Lạm thu đầu năm học: Bài 3 - Quỹ phụ huynh hay bất bình đẳng giáo dục?
Từ các sự việc lạm thu trái phép quỹ phụ huynh, có thể thấy, đa số phụ huynh học sinh cũng chưa nhận thức rõ ràng việc sai phạm về lạm thu quỹ với việc xã hội hóa đầu tư cho giáo dục.
Bài 1 - Những mánh khóe móc túi phụ huynh
Bài 2 - Trả lại đúng vai trò ban đại diện phụ huynh
Một đoạn video về cuộc họp phụ huynh tại Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến việc lạm thu quỹ vừa được tung lên mạng xã hội, lập tức dư luận rùng rùng phẫn nộ vì thái độ khinh miệt - đánh đồng việc phụ huynh không đóng quỹ là nghèo, là khó khăn thì đừng mơ tưởng vào những lớp học toàn phụ huynh giàu. Phát ngôn này của một vị nguyên là phó trưởng ban phụ huynh lớp tiểu học 3/10, Trường Tiểu học An Hội, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban phụ huynh không những lạm quyền, lạm thu còn lố bịch, hống hách
Theo giải trình của nhà trường, xuất phát từ sự việc ban giám hiệu nhà trường có nhận được thông báo từ ban phụ huynh của lớp 3/10 là sẽ có một khoản tiền 14 triệu đồng của mạnh thường quân tài trợ cho nhà trường "muốn sử dụng gì thì sử dụng" và máy lọc nước uống cho lớp 3/10.
Sau đó, vị phó trưởng ban phụ huynh của lớp 3/10 tên là Tuyến (người trong clip) đã chia đều đổ đồng ép toàn bộ phụ huynh trong lớp 3/10 đóng quỹ để chi số tiền này. Các phụ huynh phản đối và đoạn video trích từ phiên họp phụ huynh được tung lên mạng internet. Trong đoạn video đó, bà Tuyến chỉ mặt nêu tên các phụ huynh không đóng quỹ và nói rằng "ngay từ đầu ban đại diện phụ huynh đã nói nhà nào nghèo, không có điều kiện thì đừng theo chung lớp này – tại sao đến bây giờ còn cho con học mà chưa chuyển lớp?".
Chưa hết, chính vì việc đóng quỹ đổ đồng cha mẹ học sinh đã khiến cho những vị phụ huynh khác quyết định tung đoạn video lên mạng xã hội. Người được cho là tải video lên mạng bị tạt sơn vào cửa nhà. Nhà trường sau đó đã yêu cầu gia đình vị phụ huynh bị tạt sơn trình báo Công an. Trường cũng đã trả lại toàn bộ số tiền tài trợ cho tất cả phụ huynh học sinh. Lý do nhà trường đưa ra là vì đó không phải là khoản mạnh thường quân tài trợ như đã nói ban đầu.
Đáng lưu ý là sự việc trên đã bộc lộ nhiều sai phạm quy chế hoạt động của ban phụ huynh (Theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT - Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh), đồng thời có dấu hiệu hành vi vi phạm dân sự và gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác.
Ban phụ huynh và cá nhân vị phụ huynh từng làm phó trưởng ban phụ huynh của lớp 3/10 Trường Tiểu học An Hội trên đây chỉ là một ví dụ cụ thể về việc "loạn" ban đại diện cha mẹ học sinh và các khoản thu trá hình, sai nguyên tắc trong hệ thống giáo dục công lập hiện nay.
Dù vậy, đằng sau sự công phẫn của dư luận về phân biệt đối xử giữa gia đình các học sinh giàu hay nghèo, điều kiện hay không có điều kiện, chịu chi hay không là sự bất bình đẳng nghiêm trọng của công dân trước hệ thống giáo dục. Điều đó kìm hãm xã hội hướng tới một môi trường giáo dục tiến bộ, văn minh và tuân thủ luật pháp.
Mấu chốt của vấn đề là hoạt động xã hội hóa giáo dục phải đúng quy định của luật, bảo đảm sự bình đẳng của công dân khi tiếp cận các vấn đề an sinh xã hội mà đầu bảng là giáo dục và y tế.
Nhận diện các khoản thu tiền trường
Trên thực tế, có phải nếu thiếu các khoản xã hội hóa từ quỹ phụ huynh thì hoạt động dạy và học trong nhà trường sẽ tê liệt hay không?
Cùng thời điểm này, tháng 9/2022 vừa qua, khi bước vào năm học mới, Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, thành phố Thủ Đức đã ra yêu cầu phụ huynh không đóng góp quỹ lớp, quỹ khuyến học, thậm chí cả quỹ phụ huynh. Phụ huynh nào muốn tài trợ cho nhà trường phải có văn bản đồng ý của Phòng Giáo dục.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn Nguyễn Thị Diễm Trang khảng khái chia sẻ: Nhà trường hoàn toàn lo được tiền khen thưởng cho học sinh giỏi hằng năm. Quỹ phụ huynh cũng không được tham gia vào mua sắm, trang bị cơ sở vật chất, cho nên hội phụ huynh của trường, lớp không cần thiết phải thu khoản này.
