Làm thầy theo cách của mình
Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã đi học, trải nghiệm thực tế chiến đấu, rút kinh nghiệm, chuyển hóa thành bài học mới; tiếp tục đi học, nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn.
Hoài bão khởi nghiệp làm thầy
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tâm sự: Thời ở lứa tuổi 17, có những hoài bão thôi thúc ông tìm cách thực hiện bằng được. Như bao thanh niên trai tráng thời cả nước sục sôi ý chí chiến đấu quét sạch giặc Mỹ xâm lược, chàng trai trẻ Nguyễn Huy Hiệu cũng khát khao được trở thành anh bộ đội Cụ Hồ. Anh dự tính sẽ đi đánh giặc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, giành độc lập dân tộc. Khi đất nước hòa bình, anh sẽ trở thành nhà giáo, đi dạy học.
Do hoàn cảnh lịch sử, Nguyễn Huy Hiệu biết có một cản trở lớn khiến anh khó thực hiện được hoài bão. Anh vốn sinh ra trong một gia đình thuộc thành phần trung nông lớp trên, nên việc phấn đấu phát triển trong binh nghiệp sẽ khó khăn gấp bội phần.
Hiểu rõ hoàn cảnh của mình, và với khí chất của một thanh niên hăng hái, trước khó khăn, anh không chùn bước, mà vui vẻ tập trung vào mục tiêu để vượt qua. Anh xác định, không gì là không thể, chỉ cần mình phấn đấu gấp nhiều lần những người có hoàn cảnh thuận lợi hơn, thì nhất định sẽ có thành tựu.
Nguyễn Huy Hiệu đã khai trung thực thành phần gia đình và bản thân khi xét lý lịch quân nhân. Tổ chức đi thẩm định lý lịch của anh và thấy rằng, rất khó để kết nạp anh vào Đảng. Anh cần phải chứng tỏ mình qua thực tế chiến đấu xuất sắc hơn nữa, thì mới có thể vượt qua được sự thử thách của tổ chức Đảng.
Nguyễn Huy Hiệu đi bộ đội năm 1965, chiến đấu trong điều kiện gian khổ nhất, với những thách thức khắc nghiệt nhất. Đến năm 1967, anh được nhận danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng. Thật hợp thời, khi lúc đó, Tổng cục Chính trị có chỉ thị, rằng những chiến sĩ qua nhiều thử thách đặc biệt trong chiến đấu được ghi công thì sẽ được đưa vào ngạch sĩ quan, phong Thiếu úy.
Nhờ đó, Mậu Thân năm 1968, Nguyễn Huy Hiệu được thăng cấp Thiếu úy. Anh đã vượt qua được khó khăn về hoàn cảnh xuất thân của mình. Điều này càng khẳng định cho quyết tâm của anh rằng với nỗ lực và hướng đi đúng đắn, anh có thể thay đổi được số phận.
Vào tháng 4/1970, sau trận đánh tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Sáp Đá Mài, Tân Kim, Cam Lộ (Quảng Trị), Nguyễn Huy Hiệu được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27, mặt trận B5. Những tháng ngày chiến đấu gian khổ mà oai hùng tiếp theo, anh đã vượt qua nhiều thử thách đầy hiểm nguy, ác liệt và nhờ những thành tích huy hoàng trong chiến đấu, vào tháng 12/1973, Nguyễn Huy Hiệu được tuyên dương Anh hùng quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Khai tỏ lối đi từ những bậc thầy quân sự
Cho đến nay, tướng Hiệu có thể chắc chắn một điều rằng, chính nhờ hoàn cảnh xuất thân không thuận lợi cho sự nghiệp phấn đấu làm sĩ quan, mà ông đã nỗ lực gấp nhiều lần trong chiến đấu, tìm mọi cách để học tập, nâng trình độ của mình cao hơn. Do đó, quá trình học tập cho ông cái duyên may được gần gũi với các đồng chí chỉ huy cao cấp, vốn là những nhà trí thức lớn. Đó là Tư lệnh Lê Trọng Tấn, Chính ủy Lê Quang Đạo, tướng Lê Tử Đồng, tướng Hoàng Minh Thi, tướng Cao Văn Khánh…
Họ chính là những người thầy đáng kính, không chỉ truyền cho Nguyễn Huy Hiệu kiến thức, kinh nghiệm, mà còn có lăng kính trí thức sâu xa, nhìn ra ở Hiệu một tiềm năng phát triển lớn, nên đã tạo điều kiện cho người sĩ quan trẻ này được phấn đấu, học tập nâng tầm lên cao. Nhờ đó, mà trong những năm chiến đấu cam go nhất ở mặt trận B5, Nguyễn Huy Hiệu vẫn được học và phát triển nền tảng kiến thức quân sự của mình.
Ông nhớ nhất câu nói thân mật, mà lại thể hiện tầm và tâm của một vị tướng - người thầy của ông: “Hiệu có tài như thế, mà cứ để đi ra trận đánh nhau mãi như thế, nếu nó chết mất thì uổng lắm. Phải cho nó về đi học, giữ lại làm nguồn phát triển cho đất nước mai sau”.
