Lâm Thao nỗ lực phát triển nông nghiệp cận đô thị

Những năm qua huyện Lâm Thao đã khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế của vùng cận đô thị, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, qua đó đạt được nhiều kết quả quan trọng, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích và thu nhập của người nông dân.

Hợp tác xã thực phẩm xanh, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao sản xuất thực phẩm theo hướng hữu cơ.

Hợp tác xã thực phẩm xanh, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao sản xuất thực phẩm theo hướng hữu cơ.

Lâm Thao có khoảng 7.000ha đất canh tác hàng năm, trong đó diện tích đất nông nghiệp trên 5.500ha. Thực hiện Nghị quyết số 02- NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2015 – 2020, huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, tiến hành lập quy hoạch vùng sản xuất tập trung, gắn với tổ chức sản xuất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, nhất là hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đồng bộ, hiện đại tại các xã: Vĩnh Lại, Bản Nguyên, Phùng Nguyên nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Triển khai có hiệu quả các dự án như: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Tứ Xã" cho các sản phẩm rau an toàn Tứ Xã; quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Tương Dục Mỹ" cho các sản phẩm tương Dục Mỹ, xã Cao Xá;... Đồng thời, chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn xây dựng Nghị quyết, Chương trình hành động, Kế hoạch để cụ thể hóa Nghị quyết cho phù hợp với thực tế của địa phương.Kết quả giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 bình quân ước đạt 2,55%/năm; năng suất lúa bình quân năm 2020 ước đạt 64 tạ/ha, an ninh lương thực được đảm bảo vững chắc. Giá trị sản phẩm bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác ước đạt 145 triệu đồng/ha. Một số vùng sản xuất hàng hóa có giá trị sản phẩm trên 400 triệu đồng/ha/năm như: Vùng sản xuất rau an toàn xã Tứ Xã đạt trên 500 triệu đồng; vùng trồng ớt xuất khẩu xã Phùng Nguyên đạt trên 400 triệu đồng. Quy hoạch và tổ chức sản xuất theo quy hoạch các vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các xã: Cao Xá, Vĩnh Lại, Tứ Xã, Kinh Kệ, Sơn Dương, Bản Nguyên... Toàn huyện có 35 HTX, tăng 12 HTX, 100% Hợp tác xã đã chuyển đổi hoạt động theo luật HTX năm 2012, sau chuyển đổi các HTX bước đầu có sự đổi mới, mở rộng ngành nghề kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống thành viên HTX.Nhắc đến các mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả tốt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Đức Hùng cho biết: Đến nay, huyện có vùng sản xuất lúa chất lượng cao rộng 2.000ha, với các giống lúa chính: J02, HT 1, Thiên ưu 8, RVT; vùng sản xuất các loại rau, củ, quả hơn 300ha; vùng sản xuất rau an toàn 40ha; mô hình trồng chuối ven đê, cây ăn quả có múi trên đồi, kinh tế trang trại… Một số sản phẩm nông nghiệp bước đầu xây dựng được thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ như rau an toàn xã Tứ Xã, tương Dục Mỹ - Cao Xá, thịt lợn sạch Sơn Vi, chuối tiêu hồng Bản Nguyên.

Sản xuất rau an toàn theo hướng công nghệ cao tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao.

Sản xuất rau an toàn theo hướng công nghệ cao tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao.

Nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa cận đô thị giai đoạn 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU với mục tiêu khai thác, sử dụng có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp gắn với thay đổi nhận thức của người nông dân, phát huy vai trò chủ thể trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa cận đô thị. UBND huyện xây dựng kế hoạch tiếp tục đầu tư hoàn thiện, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo hướng đồng bộ, trọng tâm là đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình thủy lợi theo quy hoạch, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kênh mương, trạm bơm, tạo nguồn nước nuôi trồng thủy sản và tưới, tiêu chủ động cho cây trồng chủ lực; quan tâm nạo vét, cải tạo các tuyến kênh tưới, tiêu trọng điểm đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, quan tâm nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý nông nghiệp, khuyến nông từ huyện đến cơ sở. Chú trọng tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ hợp tác xã; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.Ông Ngô Đức Sáu – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện rà soát, chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi, trồng trọt gắn với quy hoạch sử dụng đất của từng địa phương. Phát triển sản xuất hàng hóa tập trung theo hình thức trang trại, gia trại, vùng sản xuất tập trung chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ; quan tâm xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tập trung phát triển, mở rộng quy mô, đa dạng hóa các hình thức sản xuất phù hợp một số sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa cận đô thị trên cơ sở các sản phẩm có thế mạnh như: sản xuất lúa chất lượng cao, rau, củ, quả. Khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị, các nhà cung ứng lớn như: Vinmart, Big C, T&T, AEON, Coop mart,...

Tú Anh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202107/lam-thao-no-luc-phat-trien-nong-nghiep-can-do-thi-178266