Làm thế nào để giám sát bệnh viện công không tận thu?
Dự thảo Thông tư 'Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập' của Bộ Y tế dự kiến ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-10, trong đó quy định giá khám dịch vụ của bệnh viện công không quá 500.000 đồng/lượt khám và 4 triệu đồng/ngày giường.
Nhiều giám đốc bệnh viện tư nhân ở TPHCM cho rằng, mức thu như vậy là quá cao, và đặt vấn đề làm thế nào để Bộ Y tế giám sát bệnh viện công không tận thu trong thời buổi đang tự chủ tài chính?
Bộ Y tế cho biết, mức giá dịch vụ được xây dựng trong dự thảo thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc khám, chữa bệnh theo yêu cầu dựa trên sự khảo sát giá từ các bệnh viện tư nhân, bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế trong nước.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho hay, các bệnh viện công không thu ngay mức giá tối đa Bộ Y tế cho phép mà phải xây dựng khung giá của bệnh viện mình cho phù hợp.
Cụ thể, giá giường dịch vụ theo yêu cầu tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với bệnh viện hạng đặc biệt), các cơ sở y tế khác tại các thành phố lớn được thu tối đa 900.000-3.000.000 đồng/giường/ngày. Với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1, tiền công khám bệnh theo yêu cầu không quá 500.000 đồng/lần khám; bệnh viện hạng 2 không quá 400.000 đồng/lần khám… để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau.
Tuy nhiên, theo nhiều lãnh đạo các bệnh viện tư nhân ở TPHCM, với mức giá dịch vụ được thu tối đa Bộ Y tế đưa ra cho bệnh viện công như vậy là “quá đắt”! Đắt hơn cả những bệnh viện mang tầm chất lượng quốc tế. Trong khi, bệnh viện công được xây dựng trên quỹ đất của Nhà nước, thương hiệu được người dân xây dựng nhiều năm nay, cơ sở vật chất dịch vụ không bằng bệnh viện tư, nhưng thu với giá tối đa được quy định với bệnh viện công đặc biệt, hạng một, hạng 2 như vậy thì bệnh viện tư cũng không dám. Nếu thu với giá trên như bệnh viện công, nhiều bệnh viện tư quốc tế sẽ đứng trước nguy cơ ế, mất khách, phá sản.
Khảo sát tại một số bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế tại TPHCM cho thấy, trừ những bệnh viện cao cấp như Bệnh viện FV, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc (Bình Dương), Bệnh viện Quốc tế Mỹ… giá khám của các bệnh viện tư - quốc tế vận hành đúng nghĩa, đủ tiền vận hành để chi trả cho nhân viên từ đầu tư bệnh viện chỉ có giá cao nhất 350.000 đồng/lần khám (giá khám của giáo sư, phó giáo sư mời từ bệnh viện công qua).
Giá giường bệnh từ bệnh viện tư quốc tế cũng chỉ thu cao nhất 2 triệu đồng/ngày giường đối với phòng 2 giường bệnh (giá bao gồm tất cả các dịch vụ cao cấp cho hai người bệnh, cộng thêm 2 người nuôi với ngày ba bữa ăn miễn phí, chế độ phục vụ như khách sạn…); trong khi cơ sở vật chất bệnh viện công đầu tư không bằng nhiều bệnh viện tư quốc tế, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ cũng không bằng bệnh viện tư, trình độ tay nghề bệnh viện tư theo mặt bằng chung có thể không cao bằng bác sĩ bệnh viện công nhưng mức thu dịch vụ như vậy vẫn quá đắt.
Chủ đầu tư một bệnh viện tư nhân quốc tế tại TPHCM cho rằng, cơ chế kiểm soát của nhà nước (cụ thể của Bộ Y tế) về việc mỗi bệnh viện công giành bao nhiều giường cho dịch vụ theo yêu cầu hằng ngày không có, không thể giám sát hàng ngày, chỉ khi nào thanh tra mới ra vấn đề.
Hơn nữa, hiện nay cơ chế bệnh viện công phải tự chủ tài chính, định nghĩa “nhà thương” như trước đây không có cho bệnh nhân nghèo. Bệnh viện công vẫn đang quá tải nặng, nhu cầu của bệnh nhân cao. Tình trạng quá tải xảy ra thiệt thòi cho tầng lớp nghèo, tầng lớp trung lưu có thể chạy sang khám dịch vụ. Nay, việc bệnh viện công tự thu và có thể “tận thu” sẽ làm khó cho nhiều bệnh nhân nghèo. Như vậy, khoảng cách giàu – nghèo, sự phân biệt đối xử sẽ được thể hiện ở bệnh viện công ngày càng rõ rệt hơn.
Do đó, PGS.TS.BS. Nguyễn Hoài Nam, Trưởng khoa khám dịch vụ, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho rằng, Bộ Y tế cần thành lập đoàn kiểm soát độc lập, nhằm đánh giá chất lượng của từng bệnh viện, khảo sát ý kiến của bệnh nhân và đưa ra mức giá chính xác nhất để ban hành dự thảo nhằm lắng nghe ý kiến của người dân và các cơ quan chức năng xem mức giá có khả thi và hợp lý hay không. Sau đó, Bộ Y tế ban hành mức giá hợp lý. Sau một thời gian thử nghiệm, Bộ Y tế cần đánh giá xem hiệu quả ban hành dự thảo về giá tự thu dịch vụ ở bệnh viện công như thế nào, và phải có lộ trình nâng giá từ từ, không nên gây khó, “bắt bí” bệnh nhân vì đã lên đến bệnh viện hạng đặc biệt thì không thể đi đâu khám được nữa!
BS. Cao Xuân Minh, thành viên của Câu lạc bộ Y tế tư nhân lại cho rằng, chiếc giường bệnh là chiếc giường đắt giá nhất trên thế giới. Khi đầu tư đủ cho một phòng bệnh cao cấp, trang thiết bị đầy đủ thì chi phí được tính đủ. Giường tiện nghi sinh hoạt thoải mái, thậm chí luôn phòng riêng tư cho gia đình thì trong bệnh viện công cũng không thể có giá như vậy. Điều quan trọng, các bệnh viện công cần làm là sự đầu tư hợp lý giữa những khu cho bệnh nhân có thu nhập thấp vẫn phải đầy đủ chứ không phải tập trung cho những khu dịch vụ để chỉ thu tiền vào. Ai cần bao cấp thật sự thì bao cấp, những người có khả năng thì cần tính đúng tính đủ viện phí.
Hoàng Nhung