cho người dân địa phương.
Nhằm tái hiện một di sản văn hóa độc đáo của quê hương và làm mới sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn cho du khách, ngày 21/4, tại Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ (phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành), Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh khai mạc chương trình tái hiện không gian Chợ tranh Đông Hồ.
Chợ tranh Đông Hồ năm 2024 gồm 20 gian hàng giới thiệu, trình diễn và bày bán phong phú sản phẩm tranh dân gian Đông Hồ với sự tham gia của 3 gia đình nghệ nhân hiện đang nỗ lực giữ nghề.
Giá trị độc đáo, đặc sắc và của tranh dân gian Đông Hồ được thể hiện từ những chất liệu, màu sắc dân gian quen thuộc, gần gũi với thiên nhiên, gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người dân Việt. Đặc biệt, dòng tranh này cũng luôn bám sát các giai đoạn lịch sử dân tộc: Từ Bà Trưng Bà Triệu oai phong xung trận cho đến tranh phụ nữ Việt Nam ba đảm đang, vừa sản xuất vừa chiến đấu hay là những tranh đả kích những biến tướng, nhiễu nhương trong thời kỳ Âu hóa…
N.N
Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/lam-song-lai-cho-tranh-dong-ho-c8a72533.html