Làm thế nào để định tính, định lượng 'bản lĩnh nghề nghiệp' của luật sư?

Dự thảo tờ trình của Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung tiêu chuẩn luật sư phải có 'bản lĩnh nghề nghiệp' và giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chuẩn trở thành luật sư.

Hôm nay (7-5), Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư.

Tham gia hội thảo có ông Nguyễn Quốc Vinh (Vụ trưởng Vụ Cơ quan Nội chính, Ban Nội chính Trung ương), đại diện các Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư khu vực phía Nam, cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức hành nghề luật sư, cơ sở đào tạo nghề Luật trên địa bàn TP.HCM...

 Hội thảo do bà Đặng Kim Hoa (Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp) và ông Nguyễn Quốc Vinh (Vụ trưởng Vụ Cơ quan Nội chính, Ban Nội chính Trung ương) chủ trì. Ảnh: YC

Hội thảo do bà Đặng Kim Hoa (Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp) và ông Nguyễn Quốc Vinh (Vụ trưởng Vụ Cơ quan Nội chính, Ban Nội chính Trung ương) chủ trì. Ảnh: YC

Luật sư phải có bản lĩnh nghề nghiệp

Tại hội thảo, bà Đặng Kim Hoa (Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp), nêu một số chính sách lớn đề nghị các đại biểu nêu ý kiến. Đầu tiên là chính sách xây dựng đội ngũ luật sư, trong đó về tiêu chuẩn luật sư có đề xuất bổ sung tiêu chuẩn có “bản lĩnh nghề nghiệp”. Bà Hoa cũng đặt câu hỏi nên sử dụng thuật ngữ bản lĩnh nghề nghiệp hay bản lĩnh chính trị?

Theo bà Hoa, vấn đề nữa là quy định về người tập sự hành nghề luật sư sẽ xây dựng sửa đổi theo hướng người muốn tập sự hành nghề luật sư sẽ đăng ký gia nhập một Đoàn Luật sư với tư cách luật sư tập sự. Tức thời điểm gia nhập Đoàn Luật sư khi đăng ký tập sự (trở thành Luật sư tập sự) thay vì thời điểm sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư như Luật Luật sư hiện hành.

Tuy nhiên, theo bà Hoa, luật sư tập sự sẽ là thành viên không đầy đủ của các Đoàn Luật sư, sẽ không có đầy đủ quyền như luật sư thành viên. Đoàn Luật sư có trách nhiệm giám sát, quản lý luật sư tập sự đến khi họ thi đỗ kỳ thi quốc gia để trở thành luật sư...

 Luật sư Nguyễn Thế Phong phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

Luật sư Nguyễn Thế Phong phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

Cũng theo bà Hoa, đối tượng được miễn, giảm đào tạo nghề luật sư hiện nay vừa rộng vừa thiếu. Nếu so sánh với trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý gần như giống với luật sư, chỉ khác là trợ giúp viên không trải qua kỳ thi luật sư.

Về các chính sách của Luật luật sư, theo bà Hoa, thực tế cho thấy có những người không phải luật sư, thậm chí không có bằng cử nhân luật nhưng vẫn đang "ngang nhiên" cung cấp dịch vụ pháp lý. Đơn cử như mới đây bà nhận được phản ánh, một công ty được thành lập theo luật doanh nghiệp nhưng lại ký một hợp đồng dịch vụ pháp lý, đại diện giải quyết một vụ hôn nhân gia đình. Theo bà Hoa, thực trạng như này vô cùng nhiều nên cần minh bạch thị trường pháp lý...

Cũng theo bà Hoa, hiện nay còn có trường hợp luật sư đã bị thu hồi chứng chỉ, thẻ luật sư, đến mức kiện ra tòa và tòa đã phán quyết giữ nguyên quyết định thu hồi chứng chỉ và thẻ luật sư. Tuy nhiên, người này vẫn cầm chứng chỉ, thẻ luật sư “giơ ra” cho khách hàng để ký hợp đồng ...

Không nên miễn tập sự?

Luật sư Nguyễn Thế Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì cho rằng về tiêu chuẩn luật sư, không nên đặt ra bản lĩnh nghề nghiệp hay bản lĩnh chính trị bởi bản lĩnh chính trị được xây dựng từ quá trình thực tiễn chứ không phải ở khâu “đầu vào”. Theo luật sư Phong, về các tiêu chuẩn luật sư hiện đã có như tuân thủ pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt... là đã đầy đủ. Vì vậy, việc bổ sung tiêu chí này là không cần thiết.

Trong khi đó, gửi văn bản đến Bộ Tư pháp, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam cũng cho rằng tiêu chuẩn "tư tưởng, bản lĩnh nghề nghiệp" rất khó định lượng để áp dụng thống nhất. Do đó, đề nghị không bổ sung tiêu chuẩn này.