Còn quỹ lớp và các khoản quỹ khác từ nhiều năm nay các ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu. Những đóng góp của phụ huynh học sinh hay vận động tài trợ tất cả phải đều thực hiện đúng, nghiêm túc theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT và Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT về việc tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Các khoản chi khác về văn phòng phẩm thì nhà trường có đối tác cung cấp và công khai minh bạch.
Như vậy, những khoản thu lập lờ lâu nay dưới danh nghĩa tự nguyện của ban đại diện cha mẹ học sinh đã góp phần tạo nên sự dối trá trong ngành Giáo dục. Việc này đã từng được đưa ra bàn thảo và tìm cách khắc phục một các thẳng thắn trong Hội nghị đầu năm học mới của ngành. Những vấn đề tiêu cực cần phải được loại bỏ để trong sạch môi trường giáo dục sau các hội nghị phụ huynh tai tiếng đầu năm học này.
Bình quân mức chi tiêu cho giáo dục của các hộ gia đình Việt Nam đang tăng lên
Những năm gần đây, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có mức chi tiêu cho giáo dục và đào tạo vào loại cao trên thế giới - so với thu nhập bình quân đầu người.
Về phía người dân, mức chi giáo dục cao trong mỗi gia đình dần tăng là nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục ngày một cải thiện. Nhất là trong nhóm các gia đình trung lưu, thượng lưu khu vực thành thị. Mức đầu tư cho giáo dục với con em các gia đình thường chiếm quá nửa thu nhập của họ. Người dân gọi đây là khoản đầu tư cho tương lai.
Về phía Chính phủ, nhiều chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế đang được chú trọng. Ngoài tiềm lực trong nước, còn có đầu tư quốc tế, mọi cấp học nở rộ mô hình đào tạo chất lượng cao.
Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, các hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập cao có xu hướng cho con học tại các trường dân lập, tư thục cao hơn nhiều các hộ thuộc nhóm thu nhập thấp (12,3% so với 1,3%).
Chi cho giáo dục, đào tạo bình quân 1 người đi học tại trường công lập hơn 6,1 triệu đồng/người/1 năm, thấp hơn nhiều so với trường dân lập (25,3 triệu đồng/người/1 năm) và tư thục (17,8 triệu đồng/người/1 năm).
Việc lựa chọn học trường tư của các bậc phụ huynh cho con em mình có nhiều lý do. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vấn đề chi phí giáo dục thấp hay cao không còn quan trọng bằng hướng đến chất lượng giáo dục tốt. Người dân sẵn sàng chi tiêu cho giáo dục, trước hết vì quyền lợi của con em mình - vấn đề là các khoản chi cần phải đúng, đủ và chính thống.
Trước thực trạng chuyển dịch giữa hệ thống giáo dục công lập và tư thục đã khiến Nhà nước và Chính phủ buộc phải ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với khu vực nông thôn, hoặc nhằm vào nhóm có kinh tế thu nhập thấp, hoặc bị ảnh hưởng lâu dài bởi dịch bệnh, môi trường. Chính phủ khuyến khích áp dụng các chính sách miễn giảm học phí ở từng địa phương, để khuyến khích người dân tham gia học tập.
Tất cả tiến tới mục tiêu bình đẳng giáo dục và loại trừ các yếu tố khác có thể nảy sinh tiêu cực, ảnh hưởng chất lượng giáo dục chung, chậm tiến độ xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy đầu tư cho giáo dục ngày càng được chú trọng hơn qua các năm. Năm 2020, trung bình các hộ dân cư phải chi hơn 7,0 triệu đồng cho một thành viên đang đi học, tăng khoảng 7,0% so với năm 2018.
Trong cơ cấu chi cho giáo dục, các khoản chi chiếm tỷ trọng lớn là khoản học phí, trái tuyến 2,5 triệu đồng (chiếm 35,1%), học thêm 1,2 triệu đồng (chiếm 17,5%) và chi giáo dục khác 1,9 triệu đồng (chiếm 26,6%).
Các khoản chi khác chiếm tỷ trọng nhỏ như: Chi đóng góp cho trường, lớp 521 nghìn đồng (chiếm 7,4%); Chi quần áo, đồng phục 326 nghìn đồng (chiếm 4,6%); chi mua sách giáo khoa 333 nghìn đồng (4,7%); Chi mua dụng cụ học tập 294 nghìn đồng (chiếm 4,2%).
Như vậy, có thể thấy giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi tiêu của hộ gia đình. Đây là một gánh nặng tương đối lớn đối với phần đông các hộ gia đình ở Việt Nam hiện nay.
Nhìn từ góc độ chính sách, Nhà nước tiếp tục nâng cao hơn nữa việc thực thi các chính sách giáo dục và đào tạo để san sẻ gánh nặng với các hộ gia đình, tạo điều kiện để việc tiếp cận dịch vụ giáo dục và đào tạo có thể đến được với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Xét đến khía cạnh dài hạn cho mục tiêu xây dựng xã hội học tập, tạo môi trường giáo dục chính thống trong sạch lành mạnh và tiến bộ thì việc tiêu cực nảy sinh trong lạm thu quỹ của các ban đại diện cha mẹ học sinh rõ ràng đi ngược với chủ trương cần phải được dẹp bỏ.