Lâm Thị Mỹ Dạ đã ra đi nhưng thơ mãi còn ở lại
Đúng 5 giờ sáng ngày 6/7/2023, nữ thi sĩ tài danh Lâm Thị Mỹ Dạ đã giã từ cõi tạm để đi vào thế giới vĩnh hằng. Mọi người bồi hồi thương tiếc một người thơ nhân hậu. Chị ra đi sau những tháng năm mang bệnh hiểm nghèo, buộc phải chấm dứt mọi đam mê sáng tạo. Những câu thơ như định mệnh giờ đây đã ứng vào chính cuộc đời chị một cách ngậm ngùi: 'Đời người thoáng chốc tan vào gió/ Hạnh phúc mong manh hương ổi bay'.
Cuộc đời và sự nghiệp thi ca của chị là chứng chỉ thời gian để mọi người quý yêu và trân trọng. Chị sống để yêu thương và làm thơ như duyên mệnh. Lâm Thị Mỹ Dạ tự nguyện đi vào thế giới huyền ảo của thi ca và vững tin mình không lạc khỏi chính mình. Và chị đã làm nên hành trang thơ ngày càng trĩu nặng ưu tư và mơ ước cùng năm tháng chẳng bình yên của một hồn thơ luôn khát khao dâng hiến. Một đời thơ như thế phải nói là khổ đau và hạnh phúc! Và điều còn lại của nỗi đau sáng tạo đó, chính là thơ. Thơ là chứng chỉ thời gian và chứng chỉ tinh thần của chính người thơ trên cánh đồng tình yêu thi ca vĩnh cửu.
Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đạt thi pháp riêng - Thi pháp ấy lấy chính bản thân mình làm đối tượng và dám vực dậy từ những giấc mơ tro vùi, những“Dư âm mặn như nước mắt” và “Những chiếc lá phát sáng màu huyền thoại” cùng nỗi buồn “Chết như từng giọt sương/ Rơi không thành tiếng” để “mơ thành giấc mơ”, để nhìn ra tha nhân và nhận lại những ngọt ngào, hy vọng sau khi đã soi thấy tận sâu thẳm tâm hồn mình “như bầu trời thấy mình qua dòng sông”. Ở đó, tác giả tự thanh lọc và rút ra quy luật “Sức mạnh phù du chỉ là thoáng chốc”, bởi vì muôn đời “vầng trăng xanh biếc” và “Trái tim dịu dàng/ Dịu dàng đến tận cùng trong suốt” vẫn đang đồng hành cùng tình yêu và cõi nhớ.
Hành trình thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có thể chỉa thành hai chặng nối tiếp nhau trong cả hành trình dài theo năm tháng Hái tuổi em đầy tay và Hồn đầy hoa cúc dại (Tên hai tập thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ). Đó là những vần thơ tươi xanh thời chiến và những vần thơ giàu suy tư, triết lý thời bình.
Thơ viết về thời chiến của Lâm Thị Mỹ Dạ mãi còn đánh thức tình yêu và lòng nhân ái của con người hôm qua, hôm nay và mai sau, bởi nó luôn cháy bỏng khát vọng nhân ái và tươi vui màu hy vọng. Và cũng chính nơi đây, nhà thơ đã tìm được điểm gặp nhau muôn thuở của nhân loại. Đó là khát vọng hòa bình cho hành tinh mang tên Trái Đất của chúng ta. Mãi còn đây khoảng trời xanh buốt nhức nhưng đầy tin yêu da diết trong thơ: “Như cái chết cháy thành ngọn lửa/ Thắp sáng mùa đông sưởi ấm những mầm non”.
Càng về sau trong thời bình, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ càng yêu đời, nhưng luôn tiếc nuối, ám ảnh về thời gian. Thời gian trôi chảy, bỏ lại bên sau những sân ga cuộc đời và tuổi trẻ mộng mơ:“Rồi cỏ sẽ xanh trên tên tuổi chúng ta/ Dòng sông sương mù trôi mãi”.” Tác giả nhận ra rất rõ bằng cảm giác của chính mình: “Đời người rồi qua mau”,”Đời người thoáng chốc tan vào gió”, “Ai biết sau nụ cười/ Giọt nước mắt về đâu?”.