Luật sư Nguyễn Thế Phong còn cho rằng về điều kiện miễn, giảm thời gian tập sự cần siết chặt hơn, có thể nghiên cứu Pháp lệnh về luật sư năm 2001 như các thẩm phán, kiểm sát viên phải từ 10 năm trở lên mới được miễn thời gian tập sự. Theo luật sư Phong, nếu rút ngắn thì cũng phải quy định ít nhất 5 năm.

Luật sư Phong đồng tình về việc tái lập chế định luật sư tập sự. Bởi, ngay thời điểm gia nhập xem như thành viên nhưng không có một số quyền như ứng cử các vị trí trong đoàn...

Về hợp đồng dịch vụ pháp lý, theo luật sư Phong hiện nay luật không quy định giá trị hợp đồng bao nhiêu phải lập hợp đồng dịch vụ pháp lý, điều này dẫn đến dù có thu 1 đồng của khách vẫn phải lập hợp đồng là không phù hợp. Vì vậy, theo luật sư Phong nên quy định giá trị bao nhiêu thì lập hợp đồng dịch vụ pháp lý, còn giá trị nhỏ thì chỉ cần lập phiếu thu.

Về việc luật sư đã bị thu hồi chứng chỉ và thẻ nếu tiếp tục sử dụng chứng chỉ và thẻ đó thì xem như là sử dụng giấy tờ giả mạo. Theo luật sư Phong, việc này nên quy định chế tài phạt hành chính hoặc xử lý hình sự thì mới hiệu quả.

 Luật sư Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

Luật sư Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

Luật sư Trịnh Văn Hiệp (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam) cũng ủng hộ việc quy định luật sư tập sự, tuy nhiên nên quy định cụ thể luật sư tập sự được tập sự đến chừng nào. Cạnh đó, theo luật sư Hiệp không nên quy định miễn tập sự vì nghề luật sư là một nghề rất đặc thù, việc tập sự là rất cần thiết, nó không giống như miễn, giảm khóa đào tạo luật sư.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng một số đối tượng dù đã công tác trong lĩnh vực pháp lý nhưng trên thực tế luật sư phải có kỹ năng hành nghề, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, kỹ năng xử lý công việc cũng như góc nhìn pháp lý cũng hoàn toàn khác biệt... Muốn làm luật sư thì cần trải qua khóa bồi dưỡng, đào tạo về luật sư. Do đó, nên bỏ quy định miễn tập sự hành nghề luật sư...

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Luật sư Nguyễn Bảo Trâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng không nên miễn mà chỉ nên quy định giảm thời gian tập sự. Tuy nhiên, chỉ nên giảm 1/3 chứ không nên giảm một nửa. Vì dù những người như thẩm phán hay kiểm sát viên có giỏi pháp luật thì cũng cần có những kỹ năng khác của luật sư như kỹ năng tiếp xúc với khách hàng...

Luật sư nước ngoài tư vấn luật Việt Nam?

Tại hội thảo, luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu bất cập trong hoạt động của luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

"Theo quy định, công ty luật nước ngoài, luật sư nước ngoài không được phép tư vấn luật Việt Nam nhưng lại tư vấn pháp luật Việt Nam, đây là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Hải nói.

Cũng theo ông, thực tế đã có các công ty luật sư nước ngoài ký hợp đồng tư vấn pháp luật Việt Nam thu phí hàng tỉ đồng. Điều này xuất phát từ việc các quy định của Luật Luật sư hiện hành và văn bản dưới luật chưa có quy định chặt chẽ, chế tài chưa nghiêm.

Theo đó, luật sư nước ngoài muốn hành nghề tại Việt Nam chỉ cần xin cấp chứng chỉ hành nghề với Bộ Tư pháp, xin đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, trong khi luật sư tại Việt Nam và các nước trên thế giới nếu muốn hoạt động nghề nghiệp luật sư phải đăng ký gia nhập một đoàn luật sư.

Vì vậy, luật sư Hải đề nghị nên quy định luật sư nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam phải gia nhập một Đoàn Luật sư Việt Nam, là thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam và phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ như luật sư Việt Nam.

Trong khi đó, luật sư Trịnh Văn Hiệp (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam) thì cho rằng để quản lý việc công ty luật nước ngoài có tư vấn pháp luật Việt Nam hay không có thể xem xét các hợp đồng giữa công ty luật sư nước ngoài với khách hàng và có thể xác minh tại khách hàng...

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/lam-the-nao-de-dinh-tinh-dinh-luong-ban-linh-nghe-nghiep-cua-luat-su-post789291.html