Làm thế nào để phân biệt bệnh do virus RSV và cúm mùa?
Các triệu chứng của bệnh do virus RSV (virus hợp bào hô hấp) gây ra khá giống với cúm mùa và cảm lạnh nên dễ gây ra nhầm lẫn trong chẩn đoán qua dấu hiệu. Vậy làm thế nào để phân biệt bệnh do virus RSV và cúm mùa?
Virus RSV và cúm đều là bệnh gây nhiễm trùng đường hô hấp, đều có xu hướng phát triển và gây bệnh nhiều nhất vào mùa thu đông.
Virus RSV và cúm mùa đều truyền bệnh qua giọt bắn hoặc khi tiếp xúc với virus trên các bề mặt, sau đó chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
Hai loại virus này đều gây ra những triệu chứng giống nhau. Vì vậy, gây khó khăn trong việc chẩn đoán ban đầu, ảnh hưởng tới tiến trình điều trị.
1. Làm thế nào để phân biệt bệnh do virus RSV và cúm mùa?
Khi nhiễm virus RSV và cúm mùa, người bệnh sẽ có những biểu hiện khá giống nhau nên khó đưa ra chẩn đoán chính xác qua triệu chứng, cụ thể:
- Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi
- Ho hoặc hắt hơi
- Đau đầu
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Thở khò khè
- Chán ăn
Tuy nhiên, khi bị cảm cúm người bệnh có thể bị tiêu chảy, dấu hiệu này ít phổ biến hơn ở người nhiễm virus RSV.
Ngoài ra, virus RSV thường gây bệnh ở trẻ nhỏ và người già, các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn như thở ngắn, nông và nhanh; khó thở; cáu gắt, chán ăn. Trẻ lớn hơn hoặc người lớn sẽ ít mắc virus RSV hơn nhưng không có nghĩa là miễn nhiễm, các triệu chứng ở lứa tuổi này sẽ tương đối nhẹ, giống như bị cảm lạnh hoặc cúm.
Để chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị phù hợp ngay từ ban đầu, mọi người nên đến bệnh viện để làm các xét nghiệm liên quan.
2. Điều trị RSV và cúm có giống nhau không?
Hầu hết các trường hợp nhiễm virus RSV và cúm có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Trừ một số trường hợp như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ có hệ thống miễn dịch yếu hoặc người già có sức khỏe yếu nên điều trị tại bệnh viện để được theo dõi.
Theo CDC, 1 đến 2% trẻ sơ sinh nhiễm RSV dưới 6 tháng tuổi cần phải nằm viện để điều trị.
Một số biện pháp tại nhà có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng bệnh do virus hợp bào gây ra và cúm như:
- Nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Những trường hợp bị sốt nên bổ sung thêm điện giải để tránh việc cơ thể bị mất nước.
- Để làm giảm tình trạng nghẹt mũi, các bạn có thể dùng máy tạo độ ẩm hoặc dùng thuốc xịt mũi, vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý.
- Súc miệng với nước muối để cải thiện triệu chứng đau họng. Tuy nhiên, không nên áp dụng phương pháp này cho trẻ nhỏ.
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là vitamin C, D, E, Kẽm, Sắt, Magie để tăng sức đề kháng, giúp người bệnh nhanh hồi phục.
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc hoặc kháng sinh vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi bị nhiễm bệnh do virus RSV và cúm, người bệnh có thể dùng hạ sốt, giảm đau, thuốc làm loãng đờm,…
3. Phòng ngừa bệnh do virus RSV và cúm mùa như thế nào?
Con đường lây nhiễm virus RSV và cúm đều giống nhau, lây trực tiếp qua giọt bắn hoặc khi tiếp xúc với các bề mặt có chứa virus. Vì vậy, để phòng hai bệnh này, mọi người có thể áp dụng một số biện pháp như:
- Rửa tay với xà phòng thường xuyên, nhất là sau khi tiếp xúc với các bề mặt, đồ vật ngoài cộng đồng. Lưu ý, vào mùa đông việc rửa tay nhiều lần có thể gây khô da, nhất là những người có làn da nhạy cảm. Vì vậy, nên dưỡng ẩm cho tay thường xuyên để giúp da giữ được độ ẩm.
- Không cho tay lên mắt, mũi, miệng. Đặc biệt là trẻ em, nên giúp con từ bỏ thói quen này vì hành động này tạo điều kiện cho virus xâm nhập và gây bệnh.
- Vệ sinh nhà cửa, đồ dùng trong nhà thường xuyên, nhất là đồ chơi của trẻ.
- Tăng sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Nên bổ sung nhiều hoa quả, rau xanh, thịt gà, cá, thịt bò, các loại hạt,… Đối với trẻ em, có thể nấu cháo, băm nhỏ thực phẩm để trẻ dễ ăn, dễ tiêu hóa.
- Hạn chế tiếp xúc với người có các biểu hiện như ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng,…
- Khi ra ngoài nên đeo khẩu trang
- Tiêm chủng đầy đủ. Trẻ nhỏ, người già, người có hệ miễn dịch kém nên tiêm phòng đầy đủ, vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương, bệnh trở nên nghiêm trọng hơn khi nhiễm bệnh.
Nhìn chung, bệnh do virus RSV gây ra có các triệu chứng khá giống cúm mùa. Hầu hết, bệnh có thể điều trị tại nhà và hồi phục sau khoảng 1 đến 2 tuần. Tuy nhiên, nếu điều trị không đúng cách có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tiểu phế quản,... Vì vậy, khi người bệnh có những biểu hiện thất thường, các triệu chứng không thuyên giảm nên đến bệnh viện để được chăm sóc và hướng dẫn điều trị.
Nguồn: Medicalnewstoday.com