Biết vậy, con người vẫn vươn lên để chiến thắng thời gian, để không bị mất hút trong sự tàn bạo của từng giọt thời gian. Nhà thơ bất giác nhận ra“Thời gian uống tôi/ Trời ơi/ Thời gian uống tôi”. Đó là nỗi sợ hãi có nguyên cớ, có khi do chính mình vô ý gây nên dù vẫn biết“Năm tháng tươi xanh/ Đời đến lúc cỗi già/ Ta mãi thơ ngây/ Thơ ngây nào được nữa!” lại là một quy luật. Gặp mình, tìm mình, tự vấn, tự thú, tự thoại với chính mình là tiếng nói khẩn thiết trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - như cách thế, nhà thơ mới hiểu hết con người và chính mình.
Đó là ý thức tận cùng của cái tôi tự biểu hiện, cái tôi tự soi tỏ: “Một mình lắng, một mình nghe/ Ơ kìa cái cõi - đi - về gang tay!/ Một mình cho hết đêm nay/ Ta ngồi với bóng ôm đầy nhân gian”. Nhiều lúc, chị phân thân giữa nỗi cô đơn và lòng kiêu hãnh để chị cảm nhận được sự bình yên như trăng non và lá xanh: “Em chẳng là cây mận của ai/ Em là cây mận của em/ Bám rễ vào đất đai thẳm sâu là nỗi buồn/ Và trời xanh là lòng kiêu hãnh”.
Nếu trước đây, thơ Mỹ Dạ hướng về tha nhân và những vấn đề hệ trọng của dân tộc - thời đại, thì giờ đây, thơ chị có nhu cầu quay lại chính mình để từ mình nhìn ra nhân thế. Nỗi buồn, sự cô đơn trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thời bình hiện lên đầy âu lo, day dứt, qua đó, những vui buồn, ân nghĩa quanh đời càng chân thật và buốt tê.
Có lúc, người thơ tự vấn: “Em không còn là em/ Ai đánh mất em/ Hay chính em đánh mất?”. Dù sao, đó vẫn là câu hỏi đã được trả lời, bởi vì nỗi buồn đã đi hết hành trình đau khổ của nó để được gặp lại trong sự hoài nghi cô độc:“Em chết trong nỗi buồn/ Chết lặng thầm âm ỉ đau đớn/ Trời cho em nụ cười thật tươi/ Ai biết sau nụ cười/ Giọt nước mắt về đâu?”. Nhưng rồi, nhà thơ vẫn không ngừng mơ mộng: “Ước gì anh là dòng sông/ Cho em soi thấy mình như trời cao rộng/ Để tận cùng anh em gặp chính mình”. Bởi cuộc đời bao giờ cũng bao dung và độ lượng: “Hãy ngước nhìn trời cao sẽ thấy/ Xuân còn đầy run rẩy, nôn nao”.
Sự quên lãng chính mình, xóa đi chính mình là cách để biết mình hiện hữu, biết mình đang ngơ ngác trước mọi bắt đầu non tơ như lá cỏ, bỡ ngỡ như trời xanh mỗi sớm: “Ta thành trái mà hồn còn như lá/ Cứ xanh hoài chồi biếc thuở non tơ”. Vậy là, một khắc khoải trong hy vọng và một ý thức trong hiện sinh ám ảnh, khiến nhà thơ không thể tự hờ hững, buông xuôi, khi mình vẫn còn có mặt trong đời. Khi hiểu “Đời người thoáng chốc tan vào gió”, tác giả càng ý thức “Có phút trên đời thành vô giá” và tự nguyện: “Trái tim đừng lúc nào tĩnh vật/ Mà thiết tha đời như ngọn cây”.
Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ yêu đời và thiết tha sự sống đến tận cùng là vậy! Mà giờ đây, chị đã phải sớm giã từ cõi thế để vào xứ không màu. Bảo làm sao không thương xót!?
Vô cùng yêu quý và nhớ tiếc một nhà thơ trọn đời sáng tạo và dâng hiến!
Lâm Thị Mỹ Dạ đã ra đi. Nhưng thơ chị mãi còn ở lại với cõi người!
Huế, đêm 8/7/ 2023