Làm thế nào để ngăn chặn AI khơi mào cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã đánh giá khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính do trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra trong vòng một thập kỷ tới là 'gần như không thể tránh khỏi' nếu không có sự can thiệp của cơ quan quản lý. Nguy cơ trước mắt là một vụ sụp đổ tài chính mới hơn là sự tiếp quản của robot.
Những người chỉ trích ý kiến này cho rằng những rủi ro do AI gây ra không phải là mới và đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Nhưng bản chất của những hệ thống này, được tạo ra bởi một số ít các công ty công nghệ cực kỳ hùng mạnh, đòi hỏi một cách tiếp cận mới ngoài các quy định hạn chế. Máy móc có thể giúp tài chính hiệu quả hơn nhưng cũng có thể gây ra cuộc khủng hoảng tiếp theo.
Trong số những rủi ro mà Gary Gensler, Chủ tịch SEC chỉ ra là “tâm lý đám đông” khi nhiều bên thực hiện những quyết định tương tự. Hành vi như vậy đã diễn ra vô số lần: việc các tổ chức tài chính đổ xô vào các gói thế chấp dưới chuẩn đã gieo mầm mống cho cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các mô hình AI do một số công ty công nghệ sản xuất đã làm tăng rủi ro đó. Bản chất không rõ ràng của các hệ thống cũng khiến các cơ quan quản lý và tổ chức gặp khó khăn trong việc đánh giá bộ dữ liệu mà họ tham chiếu vào.
Sự phụ thuộc vào AI cũng trao quyền lực vào tay các công ty công nghệ, những công ty đang ngày càng xâm nhập vào lĩnh vực tài chính nhưng không chịu sự giám sát chặt chẽ.
Có những điểm tương đồng với thế giới điện toán đám mây trong lĩnh vực tài chính. Ở phương Tây, bộ ba Amazon, Microsoft và Google cung cấp dịch vụ cho những ngân hàng lớn nhất. Sự tập trung này làm tăng mối lo ngại về cạnh tranh và ít nhất mang lại khả năng về mặt lý thuyết để di chuyển thị trường theo hướng họ lựa chọn. Nó cũng tạo ra rủi ro hệ thống: sự cố ngừng hoạt động của Amazon Web Services vào năm 2021 đã ảnh hưởng đến các công ty khác nhau, từ nhà sản xuất robot hút bụi Roomba đến ứng dụng hẹn hò Tinder. Một vấn đề với thuật toán giao dịch có thể gây ra sự sụp đổ của thị trường.
Các cơ quan giám sát đã đẩy lùi mối quan hệ khó xử giữa công nghệ và tài chính trong quá khứ, như với đồng tiền kỹ thuật số Diem của Meta, trước đây gọi là Libra. Nhưng để giảm thiểu rủi ro từ AI đòi hỏi phải mở rộng phạm vi điều tiết tài chính hoặc thúc đẩy các cơ quan chức năng ở các lĩnh vực khác nhau hợp tác hiệu quả hơn nhiều. Với tiềm năng AI ảnh hưởng đến mọi ngành công nghiệp, sự hợp tác đó sẽ được mở rộng. Lịch sử của các giao dịch hoán đổi nợ xấu (CDS) và nghĩa vụ nợ thế chấp (CDO) cho thấy lối suy nghĩ “im lặng” có thể nguy hiểm đến mức nào.
Các nhà chức trách cũng sẽ cần học hỏi từ những người tin rằng AI sẽ chinh phục thế giới và tập trung vào các thách thức mang tính cơ cấu hơn là các trường hợp riêng lẻ. Bản thân SEC đã đề xuất một quy tắc vào tháng 7 nhằm giải quyết các xung đột lợi ích có thể xảy ra trong phân tích dữ liệu dự đoán, nhưng họ tập trung vào các mô hình riêng lẻ được sử dụng bởi các công ty chứng khoán và tư vấn đầu tư. Quy định nên nghiên cứu các hệ thống cơ bản cũng như các trường hợp cụ thể.
Mặt khác, chủ nghĩa “bài công nghệ” không hẳn là chính xác vì AI vốn không hề tiêu cực đối với các dịch vụ tài chính. Nó có thể được sử dụng để tăng tốc độ cung cấp tín dụng, hỗ trợ giao dịch tốt hơn hoặc chống gian lận.
Việc các cơ quan quản lý đang tham gia vào công nghệ cũng được hoan nghênh khi việc áp dụng thêm công nghệ có thể đẩy nhanh quá trình phân tích dữ liệu và phát triển sự hiểu biết về thể chế.
AI có thể là một người bạn tài chính nếu những cơ quan quản lý có các công cụ phù hợp để giữ chúng đi đúng hướng.