Lâm tặc lộng hành, tấn công kiểm lâm
Cùng với nạn phá rừng, thời gian gần đây, tại một số địa phương liên tục xảy ra nhiều vụ việc cán bộ kiểm lâm bị lâm tặc đe dọa, tấn công
Trước tình trạng lâm tặc nhiều lần ngang nhiên đến điểm chốt chặn lâm sản ở địa phương hành hung cán bộ kiểm lâm, Chủ tịch UBND huyện An Lão (tỉnh Bình Định) Phạm Văn Nam vừa ký văn bản chỉ đạo Công an huyện chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tiến hành điều tra, xác minh làm rõ để xử lý theo quy định.
Ngày bắt gỗ lậu, đêm bị đánh
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, trong vòng chưa đầy 2 tháng, ông Trần Đăng Hoài, cán bộ của cơ quan, 2 lần bị lâm tặc hành hung. Lần thứ nhất xảy ra vào chiều 29-5 tại chốt chặn lâm sản đóng trên địa bàn thôn 4, xã An Hưng.
Khi đó, ông Hoài cùng một cán bộ kiểm lâm khác là ông Trần Văn Công đang làm việc thì bị ông Trần Ngọc Chính (SN 1977; ngụ xã An Hòa, huyện An Lão) xông vào chốt trong tình trạng say rượu rồi hỏi: "Có được khai thác cây ké trong rẫy không?".Ông Công trả lời "không được", đồng thời giải thích nguyên nhân. Sau đó, ông Chính chửi bới, hăm dọa cán bộ kiểm lâm. Một lát sau, 2 người em ruột của ông Chính là Trần Đình Bảy và Trần Đình Tám cũng đến. Thấy anh mình chửi bới cán bộ kiểm lâm, ông Tám chưa hiểu chuyện gì đã xông vào đánh ông Hoài tới tấp.
Chưa dừng lại ở đó, khoảng 0 giờ ngày 18-7, sau khi nhậu say, ông Tám tiếp tục đến chốt chặn lâm sản trên đánh ông Hoài. "Trước khi bị hành hung vài giờ, tôi cùng đồng nghiệp đã bắt xe ông Tám vận chuyển trái phép 3 súc gỗ" - ông Hoài nói.
Trước đó không lâu, tại thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định cũng xảy ra vụ đập phá ôtô công vụ và tấn công lực lượng kiểm lâm khiến 1 người bị thương. Nguyên nhân xuất phát từ việc tổ công tác Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh truy bắt 2 người chở gỗ lậu. Phan Văn Mị (SN 1993) dùng môtô chạy cản đường xe kiểm lâm để 2 người chở gỗ lậu chạy trốn, sau đó còn tấn công lực lượng chức năng.
Phá rừng phòng hộ, manh động khi bị ngăn cản
Từ đầu tháng 8-2020 tới nay, tình trạng khai thác và vận chuyển gỗ trái phép ở khu vực rừng phòng hộ xung quanh Nhà máy Thủy điện ĐăkRe (thôn Gò Lăng, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) diễn ra rầm rộ, công khai.
Theo một nhân viên bảo vệ của Nhà máy Thủy điện ĐăkRe, các đối tượng này thường lợi dụng vào thứ bảy, chủ nhật, khi không có kiểm lâm làm việc để khai thác gỗ trái phép. Sau đó, họ vận chuyển gỗ dần dần ra khu vực Nhà máy Thủy điện ĐăkRe, đợi đến đêm mới chở gỗ đi tẩu tán.
Các bảo vệ Nhà máy Thủy điện ĐăkRe cho biết phần lớn những đối tượng khai thác gỗ trái phép là dân địa phương, hết sức hung hăng, manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện. "Hôm 10-8, chúng tôi phát hiện 3 người chở nhiều khúc gỗ qua cổng nhà máy nên chặn lại. Sau đó, nhóm người này ném hết gỗ xuống suối rồi bỏ đi. Đến tối cùng ngày, một nhóm 5-7 người đứng trên đồi cao dùng cây lăn, ném đá xuống nhà bảo vệ gây hư hỏng nhiều tài sản và liên tục chửi bới, hăm dọa chúng tôi" - một bảo vệ kể.
Ông Ngô Vĩnh Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ, cho biết sau khi nhận được tin báo về vụ việc, lực lượng kiểm lâm xuống địa bàn bắt giữ 8 xe máy với 18 khúc gỗ lớn, nhỏ. "Các nhóm đối tượng trên chủ yếu là người địa phương. Họ khai thác gỗ đà về làm nhà, diễn ra với mức độ ít và lai rai chứ không thường xuyên. Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã phối hợp với Công an xã Ba Xa điều tra, xác minh danh tính các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật" - ông Phong nói.
Lực lượng bảo vệ rừng chưa đủ mạnh
Ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, cho biết thời gian gần đây, nạn lâm tặc hành hung kiểm lâm thường xuyên xảy ra ở các địa phương, nhất là các huyện miền núi. Tính từ đầu năm đến nay, Bình Định đã xảy ra 6 vụ lâm tặc tấn công kiểm lâm. Hiện tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng với mức độ nghiêm trọng.
Nguyên nhân chủ yếu là do lực lượng bảo vệ rừng chưa đủ mạnh về nhân lực và trang thiết bị, phương tiện để phòng vệ chính đáng; hành lang pháp lý, quyền hạn của kiểm lâm trong khi thi hành công vụ cũng hạn chế. Các đối tượng phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép thường manh động, vì cuộc sống mưu sinh bất chấp hậu quả, thậm chí biết vi phạm pháp luật nhưng khi bị lực lượng chức năng xử lý thường có hành vi hết sức côn đồ.
Mức phạt chưa đủ răn đe?
Khoảng cuối năm 2019, tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định xảy ra vụ lâm tặc cầm hung khí tấn công làm ông Nguyễn Duy Trường, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Ân Nghĩa, bị thương.
Nhóm lâm tặc cầm đầu là ông Nguyễn Văn Sa và người lái ôtô tải Nguyễn Thanh Vân, sau đó bị khởi tố về tội "Vận chuyển lâm sản trái phép" và "Chống người thi hành công vụ". Mới đây, TAND huyện Hoài Ân đã tuyên phạt Sa 33 tháng tù giam, Vân 18 tháng tù giam. Trước đó, Sa đã có một tiền án về tội "Chống người thi hành công vụ" khi vận chuyển gỗ lậu, vừa mãn hạn tù lại tiếp tục gây án.