Làm thế nào để thư viện không còn 'vắng hơn chùa Bà Đanh'?

Không chỉ đối mặt với tình trạng thưa vắng độc giả, ngành thư viện còn đứng trước nhiều thách thức khi xã hội phát triển về công nghệ mà cơ sở vật chất, cán bộ chưa thể đáp ứng.

Ngày 5/12, tại Hà Nội, nhiều cán bộ thư viện, các đại biểu, khách mời cùng tham dự hội thảo “Phát triển và đổi mới thư viện trong thời kỳ mới”. Hội thảo do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội thảo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội thảo.

Trong khi một số đại biểu đưa ra những thành tựu trong việc nỗ lực kéo độc giả đến thư viện, thì không ít ý kiến nhận định hoạt động của nhiều thư viện cơ sở chưa hiệu quả.

Thư viện trong cuộc chiến giành độc giả

Tại hội thảo, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội -nhận định thời nay, mọi người có thể đọc rất nhiều qua phương tiện kĩ thuật số. Bản thân ông cũng không còn thói quen đọc báo giấy mà đã chuyển sang đọc báo mạng vì sự tiện dụng.

Một số tổng kết chỉ ra người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách một năm, như vậy, tỉ lệ đọc sách tại thư viện càng ít hơn nữa. “Chúng ta cứ về nông thôn thì thấy, 9-10h tối là mọi người tắt điện đi ngủ rồi. Loa phát thanh thì không nghe, chỉ xem các chương trình giải trí trên tivi”, Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng - nhận định.

Rõ ràng trong thời kỳ thông tin tràn ngập trên mạng Internet, tiếp cận tới từng người qua thiết bị di động, văn hóa đọc nói chung, thư viện nói riêng gặp khó khăn rất lớn trong việc giành lại độc giả.

Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện nêu thực trạng tại nhiều thư viện hiện nay: “Thư viện cơ sở vắng tanh như chùa bà Đanh, sách vở mốc meo”. Ông Phương Diện kể, có lần ông tới một thư viện cơ sở vào giữa năm, nhưng cuốn lịch từ đầu năm tại thư viện vẫn chưa được mở.

Thư viện cơ sở thưa vắng người đọc. Ảnh minh họa: Minh Hoa.

Thư viện cơ sở thưa vắng người đọc. Ảnh minh họa: Minh Hoa.

Trong bối cảnh đó, nhiều cán bộ thư viện chưa đáp ứng được yêu cầu. Thiếu tướng Phương Diện ví thư viện như “chiếc túi” đựng cán bộ già. “Cán bộ các ngành khác, văn công hết tuổi được đưa về thư viện”, ông Phương Diện nói. Đó là một trong những nguyên nhân khiến thư viện vẫn có những cán bộ thiếu nghiệp vụ, không đáp ứng được chuyên môn.

“Thời đại đã thay đổi, có nhất thiết phải tới thư viện để ngồi đọc sách không?”, chỉ bằng câu hỏi đó, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã đặt ra vấn đề lớn mà ngành thư viện phải đối mặt trong thời đại số. Theo ông Dương Trung Quốc, thư viện ngày nay không nên chỉ cung cấp sách cho bạn đọc, mà nên mở ra thành nơi trao đổi, phát triển tri thức, văn hóa.

Số hóa là việc tất yếu phải làm

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết, giới nghiên cứu lịch sử như ông thường theo dõi nguồn tài liệu qua các thư viện của Pháp, bởi nơi đây lưu trữ rất tốt các tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu về Việt Nam. Theo ông, xu hướng của các nước trên thế giới đang tập trung số hóa tư liệu, chứ không tập trung xây dựng thư viện thật to, đẹp.

Một trong những giải pháp mà Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện đưa ra cũng là xây dựng thư viện tiên tiến, kết nối liên thông giữa các thư viện với nhau.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng thư viện không chỉ dừng ở việc phục vụ sách, mà nên phát triển dịch vụ, thành nơi giao lưu tri thức, văn hóa.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng thư viện không chỉ dừng ở việc phục vụ sách, mà nên phát triển dịch vụ, thành nơi giao lưu tri thức, văn hóa.

Trên thực tế, nhiều thư viện đã bắt đầu triển khai số hóa tư liệu. Số liệu điều tra của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho thấy, hiện nay 98% các thư viện đã xây dựng và vận hành thư viện điện tử, hình thành vốn tài liệu điện tử, tài liệu số.

Trong đó, có một số thư viện, trung tâm thông tin - thư viện đã xây dựng được vốn tài liệu điện tử, tài liệu số lớn như Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội…

Ông Nguyễn Hoàng Sơn - đại diện Trung tâm thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết đơn vị của ông đã có đề xuất về một hệ thống thư viện số của các đại học chung. Theo đó, các thư viện số của mỗi trường sẽ cùng liên kết, truy xuất dữ liệu giữa các trường nhằm phong phú hơn nguồn tài liệu phục vụ bạn đọc. Tới nay, đã có 28 thư viện ký kết tham gia việc liên kết này.

Tuy đã triển khai, song việc số hóa, và cung cấp sách số tới bạn đọc của các thư viện còn vướng nhiều khó khăn. Hạ tầng công nghệ của nhiều đơn vị chưa đáp ứng được nhu cầu bạn đọc. Dịch vụ tại các thư viện điện tử khá hạn chế, thường là tra cứu, đọc tài liệu, mà chưa có nhiều tiện ích có thể triển khai như: mượn sách tự động, phản hồi…

Một vướng mắc lớn mà các thư viện số gặp phải là vấn đề bản quyền sách. Bà Kiều Thúy Nga - Giám đốc Thư viện Quốc gia - nói trong thời đại vạn vật kết nối, đòi hỏi quản lý Nhà nước có chính sách, quy định mới.

“Chúng ta cần tập trung công nghệ hóa, tăng cường liên kết chia sẻ; tăng cường nguồn tài nguyên, thực thi vấn đề bản quyền”, Giám đốc Thư viện Quốc gia đặt ra các vấn đề về quản lý thư viện hiện nay.

Bà Kiều Thúy Nga cho biết, luật thư viện đang được nghiên cứu, đưa ra dự thảo, bà đánh giá đây là cơ hội lớn với ngành thư viện, đáp ứng mong mỏi có chính sách, quy định mới bắt nhập thời kỳ hiện nay.

Tần Tần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/lam-the-nao-de-thu-vien-khong-con-vang-hon-chua-ba-danh-post897999.html