Làm tiêu chuẩn công nghiệp 4.0: Bắt đầu ngay từ cơ sở dữ liệu

Việt Nam đang bắt đầu xây dựng tiêu chuẩn cho những công nghệ mới thời 4.0. Trong khi ở các nước xung quanh, rất nhiều tiêu chuẩn quốc gia đã trở thành tiêu chuẩn quốc tế, thì Việt Nam hiện chỉ duy nhất ngành cao su có tiêu chuẩn quốc tế.

Gấp rút xây dựng tiêu chuẩn công nghiệp 4.0

Tại hội thảo khoa học "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong cách mạng công nghiệp 4.0", TS. Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Việt Nam đang là thành viên của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và thành viên quan sát của Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC). Ban Kỹ thuật của hai tổ chức này đã và đang liên kết ban hành loạt tiêu chuẩn liên quan tới công nghiệp 4.0.

Đáng chú ý như tiêu chuẩn về AI (trí tuệ nhân tạo). Tháng 12/2023, ISO và IEC ban hành ISO/IEC 42001 - tiêu chuẩn hệ thống quản lý quốc tế đầu tiên dành cho AI nhằm loại bỏ rủi ro, nguy cơ mất an toàn khi triển khai ứng dụng AI trong hệ thống sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp các tổ chức, doanh nghiệp tăng năng lực thâm nhập thị trường, thúc đẩy thương mại quốc tế. Tiêu chuẩn này nhanh chóng được nhiều tổ chức xin đăng ký chứng nhận.

TS. Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia. Ảnh: Bình Minh.

TS. Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia. Ảnh: Bình Minh.

Ban Kỹ thuật của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, đề xuất những tiêu chuẩn cơ bản liên quan đến an toàn thông tin, hệ thống tự động hóa… Song Việt Nam vẫn chưa có đại diện tham gia các Ban này. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều đại diện tham gia Ban Kỹ thuật của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Rất mong các doanh nghiệp, hiệp hội liên hệ để chúng tôi có thể cử người tham gia Ban Kỹ thuật của ISO, IEC. TS. Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia

“Năm 2024 và 2025, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành liên quan tập trung vào 17 tiêu chuẩn trong AI. Phải làm ngay từ năm nay bởi vì nếu không làm nhanh, sau này ban hành tiêu chuẩn có thể bị muộn so với sự phát triển của thực tiễn”, TS. Hiệp nói về kế hoạch triển khai tiêu chuẩn AI tại Việt Nam.

Cùng với đó, Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia sẽ phối hợp xây dựng 8 tiêu chuẩn về cyber security (an toàn thông tin), 3 tiêu chuẩn về cloud computing (điện toán đám mây), 5 tiêu chuẩn về IoT (Internet kết nối vạn vật), 3 tiêu chuẩn về big data (dữ liệu lớn), và 5 tiêu chuẩn về công nghệ nano.

“Chúng tôi đang phối hợp với Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số nghiên cứu cả tiêu chuẩn liên quan tới dữ liệu trong chuyển đổi số”, ông Hiệp tiết lộ.

TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam nhấn mạnh: “Làm tiêu chuẩn cho công nghiệp 4.0 phải bắt đầu ngay từ cơ sở dữ liệu. Vì dữ liệu là gốc của chuyển đổi số, không có dữ liệu thì không bao giờ chuyển đổi số được. Bây giờ chúng ta mới làm là quá chậm, nhưng muộn vẫn còn hơn không”.

Cũng theo ông Quân, ngày trước chúng ta chỉ làm tiêu chuẩn cho những sản phẩm hữu hình như cái bát, đôi đũa, con ốc vít..., nhưng bây giờ phải làm tiêu chuẩn cho cả sản phẩm tạm gọi là vô hình như nền tảng công nghệ, dữ liệu…. Thông tin, dữ liệu và công nghệ số thực sự đã trở thành tư liệu sản xuất mới. Việc xây dựng tiêu chuẩn cho những sản phẩm vô hình đó ngày càng có vai trò quan trọng. Nếu làm được, Việt Nam sẽ hội nhập quốc tế thuận lợi hơn.

TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: Bình Minh.

TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: Bình Minh.

Hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam phải hài hòa với thế giới

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến trong tháng 10 tới.

