Lâm Thao: Phòng học thông minh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, những năm qua, huyện Lâm Thao đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các nhà trường, thực hiện đầu tư các trang thiết bị giáo dục theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.
Các thầy, cô giáo Trường THCS Cao Mại, huyện Lâm Thao tham gia tập huấn về công nghệ thông tin tại nhà trường.
Huyện Lâm Thao hiện có 47 trường Mầm non, Tiểu học và THCS. Những năm qua, để nâng cao chất lượng giáo dục, các cấp học trong huyện đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản chỉ đạo của ngành về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, đáng chú ý là việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và giảng dạy. Hiện nay, 100% các trường trên địa bàn huyện có mạng internet và hệ thống máy tính, máy chiếu phục vụ công tác quản lý và dạy học. 100% các trường đã lắp đặt và có kế hoạch lắp đặt camera an ninh, camera lớp học phục vụ công tác quản lý của nhà trường và đảm bảo trật tự lớp học. Đặc biệt, Lâm Thao cũng là huyện đầu tiên trong toàn tỉnh thực hiện mô hình phòng học thông minh với 6 phòng học, trị giá 700 triệu đồng/phòng tại 5 trường học trên địa bàn...
Tham gia phòng học thông minh, học sinh được tiếp cận với các thiết bị máy móc hiện đại và phương pháp giảng dạy mới, hấp dẫn.
Đồng chí Ngô Đại Toàn - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Phòng học thông minh được trang bị các thiết bị máy móc hiện đại có thể ứng dụng tối ưu nhất công nghệ thông tin để phục vụ việc dạy và học. Đây cũng là phòng học mở, có thể kết nối với các thầy cô, phòng học thông minh ở nơi khác để dạy học trực tuyến. Đồng thời có thể khai thác các dữ liệu trên mạng internet để dạy học. Thông qua thiết bị này, việc truyền tải kiến thức sẽ thuận tiện, dễ dàng, sinh động hơn, giúp các bài giảng trở nên hấp dẫn và học sinh dễ tiếp thu bài. Mô hình phòng học thông minh bắt đầu được triển khai trên địa bàn huyện từ đầu năm học 2022 - 2023. Đến nay, đã thực hiện ở 5 trường với 6 phòng học gồm: Trường THCS Lâm Thao (2 phòng); các trường THCS Cao Mại, THCS Sơn Vi; Tiểu học Cao Mại, Tiểu học Sơn Vi mỗi trường một phòng học.
Được biết, kinh phí xây dựng một phòng học khoảng 700 triệu trong đó thiết bị dùng chung trị giá khoảng 400 triệu đồng do UBND huyện và các xã thị trấn đầu tư; còn lại các thiết bị cá nhân của học sinh như: Máy tính bảng, tai nghe, phần mềm học tập được thực hiện thông qua hình thức xã hội hóa…
Mô hình phòng học thông minh tại Trường tiểu học Cao Mại, huyện Lâm Thao.
Cô Hoàng Thị Chí - Hiệu trưởng Trường tiểu học Cao Mại cho biết: Mô hình phòng học thông minh đã triển khai thực hiện tại nhà trường được gần một tháng. Sau khi đi vào hoạt động, mô hình đã hỗ trợ thầy cô rất nhiều trong giảng dạy, có thể kết nối sang máy tính và các thiết bị điện tử khác để làm việc. Đồng thời, có tác dụng lớn trong công tác quản lý việc dạy và học. Các cô giáo có thể dễ dàng kiểm tra, đánh giá học sinh hay xem lại các bài giảng. Học sinh cũng rất hào hứng khi được tham gia phòng học thông minh bởi đây là hình thức học tập mới, hiện đại, hấp dẫn, có sự tương tác nhiều hơn với các thầy, cô giáo…
Tuy nhiên, việc triển khai các phòng học thông minh đặt ra yêu cầu các thầy cô giáo phải tích cực trau dồi, học hỏi, tiếp cận về công nghệ thông tin. Công tác quản lý, sử dụng các thiết bị máy móc cũng cần được chú trọng để có thể khai thác hiệu quả nhất các thiết bị máy móc hiện đại trong việc truyền đạt kiến thức cho các em học sinh. Bên cạnh đó, kinh phí xây dựng một phòng học thông minh khá lớn nên ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ UBND huyện và chính quyền địa phương thì cần có sự ủng hộ của các bậc phụ huynh. Có như vậy mới có thể mở rộng và lan tỏa mô hình ở nhiều trường, lớp học hơn nữa…
Vĩnh Hà