Lâm tặc rải đinh, đặt bẫy, gian nan 'cuộc chiến' bảo vệ rừng ở Đắk Nông
Huyện Đắk G'long (Đắk Nông) có hàng chục héc-ta rừng bị người dân lấn chiếm để làm đất ở, canh tác. Nhiều đối tượng lợi dụng ban đêm chặt phá rừng, đặt bẫy tự chế, rải đinh bẫy kiểm lâm.
Gian nan thu hồi
Theo UBND huyện Đắk G’long (Đắk Nông), mấy năm qua, rừng thông dọc Quốc lộ 28 bị nhiều đối tượng xấu chặt phá, đốt hoặc khoan lỗ rồi đổ hóa chất vào để đầu độc nhằm chiếm đất.
Theo thống kê, có 133 hộ dân đã lấn chiếm trên 35ha rừng thông dọc quốc lộ 28. Đến nay, sau nhiều lần tuyên truyền, vận động và cưỡng chế, huyện Đắk G’long đã giải tỏa được 27ha đất rừng.
Sau đó, phần diện tích này được cơ quan chức năng bàn giao cho Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý, trồng lại rừng. Hiện vẫn còn khoảng 20 trường hợp với 8ha đất rừng chưa được giải tỏa.
Theo UBND xã Quảng Sơn (huyện Đắk G’long), có một số trường hợp đã quay trở lại, tiếp tục dựng lều, quây tôn bám trụ tại phần đất đã bị cưỡng chế. Chính quyền địa phương nhiều lần đến thuyết phục nhưng người dân không chịu rời đi.
Ông Nguyễn Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, việc các chủ rừng trước đây buông lỏng quản lý đã khiến cho địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết hậu quả một cách triệt để.
Cụ thể, trường hợp Cty TNHH Thương mại Nguyên Vũ được UBND tỉnh giao đất từ năm 2015 quản lý không tốt, nên phần lớn đất dự án bị người dân lấn chiếm. Sau khi xảy ra việc trên, UBND tỉnh đã thu hồi dự án, giao lại cho Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý.
“Hiện nay, hơn 8ha rừng bị người dân lấn chiếm vẫn chưa thu hồi được do có nhiều trường hợp đang tiến hành các thủ tục tố tụng, khởi kiện tại TAND tỉnh Đắk Nông và 2 trường hợp khởi kiện tại TAND cấp cao TP. Hồ Chí Minh”, ông Trần Nam Thuần cho biết thêm.
Rừng bị hủy hoại vẫn không thuyên giảm
Theo Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, sau khi UBND tỉnh Đắk Nông bàn giao đất rừng, đơn vị đã tiếp nhận quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn 2 xã Quảng Hòa, Quảng Sơn (huyện Đắk G’long).
Cụ thể, trong năm 2022, đơn vị đã trồng mới 53,94ha rừng thông. Trong đó, đã trồng được 15/27ha vừa được UBND huyện Đắk Glong cưỡng chế, giải tỏa và bàn giao.
Ông Lý Bá Giờ (SN 1991), nhân viên quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) kể lại, mặc dù đơn vị đã có nhiều nỗ lực nhưng tình trạng người dân hủy hoại rừng ở khu vực này vẫn không thuyên giảm. Cụ thể, có hơn 4.000 cây thông non bị kẻ gian nhổ gốc, tác động khiến cây chết.
"Hiện nay, tại khu vực tiểu khu 1637 (xã Quảng Hòa), một số đối tượng lâm tặc hoạt động rất ma mãnh. Các đối tượng lợi dụng ban đêm chặt phá rừng. Mới đây, trong lúc tuần tra, tôi đã giẫm phải bẫy đinh của các đối tượng chôn dưới đất. Lán trại của Cty ở xã Quảng Hòa bị đập phá. Trong lúc tuần tra, xe máy để dưới chân đồi đã bị kẻ xấu đổ muối, cát vào làm rỉ, hỏng lốc máy", ông Lý Bá Giờ nói.
Ông Đinh Văn Nam, Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn cho biết, nhiều tháng qua, cán bộ nhân viên bảo vệ rừng liên tục giẫm phải đinh, bẫy tự chế của các đối tượng cài trước đó. Manh động hơn, một số đối tượng lâm tặc đã dùng xăng để đốt trạm trực chốt. Có đối tượng dùng súng tự chế bắn vào Trạm Quản lý, bảo vệ rừng số 4 (ở thôn 12, xã Quảng Hòa).
"Thời điểm này, hơn 20 nhân viên quản lý bảo vệ rừng của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn phải căng sức tuần tra cả ngày, lẫn đêm. Nhân viên quản lý bảo vệ rừng của đơn vị luôn cảnh giác, lo sợ có đối tượng đe dọa tính mạng. Sau khi xảy ra sự việc, phía công ty đã báo chính quyền địa phương và lực lượng Công an huyện phối hợp, điều tra.", ông Nam cho biết thêm
Theo ông Đinh Văn Nam, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn đã đầu tư 9 camera gắn dọc quốc lộ 28 (xã Quảng Sơn) quản lý khu vực này. Tại khu vực xã Quảng Hòa, do thiếu kinh phí nên chỉ lắp tại các chốt bảo vệ.
Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long khẳng định, huyện đã chỉ đạo Công an phối hợp đơn vị quản lý rừng thường xuyên kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất đai. Địa phương sẽ tiếp tục làm quyết liệt và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm lấn chiếm đất rừng.