Làm thế nào để đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc?

Bản quyền tác phẩm âm nhạc chính là việc tác giả khẳng định được quyền của mình đối với tác phẩm âm nhạc do mình sáng tạo ra thông qua việc đăng ký bản quyền tác phẩm âm nhạc.

Bạn đọc hỏi: Tôi là người viết nhạc, tôi muốn đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc của mình thì phải làm thế nào?

 Hình minh họa

Hình minh họa

Trả lời: Tác phẩm âm nhạc là “tác phẩm được thể hiện dưới dạng nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn”. Tuy nhiên, tác phẩm âm nhạc thường phải thông qua giọng hát, hay nhạc cụ thì mới có thể truyền đạt trước công chúng và tác phẩm âm nhạc cũng được bảo hộ theo nguyên tắc luật định.

Bản quyền tác phẩm âm nhạc chính là việc tác giả khẳng định được quyền của mình đối với tác phẩm âm nhạc do mình sáng tạo ra thông qua việc đăng ký bản quyền tác phẩm âm nhạc.

Trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn đọc cơ chế bảo hộ quyền tác giả và tư vấn sơ bộ quy trình, thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc.

Căn cứ pháp lý về việc đăng quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009; Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; Thông tư số 08/2016/TT-BVHTTDL quy định các biểu mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả quyền liên quan; Thông tư số 211/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Điều kiện bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Tác phẩm âm nhạc được bảo hộ phải có tính nguyên gốc, tức là không sao chép, bắt chước tác phẩm khác. Điều đó không có nghĩa là ý tưởng của tác phẩm phải mới, mà là hình thức thể hiện của ý tưởng phải do chính tác giả sáng tạo ra. Tác phẩm đó phải do chính sức lao động trí óc của tác giả tạo ra. Tính nguyên gốc không có nghĩa là không có kế thừa. Ví dụ Bài thơ “Bài học đầu cho con” của tác giả Đỗ Trung Quân sau đó được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc thành bài hát thì cả 2 tác giả đều là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

Pháp luật về quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng sáng tạo trong tác phẩm âm nhạc, mà không bảo hộ những ý tưởng sáng tạo chứa đựng trong tác phẩm, được thể hiện ra từ tác phẩm âm nhạc. Hình thức thể hiện sự sáng tạo của tác giả trong một tác phẩm âm nhạc là việc sắp xếp lời trong tác phẩm âm nhạc có lời, cấu trúc của tác phẩm âm nhạc và các nốt nhạc trong tác phẩm không lời. Ý tưởng của tác phẩm được truyền tải bằng sự sắp xếp, cấu trúc của lời tác phẩm hay những nốt nhạc của bản nhạc.

Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được bảo hộ mà không phụ thuộc vào nội dung hay giá trị nghệ thuật của tác phẩm âm nhạc. Các công ước quốc tế về quyền tác giả và pháp luật sở hữu trí tuệ đều có quy định thống nhất rằng sự sáng tạo trí tuệ trong việc tạo ra các tác phẩm âm nhạc mang tính nguyên gốc và được vật chất hóa, được công nhận là tác phẩm và được bảo hộ theo pháp luật về quyền tác giả. Theo đó, không đặt ra bất kỳ điều kiện về nội dung và giá trị nghệ thuật đối với một tác phẩm âm nhạc để tác phẩm âm nhạc đó được bảo hộ.

Chủ thể quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm gồm: Cá nhân Việt Nam có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả; Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam; Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam; Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, hoặc một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định trong luật sở hữu trí tuệ.

Chủ sở hữu quyền tác giả có thể đồng thời là tác giả hoặc một người khác: Những người giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng sáng tạo tác phẩm âm nhạc với tác giả; Người được tác giả chuyển giao quyền tác giả hoặc được thừa kế quyền tác giả.

Nội dung quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Quyền nhân thân: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kì hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Quyền tài sản: Làm tác phẩm phái sinh; Sao chép tác phẩm; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kì phương tiện kĩ thuật nào khác.

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Các quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn. Quyền tài sản tùy thuộc vào từng loại hình tác phẩm sẽ có thời hạn bảo hộ khác nhau. Riêng đối với tác phẩm âm nhạc, thời hạn bảo hộ một tác phẩm âm nhạc là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.

Trình tự, thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc:

Hồ sơ gồm:

- Tờ khai đăng ký quyền tác giả

- CMND/CCCD/Hộ chiếu của tác giả và chủ sở hữu tác giả (nếu có) đối với cá nhân hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với tổ chức là chủ sở hữu tác phẩm;

- Quyết định giao việc cho tác giả hoặc tuyên bố tác giả về chủ sở hữu tác phẩm (nếu có);

- 02 bản in tác phẩm;

- Tuyên bố đồng tác giả trong trường hợp có từ 02 tác giả trở lên;

- Giấy cam đoan của tác giả cam đoan tự sáng tạo ra tác phẩm và không sao chép của bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào;

- Tài liệu khác (tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể).

Thẩm quyền: Cục Bản quyền tác giả.

Thời gian xử lý: 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ, 15 ngày có thông báo sửa đổi bổ sung hồ sơ.

Luật sư Nguyễn Thu Nga- Công ty Luật Aladin

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/phap-luat/tu-van-phap-luat/lam-the-nao-de-dang-ky-quyen-tac-gia-doi-voi-tac-pham-am-nhac-358420.html