Làm thế nào để người trẻ thích ứng, tồn tại và phát triển trong thời đại trí tuệ nhân tạo lên ngôi?
Câu nghị luận xã hội đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn Trường Trung học phổ thông chuyên Võ Nguyên Giáp yêu cầu học sinh bàn về việc làm thế nào để người trẻ có thể thích ứng, tồn tại và phát triển trong thời đại trí tuệ nhân tạo lên ngôi.
Gợi ý đáp án
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Trí tuệ nhân tạo hay AI (tiếng Anh: artificial intelligence), đôi khi được gọi là trí thông minh nhân tạo, là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc, trái ngược với trí thông minh tự nhiên của con người
Câu 2. Điều khiến tác giả băn khoăn, suy nghĩ nhiều nhất là làm thế nào định hướng cho con cách thích ứng, tồn tại, và phát triển cùng trí tuệ nhân tạo (AI), trong cả hai kịch bản: một chuyên gia trong ngành, hay một người ngoài ngành nhưng biết tận dụng sức mạnh của AI trong cuộc sống.
Câu 3. Kỹ năng và thái độ của con người là rất quan trọng. Nó quyết định đến việc chúng ta có thực sự sử dụng được AI như một công cụ phục vụ cho con người hay không. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện kĩ năng và cải thiện độ của con người trong thời đại AI ngày càng phát triển rộng rãi.
Câu 4.Đồng tình với quan niệm trên. Lý giải: Kỹ năng đặt câu hỏi và tư duy phản biện là một trong những điểm khác nhau giữa trí tuệ con người và trí tuệ nhân tạo. Rèn luyện tốt điều này chúng ta sẽ vững vàng, có khả năng làm chủ trong xã hội có sự phát triển của AI.
II. LÀM VĂN
Câu 1. Làm thế nào để người trẻ có thể thích ứng, tồn tại và phát triển trong thời đại trí tuệ nhân tạo lên ngôi?
- Hiện trạng trí tuệ nhân tạo ngày nay: AI ngày càng phát triển, tối tân và hiện đại. AI có thể thay con người làm một số công việc từ đơn giản đến phức tạp. Việc phát triển của AI tạo ra những thuận lợi và cũng gây ra không ít thách thức. Làm sao để người trẻ có thể thích ứng, tồn tại và phát triển trong thời đại trí tuệ nhân tạo lên ngôi?
- Người trẻ chú trọng việc trau dồi kỹ năng sống và kỹ năng giao tiếp. Kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp chính là một điểm khiến chúng ta khác biệt so với phần mềm trí tuệ nhân tạo. Giới hạn về biểu cảm, cảm xúc của con người là điều AI không thể làm được.
- Người trẻ cố gắng học tập, tìm hiểu thật rõ về trí tuệ nhân tạo. Muốn thích ứng, tồn tại và làm chủ về AI trước hết chúng ta cần phải hiểu về AI.
- Cố gắng phát huy sự sáng tạo của bản thân – điều mà AI không làm được.
Câu 2. Cảm nhận về vẻ đẹp hình tượng Sông Đà trong đoạn trích. Từ đó, nhận xét về cái Tôi của nhà văn Nguyễn Tuân được thể hiện trong văn bản.
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận
* Vẻ đẹp Sông Đà tựa như một cố nhân
- Nước Sông Đà: Vẻ đẹp của nước Sông Đà gợi nhớ đến một trò chơi của con trẻ "trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy", đẹp một cách hồn nhiên và trong sáng.
- Vẻ đẹp của nắng sông Đà lại gợi nhớ đến thế giới Đường thi "tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi "Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu" (Xuôi thuyền về Dương Châu giữa tháng ba, mùa hoa khói). Màu nắng gợi sự ấm áp, tươi sáng mang vẻ đẹp thi vị gợi cảm.
- Vẻ đẹp của bờ bãi sông Đà lại gợi nhớ đến thế giới thần tiên trong khu vườn cổ tích "bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà".
+ Nhịp ngắn liên tiếp như tiếng vui ngỡ ngàng trước khung cảnh bày ra trước mắt.
