Làm thẻ căn cước từ 1-7: Thu thập mống mắt thế nào, có bị đau?

Nhiều người dân thắc mắc về độ tuổi cần làm thẻ căn cước, những điểm mới của thẻ căn cước và các vấn đề liên quan việc thu thập mống mắt

Từ ngày 1-7, công an các địa phương đồng loạt thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, tài khoản định danh điện tử. Tại TP HCM, nhiều người dân đã làm thẻ căn cước với phương pháp thu thập mống mắt ở trụ sở Phòng Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (PC06) Công an TP HCM và công an các quận, huyện, TP Thủ Đức.

Liên quan những điểm mới, như độ tuổi, thu thập sinh trắc học... khi làm thẻ căn cước, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Đội trưởng Đội 2 PC06 Công an TP HCM, về các vấn đề mà người dân quan tâm.

* Phóng viên: Trung tá có thể thông tin về những điểm mới của thẻ căn cước để người dân rõ hơn?

- Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu: Luật Căn cước năm 2023 có những điểm mới như sau: Thay đổi về tên thẻ - trước đây là Căn cước công dân, hiện nay là Căn cước. Thẻ này phù hợp với quốc tế, tích hợp các tiện ích khác.

Trên thẻ căn cước thể hiện nơi đăng ký khai sinh, chứ không phải là quê quán. Thẻ căn cước mới không thu nhận vân tay. Mã QR trên thẻ mới nằm phía sau. Thẩm quyền cấp thẻ căn cước là Bộ Công an.

Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu

Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu

* Độ tuổi cấp thẻ căn cước là bao nhiêu thưa bà?

- Người từ 0 tuổi trở lên sẽ được cấp căn cước. Tuy nhiên, người dưới 6 tuổi sẽ không thu thập sinh trắc (mống mắt, ADN, giọng nói…) và hình ảnh. Người từ 6 tuổi trở lên sẽ được thu thập sinh trắc bình thường; trong đó thu thập mống mắt là bắt buộc, ADN và giọng nói thì ai có nhu cầu thì làm, không bắt buộc.

* Người dân thắc mắc thu thập mống mắt có đau, có ảnh hưởng đến thị lực không?

- Thu nhập mống mắt rất nhanh, gọn và hoàn toàn không đau, không ảnh hưởng đến thị lực. Chúng tôi đã quán triệt cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị là phải vệ sinh sạch sẽ thiết bị thu thập mống mắt để khi làm thẻ căn cước xong thì mắt người dân vẫn như bình thường.

* Vì sao trẻ em vẫn cần làm thẻ căn cước?

- Đối với người dưới 14 tuổi thì không bắt buộc làm thẻ căn cước mà chỉ là vận động người dân đưa con em mình đi làm.

Trẻ em cũng có nhu cầu di chuyển, đi tàu xe, đi máy bay và sử dụng những dịch vụ khác như học hành, thi cử, khám chữa bệnh... Do đó, phụ huynh chỉ cần đưa thẻ căn cước thì rất tiện lợi. Trước đây khi đi máy bay, phụ huynh phải mang theo giấy khai sinh, bây giờ chỉ cần mang theo thẻ căn cước, không sợ bị ướt hay rách.

* Những độ tuổi phải đổi căn cước, thưa trung tá?

- Theo Luật Căn cước thì người đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi là phải thay đổi thẻ căn cước. Đối với thẻ căn cước đã được thu thập mống mắt, nếu bị mất thì người dân chỉ cần lên Cổng dịch vụ công quốc gia làm thao tác thông báo thì sẽ được cấp lại, không cần đến cơ quan công an.

Công an TP HCM thu thập mống mắt

Công an TP HCM thu thập mống mắt

* Những căn cước công dân còn giá trị sử dụng có cần đổi thẻ mới không?

- Đối với chứng minh nhân dân thì từ ngày 1-1-2025 sẽ không được sử dụng nữa nên cần phải đối. Riêng căn cước công dân còn thời hạn sử dụng thì sử dụng bình thường, không cần phải đổi nếu không thực sự cần thiết.

* Trường hợp người dân ở nơi sáp nhập tổ dân phố, khu phố; sáp nhập, thay đổi tên phường , xã nếu có nhu cầu thay đổi thông tin trên thẻ căn cước thì sẽ liên hệ ở đâu?

- Khi thay đổi, sáp nhập thì người dân liên hệ chính quyền, công an địa phương để cập nhật thông tin chính xác khi làm thẻ căn cước.

Đối với những trường hợp xuất cảnh mà có nhu cầu làm thẻ căn cước thì cần liên hệ công an địa phương về thông tin đã bị xóa đăng ký thường trú hay chưa. Trong trường hợp này, người dân cần liên hệ công an quận, huyện nơi sinh sống để được tư vấn, hỗ trợ cấp thẻ căn cước.

Công an TP HCM thống kê trong ngày 1-7, toàn TP HCM có 4.109 người lớn và trẻ em làm hồ sơ cấp thẻ căn cước. Trong đó, thu nhận 3.537 trường hợp thường trú, 519 trường hợp tạm trú, 53 trường hợp có nơi ở hiện tại. Có 377 công dân từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi; 135 công dân dưới 6 tuổi; 3 trường hợp cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch và 9 trường hợp tích hợp thông tin sinh trắc học ADN vào cơ sở dữ liệu căn cước, còn lại là các trường hợp công dân từ đủ 14 tuổi trở lên.

Bài và ảnh: PHẠM DŨNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lam-the-can-cuoc-tu-1-7-thu-thap-mong-mat-the-nao-co-bi-dau-196240702141745402.htm