Làm thế nào để dự phòng đột quỵ não khi tập thể dục?
Tập thể dục mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả 'mắt thấy, tai nghe' thì mỗi người phải tập thể dục đúng cách để dự phòng đột quỵ não – 'kẻ giết người thầm lặng'.
Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích
Theo các chuyên gia y tế, tập thể dục được chia ra làm 2 bài tập chính gồm bài tập hiếu khí và bài tập yếm khí.
Bài tập hiếu khí vận động với cường độ trung bình nhẹ mà cơ thể có thể thực hiện liên tục trong 1 thời gian dài liên tục. Ví dụ như chạy bộ, đi bộ, đạp xe tĩnh, nhảy dây,… cơ thể sử dụng oxy để đốt mỡ (chất béo) và chuyển hóa thành năng lượng giúp cơ bắp chuyển động. Vận động này giúp tiêu thụ mỡ trong cơ thể.
Ngược lại, bài tập yếm khí có cường độ cao trong khoảng thời gian ngắn như chạy nước rút, xà đơn, chống đẩy…
Cả 2 bài tập này đều mang lại lợi ích cho cơ thể. Tuy nhiên, bài tập hiếu khí mang lại lợi ích nhiều hơn trong phòng ngừa đột quỵ não và các biến cố tim mạch.
Đột quỵ (Ảnh minh họa)
Về mặt lợi ích, tập thể dục được đưa vào mức khuyến cáo, quan trọng như thuốc điều trị ở bệnh nhân đột quỵ não.
Về thần kinh, tập thể dục giúp thúc đẩy quá trình tạo các tế bào thần kinh mới tại hồi hải mã, giảm căng thẳng và lo âu, cải thiện giấc ngủ.
Về tim mạch, tập thể dục giúp giảm các cholesterol xấu và cải thiện các cholesterol có lợi, tăng tuần hoàn máu trong cơ thể, giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.
Ngoài ra, tập thể dục còn giúp ích cho nhiều cơ quan bộ phận khác và đặc biệt cải thiện tâm trạng và các quan hệ xã hội, giúp bệnh nhân đột quỵ vượt qua giai đoạn trầm cảm sau đột quỵ.
Ai nên và không nên tập thể dục?
Thực tế, các hoạt động tập thể dục hiếu khí mang lại lợi ích cho người tham gia, nhưng một số đối tượng cần thận trọng hoặc tham vấn ý kiến bác sĩ điều trị trước khi tập. Những người cần cẩn trọng khi tập thể dục hiếu khí gồm: Người mắc bệnh lý tim mạch (suy tim, bệnh van tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ…), các rối loạn nhịp tim (hội chứng rối loạn nhịp tim - Wolff-Parkinson-White (WPW), bệnh nhân đặt máy tạo nhịp…), tăng huyết áp chưa kiểm soát, xuất huyết não giai đoạn sớm, COPD, hen,…
Khi tập thể dục, người tập nên sử dụng các thiết bị theo dõi (như smartwatch) trong quá trình luyện tập mang lại nhiều lợi ích như theo dõi quá trình luyện tập, tránh nhịp tim tăng quá cao, thân nhiệt tăng quá cao...
Về thời gian tập thể dục, các chuyên gia cho hay: Người khỏe mạnh trưởng thành: tập thể dục (hiếu khí) tối thiểu 150 phút/tuần với các bài tập nhẹ- vừa hoặc 75 phút/tuần với các bài tập cường độ cao hơn.
Bệnh nhân đột quỵ não hoặc tai biến thoáng qua nên tập thể dục (hiếu khí) tối thiểu 10 phút/lần, 4 lần/tuần hoặc cường độ cao tối thiểu 20 phút/lần, 2 lần/tuần làm giảm nguy cơ các biến cố tim mạch, đột quỵ tái phát và tiên lượng sống sau 3 năm lên tới 5-6 lần.
Nguồn: Guideline AHA 2021 về dự phòng đột quỵ, Đột quỵ não những điều cần biết- PGS.TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.