Làm thế nào để giữ chân giáo viên?
Theo báo cáo của 28 cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành, từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022 có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. Trong đó khối giáo dục hơn 16.000. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giữ chân giáo viên (GV) không thôi việc, nghỉ việc ở các cơ sở giáo dục nhà nước?
Nghịch lý trường học thiếu giáo viên và giáo viên dần bỏ nghề
Thực trạng GV nghỉ việc đang là vấn đề của nhiều địa phương. Tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Bình Dương Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết, thời gian gần đây GV ở Bình Dương nghỉ việc nhiều. Từ tháng 1/2021 đến 4/2022 có 527 GV nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân, theo bà Hằng là do lương của GV chưa trang trải được cuộc sống.
Trong khi đó, tại TPHCM, từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, lĩnh vực giáo dục có 2.436 người thôi việc theo nguyện vọng. Nguyên nhân viên chức nghỉ việc là do chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ và cơ hội thăng tiến.
Bà Nguyễn Thị Thanh, hiện là GV tiếng Anh của 1 trung tâm ở quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết, dù được tuyển dụng chính thức vào biên chế, dạy THCS song sau 3 năm công tác, bà quyết định xin thôi việc do mức lương thấp, chỉ đủ tiền thuê nhà và xăng xe đi lại. “Cả tiền dạy vượt giờ, phụ cấp, mỗi tháng tôi thực lĩnh hơn 5 triệu đồng. Trong khi đi dạy tại trung tâm chỉ riêng các buổi tối trong tuần cũng đã được 15 triệu đồng, nên tôi xin thôi việc để về hẳn trung tâm làm, cũng được đóng bảo hiểm đầy đủ và đỡ áp lực hơn vì lớp học chỉ từ 15-20 học sinh/ca. Thời gian rảnh tôi đăng ký học thêm các khóa học nâng cao, chi phí cũng nhiều nhưng thiết thực cho việc giảng dạy ngoại ngữ của mình” - bà Thanh nói.
Không chỉ ở bậc THPT mà ở tất cả các cấp, việc GV nghỉ trường công để chuyển sang các trường tư, trường quốc tế là chuyện thường ngày, vì các trường này trả lương hấp dẫn hơn, nhiều chế độ ưu đãi hơn. Bà L.T.V. (huyện Thanh Trì, Hà Nội), một GV mầm non đã nghỉ việc để chuyển sang trường tư thục gần đó ngậm ngùi chia sẻ: “Dù khập khiễng nhưng nếu so sánh lương của GV hợp đồng hay GV mới ra trường như chúng tôi thì thậm chí không bằng cả công nhân. Nghề này cũng không làm thêm được vì ở trường từ 7h sáng đến 5h chiều, chưa kể họp hành, giáo án… nên tôi xin dạy trường tư thục, lương hiện tại 9 triệu đồng/tháng” - bà V. nói.
Một nghiên cứu của PGS Nguyễn Đức Sơn - Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho thấy, tất cả GV khi được hỏi đều thống nhất: Đồng lương không đủ chi tiêu cho các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Trong khi đó, 80% GV được khảo sát cho biết không có thu nhập ngoài lương. Đa phần GV coi đây là công việc trí óc nặng nhọc, căng thẳng, nghề có khối lượng công việc nhiều…
Cải thiện thu nhập, môi trường làm việc
TS Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng, ở vai trò là hiệu trưởng, để giữ chân GV, điều quan trọng đó là phải tạo ra động lực làm việc cho các thành viên trong nhà trường. Cần tìm ra các biện pháp giải tỏa kịp thời các áp lực và chặn những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe về thể chất, tinh thần, chất lượng và hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, GV. Trong một môi trường sư phạm cởi mở, dân chủ, GV có thể mạnh dạn bộc lộ những lo âu, căng thẳng mà mình đang gặp phải nhằm tìm tiếng nói chung, tìm được sự chia sẻ áp lực từ tập thể, các cấp lãnh đạo, khi đó sẽ giảm được tối đa ý định nghỉ việc, chuyển việc của GV nếu có.
GS. TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, trong nhiều vấn đề khiến GV nghỉ việc đó là do cách vận hành của trường học hiện tại khá giống với những cơ quan hành chính thông thường. Trong khi đó, vận hành của trường học là vận hành phát triển. Không ít nơi, thầy cô chỉ là những người tuân thủ, mà lẽ ra họ là những người sáng tạo. “Có những nơi thiếu dân chủ, thiếu minh bạch và thầy cô không được tôn trọng. Thực tiễn đã chứng minh rằng, nơi nào hiệu trưởng năng động, sáng tạo, tiếp cận tốt tinh thần đổi mới, dân chủ thì ở đó thầy cô hào hứng làm việc, và ngược lại” - ông Minh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, do lực lượng GV chiếm đến gần 70% tổng số công chức, viên chức nên việc nâng lương không thể “một sớm, một chiều giải quyết được”. Hiện ngành đang tập trung cải thiện môi trường làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn với tinh thần hỗ trợ tối đa... để giúp GV yên tâm công tác.
Theo TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GDĐT), hiện nay có tình trạng GV chuyển sang các ngành nghề khác, chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển. Lý do GV có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn (trong đó có nhiều GV chuyển sang làm việc ở khối trường tư thục). Để “giữ chân” GV, theo ông Đức, cần thay đổi chính sách đãi ngộ, cụ thể Bộ GDĐT đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”; Tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lam-the-nao-de-giu-chan-giao-vien-5698359.html