+ Khung cảnh: Chuồn chuồn bươm bướm bay rợp trên sông với những sắc màu sặc sỡ. Tạo cảm giác lạc vào thế giới thần tiên, khu vườn cổ tích. Tất cả đều thuộc về một cái gì đó từ quá khứ.
Khi bất ngờ gặp lại Sông Đà tác giả bất ngờ cảm nhận được cái gì đó đằm đằm ấm ấm hết sức thân thuộc. Chính vì thế nên tác giả bật ra gọi Sông Đà là cố nhân. Vì vậy khi được gặp lại con sông tác giả vui vô cùng để rồi thốt lên "Chao ôi".
Tác giả dùng hai hình ảnh liên tưởng: Vui như thấy nắng giòn tan sau thời kì mưa dầm. Vui như nối lại chiêm bao đứt quãng.
* Tác giả dùng điểm nhìn của một du khách hải hồ du ngoạn trên sông nước
- Tác giả cảm nhận được vẻ đẹp nên thơ, đa dạng, phong phú của Sông Đà - Đó là vẻ đẹp tĩnh lặng, yên ả, thanh bình như còn lưu lại dấu tích của lịch sử cha ông.
+ Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ thời Lý, Trần, Lê cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Lặng tờ là sự im lặng tuyệt đối. Qua bao đời vẫn thế mà thôi.
+ Vắng vẻ đến mức tịnh không một bóng người. Yên tĩnh đến mức tác giả thèm được giật mình bởi tiếng còi xe lửa của chuyến xe lửa đầu tiên đến với vùng đất này. Yên tĩnh đến mức tiếng cá đập nước sông, quẫy vọt lên mặt sông trở thành âm thanh chủ đạo và đủ sức làm cho đàn hươu giật mình chạy vụt biến. Biện pháp nghệ thuật lấy động tả tĩnh nhấn mạnh vẻ đẹp im lìm quãng hạ lưu này.
- Vẻ đẹp tươi mới, tràn trề nhựa sống, như bắt đầu một mùa nảy lộc sinh sôi: Nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Cỏ gianh đồi núi đang ra nõn búp. Đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đậm sương đêm.
=> Nếu cỏ gianh là sức sống tự nhiên thì nương ngô lại là sự sống có bàn tay của con người. Đây là hi vọng của tác giả về sự phát triển của vùng kinh tế mới để chúng ta thoát khỏi sự khó khăn do chiến tranh gây ra.
- Đó còn là vẻ đẹp hoang sơ, cổ kính: Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Tất cả tái hiện Sông Đà ở khúc này như một cõi nguyên sơ nguyên vẹn chỉ tồn tại cái đẹp. Chi tiết con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương nhìn tôi không chớp mắt khi tôi đang lừ lừ trôi trên một mũi đò hỏi tôi bằng tiếng nói riêng của con vật lành.
=> Cảnh quá đẹp cho nên nó đã giúp Sông Đà trở thành cảm hứng cho thi ca bao đời. Vẻ đẹp ấy đã cùng với sông Đà chảy qua không gian, thời gian, và đặc biệt là chảy qua cả những áng thơ ca bao đời, thơ Nguyễn Quang Bích rồi Tản Đà… để trở thành bất tử. Trong cái nhìn của thi sĩ Tản Đà, Sông Đà đã trở thành "một người tình nhân chưa quen biết".
* Nhận xét cái tôi Nguyễn Tuân được thể hiện trong đoạn trích
- Tác phẩm cũng cho thấy sự tài hoa và uyên bác của Nguyễn Tuân. Vốn sống phong phú và trí tưởng tượng dồi dào đã giúp nhà văn tạo nên những trang viết hết sức độc đáo và có giá trị nghệ thuật cao. Sông Đà ở đây hiện lên sống động, gây ấn tượng mạnh.
- Nhà văn cũng đã thể hiện tài năng điêu luyện của một người nghệ sĩ ngôn từ. Tác giả giống như một vị tướng tài ba chỉ huy đội quân Việt ngữ rất đông đảo. Ông đã xếp đặt đội quân Việt ngữ vào những vị trí phù hợp để chúng có thể phát huy tối đa khả năng của mình.