Cho đến nay, tướng Hiệu vẫn biết ơn những người thầy đó của mình, với cái nhìn không thiên kiến thành phần xuất thân, họ đã tạo điều kiện giúp đỡ để ông được tiến những bước dài trong binh nghiệp. Mỗi một vị tướng lại truyền cho ông một bài học quý, ở Tư lệnh Lê Trọng Tấn là nghệ thuật tấn công; tướng Lê Quang Đạo là bản lĩnh chính trị; tướng Hoàng Minh Thảo là kỹ năng tổng kết kinh nghiệm thực tiễn thành học thuyết…
Vào năm 1975, khi chiến tranh kết thúc, chính những người thầy này đã gửi Nguyễn Huy Hiệu đi đào tạo các trường trong và ngoài nước, để ông có thể phát triển tận lực khả năng của mình, đóng góp cho nền quốc phòng và khoa học quân sự đất nước. Những người thầy đó cho rằng, khi được đào tạo bài bản ở nước ngoài, với hệ thống kiến thức tân tiến, Nguyễn Huy Hiệu sẽ phát huy sở trường của mình ở tầm cao hơn, và những đóng góp của ông sẽ có ảnh hưởng rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, không phải sự học của ông luôn suôn sẻ. Tướng Hiệu kể rằng, cũng có lần, tổ chức muốn ông về làm công tác Đoàn ở tỉnh Nam Định. Ông biết ý tốt của tổ chức, rằng từ vị trí công tác Đoàn, sẽ có cơ hội phát triển lên những vị trí cao hơn. Nhưng như thế, ông sẽ cần đầu tư toàn bộ thời gian vào hướng đi đó, không thể học tập và nghiên cứu sâu về quân sự, sở trường của ông.
Sau khi cân nhắc, Nguyễn Huy Hiệu thấy rằng, khi còn nhỏ, hoài bão của ông là binh nghiệp, trở thành nhà khoa học quân sự, do đó cần kiên tâm đi theo sở trường, nghiên cứu sâu thì mới có thể phát triển tận lực khả năng của mình để phục vụ đất nước, nhân dân, đóng góp cho nền quốc phòng ở mức cao nhất.
Ông đã mạnh dạn trình bày nguyện vọng đó với người có trách nhiệm trong tổ chức, rằng ông muốn được tiếp tục đi học, tiếp tục nghiên cứu khoa học quân sự để có thể phát huy sở trường. Sau đó, đồng chí Đặng Quốc Bảo cũng gợi ý Nguyễn Huy Hiệu về công tác tại Trung ương Đoàn để bồi dưỡng phát triển lên cao hơn.
Ông vẫn xin với tổ chức không đảm nhiệm vị trí đó để đi học. Tháng 10/1994, khi ông được bổ nhiệm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam thì có gợi ý ông sang làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, nhưng ông thấy rằng, vị trí đó dù có thể thuận lợi nhiều mặt, nhưng lại làm chệch hướng phát triển riêng của mình, nên đã chân thành trình bày với tổ chức và được chấp nhận cho tiếp tục con đường khoa học quân sự.
Tích hợp hoài bão với sở trường
Nhìn lại quá trình đi học, giảng dạy, truyền đạt kiến thức qua nhiều kênh khác nhau, tướng Hiệu cảm thấy hạnh phúc vì đã thực hiện được hoài bão đúng theo sở trường của mình, và phát triển tối đa năng lực riêng phục vụ xã hội, đời sống.
Ông chia sẻ rằng, người trẻ ai cũng có hoài bão, nhưng cần cẩn trọng với chính hoài bão của mình, cần xác định hoài bão đó có trùng với sở trường của mình hay không, và khi tích hợp được hoài bão với sở trường, hãy kiên tâm thực hiện nó. Cho dù có khó khăn, thử thách đến thế nào đi chăng nữa cũng không từ bỏ, chân thành với chính mình và trung thực với đồng nghiệp, quyết liệt thực hiện mục tiêu.
Chính trong khó khăn, thử thách khốc liệt thì sức mạnh trí tuệ mới được rèn luyện tốt nhất, và con người mới có đủ ý chí, dũng khí đi tới đích. Có như vậy, mọi nỗ lực của mình trong suốt cuộc đời mới có thể đạt đến thành tựu ý nghĩa.
Năm 1972, tướng Hiệu sau bao gian khổ ở chiến trường, đã được về học tại Học viện Trung cấp Quân sự. Sau thời gian học, ông được giữ lại làm giảng viên chiến thuật trong 6 tháng. Chính nhờ 6 tháng giảng dạy này, ông đã tích lũy được kinh nghiệm đa dạng và quý giá từ các binh sĩ trong chiến trường miền Nam.
Ông nhận ra rằng, dạy học lại chính là cách học sâu nhất, hiệu quả nhất. Bởi muốn truyền đạt được kiến thức cho người học, thì người dạy phải thu lượm nhiều kiến thức thực tế nhất, đúc kết nên bài giảng sinh động, có tính thuyết phục cao.
Cũng trong quá trình nghiên cứu làm luận án Phó Tiến sĩ (nay tương đương bậc Tiến sĩ) tướng Hiệu đã học hỏi được từ Giáo sư – Thượng tướng Hoàng Minh Thảo cách tổng kết viết sách khoa học. Nhờ vậy, trong thời kỳ công tác ở Bộ Quốc phòng từ 1994 - 2010, ông đã viết được 7 cuốn sách – 7 công trình khoa học quân sự, góp phần vào kho tàng khoa học quân sự Việt Nam.
Ngày 15/10/2011 ông nghỉ hưu, nhưng vẫn làm việc tại văn phòng Viện sĩ, thực hiện ý nguyện tiếp tục cống hiến cho khoa học quân sự, môi trường và công tác nhân đạo, tri ân báo đáp liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng.
Và trong công việc hàng ngày của mình, khi đi thực địa, khi viết sách, khi nghiên cứu, ông đều truyền đạt và lan tỏa những kiến thức quý giá cho cộng đồng, làm thầy giảng dạy theo cách đặc biệt của mình. Ông đã, đang và sẽ mãi là một nhà quân sự, nhà khoa học, nhà giáo đóng góp lớn cho nhân dân, đất nước.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/lam-thay-theo-cach-cua-minh-GPlpSZ1Gg.html