Làm thế nào để trẻ 'xem có chừng, dừng đúng lúc'?

Có thể không khó bắt gặp hình ảnh trẻ em được sử dụng điện thoại, máy tính bảng, hay những thiết bị điện tử cầm tay khác tại không chỉ những TP lớn, mà ở các tỉnh, địa phương khác đây cũng là điều dễ bắt gặp. Điều quan trọng hơn cả là việc trẻ nhỏ dùng các thiết bị điện tử này phần nhiều là để giải trí và liệu rằng các bậc phụ huynh có thể kiểm soát được điều này?

Có lẽ vì sự thuận tiện nên các thiết bị điện tử thông minh đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Nhưng có một thực tế đáng báo động là đối tượng sử dụng những thiết bị này giờ đây còn có sự góp mặt của trẻ nhỏ.

Chúng ta có thể dễ dàng chứng kiến tại một số gia đình cảnh cả nhà ngồi mỗi góc, cùng chúi vào những chiếc máy tính bảng hoặc smartphone. Mạnh ai nấy tập trung vào công việc riêng của mình, không trò chuyện, không giao tiếp với nhau. Thậm chí, khi có khách đến chơi, trẻ em trong nhà cũng chỉ ậm ừ rồi lại dán mắt vào màn hình máy tính bảng. Nhiều gia đình cứ giúi máy tính bảng cho con chơi để bố mẹ làm việc, đến khi con bắt đầu phụ thuộc vào máy tính bảng thì lại lo lắng không biết làm thế nào.

 Không ít người giúi máy tính bảng cho con chơi để bố mẹ làm việc, đến khi con bắt đầu phụ thuộc vào máy tính bảng thì lại lo lắng. Ảnh minh họa

Không ít người giúi máy tính bảng cho con chơi để bố mẹ làm việc, đến khi con bắt đầu phụ thuộc vào máy tính bảng thì lại lo lắng. Ảnh minh họa

Chị Hoàng Thị Mai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có 2 đứa con nhỏ, một cháu lên 4 tuổi và một cháu 7 tuổi đã phải nhường hẳn chiếc điện thoại cho các con của mình mỗi khi chúng có mặt ở nhà. Chị Mai cho biết, đây có lẽ là cách quản con hiệu quả nhất, bởi khi đó chúng không còn quấy phá để chị có thể làm các công việc trong gia đình.

“Mặc dù biết việc xem nhiều điện thoại có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng do điều kiện gia đình nên tôi đành phải chấp nhận cách làm này”, chị Mai chia sẻ.

Theo chuyên gia xã hội học Nguyễn Thị Thu Lan (giảng dạy tại trường ĐH Văn hóa HN) về mặt sinh học hay tâm lý học, việc giao tiếp, trao đổi với cộng đồng là nhu cầu tự nhiên và tất yếu của cá nhân. Đặc biệt, điều này lại càng trở nên quan trọng với trẻ em ở độ tuổi đang hình thành nhân cách.

Dù hiện đại đến mấy, máy tính bảng hay smartphone cũng không thể thay thế cho những cảm nhận của các em về mối quan hệ gia đình, cộng đồng, hay về cuộc sống thật ngoài đời. Cùng với đó việc xem phim hoặc chơi điện tử khiến trí óc các em phải làm việc với cường độ cao hơn và dần tạo cảm giác mệt mỏi uể oải, chứ khó lòng tạo nên sự thư giãn đầu óc sau những phút học tập.

Quan trọng nhất là các bậc phụ huynh hãy hiểu rằng, với con cái, sự gần gũi của cha mẹ, cũng như việc giáo huấn về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp cho các em là những thứ mà không thiết bị nào có thể làm thay được. Đó là chưa kể tới việc nội dung các chương trình trên những kênh mà trẻ tìm kiếm như Youtube rất khó để các bậc phụ huynh quản lý thật chặt con em mình.

Còn về góc độ sức khỏe, theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền (BV Mắt Trung ương), khi sử dụng smartphone, máy tính bảng, trẻ em thường phải nhìn rất gần, sẽ có hại cho mắt. Đặc biệt, với các cháu nhỏ tuổi, đã bị cận thị thì cần tránh tiếp xúc với những thiết bị này vì độ cận của các cháu sẽ tăng rất nhanh. Chính vì thế, các bậc phụ huynh phải quy định thời gian được phép xem trong ngày và chỉ xem các chương trình phù hợp với lứa tuổi.

Theo SuperAwesome, trẻ em có độ tuổi từ 6 -14 tuổi là những đối tượng được quan tâm nhất hiện nay. Từ số liệu này, các Cty sản xuất nội dung sẽ có chiến lược phát triển sản phẩm dành cho giới trẻ với độ an toàn cao, đồng thời đảm bảo những quy định khắt khe của những tổ chức bảo vệ trẻ em trên thế giới.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lam-the-nao-de-tre-xem-co-chung-dung-dung-luc-173194.html