Có những lúc chúng ta phải sử dụng tiêu chuẩn quốc tế để có được hệ thống tiêu chuẩn kịp thời đáp ứng được nhu cầu phát triển của quốc gia. TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam

Trong luật sẽ mở ra phương thức chấp nhận đơn phương đánh giá của bên thứ 3 đối với những lĩnh vực công nghệ mới nổi, hay công nghệ 4.0. Ví dụ ở ngành công nghệ thông tin, nhiều lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật thử nghiệm sắp tới sẽ được phép chấp nhận đơn phương kết quả đánh giá của các tổ chức nước ngoài.

Luật cũng sẽ bổ sung nội dung đánh giá tác động của tiêu chuẩn, quy chuẩn, tránh chuyện vừa ban hành đã bất cập do không tiếp thu đầy đủ ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội.

“Kể cả trong ngành công nghệ thông tin cũng có tiêu chuẩn mà sau khi ban hành chỉ 1-2 ông làm được. Bởi thế, Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội đang đề nghị phát huy vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội trong việc đánh giá tác động tiêu chuẩn, quy chuẩn trước khi ban hành”, ông Hiệp lưu ý.

Ngoài ra, theo luật mới, không chỉ riêng bộ, ngành, mà các địa phương, cá nhân, doanh nghiệp cũng sẽ được tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, nhằm giảm thiểu sự chậm trễ trong ban hành tiêu chuẩn.

TS. Hà Minh Hiệp dẫn câu chuyện cụ thể để lý giải cho quy định nêu trên: Sản phẩm yến sào nhiều năm nay chỉ có tiêu chuẩn cơ sở, hiện vẫn không có tiêu chuẩn quốc gia. Vì vậy, chúng ta chẳng biết yến sào của Khánh Hòa có tốt hơn yến sào của mấy công ty tư nhân không vì đều chỉ là tiêu chuẩn cơ sở. Trong khi tại các nước xung quanh, những sản phẩm chủ lực như thế đều có tiêu chuẩn quốc gia để đánh giá chứng nhận sản phẩm xuất khẩu rồi.

"Khi chúng tôi làm việc với Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn thì Bộ nói sẽ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm yến sào, nhưng 3 năm nay chưa thấy đâu. Vừa rồi chúng tôi phải báo cáo, xin phép để cho Bộ Khoa học Công nghệ trực tiếp cùng với Công ty Yến sào Khánh Hòa xây dựng tiêu chuẩn này”, ông Hiệp kể.

Bày tỏ quan ngại trước thực tế “trong khi ở các nước xung quanh Việt Nam, rất nhiều tiêu chuẩn quốc gia đã trở thành tiêu chuẩn quốc tế, thì Việt Nam mới có mỗi ngành cao su có tiêu chuẩn quốc tế”, ông Hiệp khuyến nghị cần quan tâm hơn nữa tới hoạt động đào tạo về tiêu chuẩn hóa.

Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm Trung Quốc: Chính thức thành lập 1 trường đào tạo cử nhân về tiêu chuẩn hóa, có tới 32 trường phối hợp với trường này để dạy 52 môn học. Họ tiến rất nhanh trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa.

Việt Nam là 1 trong 3 nước được Tổ chức Tiêu chuẩn quốc gia Úc (SA) hỗ trợ tham gia dự án xây dựng tiêu chuẩn đối với các công nghệ mới nổi - công nghiệp 4.0 ở khu vực ASEAN (trong khuôn khổ chương trình của Đại sứ quán Úc).

Từ trải nghiệm tham gia dự án, ông Hiệp đúc rút kinh nghiệm: Nếu dựa hoàn toàn vào các tiêu chuẩn quốc tế của các nước phát triển để xây dựng sản phẩm của mình thì sau này năng lực cạnh tranh của chúng ta sẽ không cao. Chúng ta cần phải nâng cao năng lực trong việc xây dựng các tiêu chuẩn.

Việt Nam đang bắt đầu xây dựng tiêu chuẩn cho công nghiệp 4.0. Ảnh: Bình Minh.

Việt Nam đang bắt đầu xây dựng tiêu chuẩn cho công nghiệp 4.0. Ảnh: Bình Minh.

Hệ thống số hóa các tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp những nước đang phát triển như Việt Nam có cơ hội quý để tiến nhanh trong hoạt động nâng cao năng lực xây dựng tiêu chuẩn, khi có thể sử dụng ngay nguồn tri thức dồi dào của nhân loại.

Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam bình luận: “Bây giờ đừng nghĩ Việt Nam là quốc gia nhỏ và nghèo nữa. Chúng ta đứng thứ 13 thế giới về dân số; đang vào Top 40 nền kinh tế lớn của thế giới. Chúng ta sẽ phải có hệ thống tiêu chuẩn hài hòa với thế giới, xứng đáng với sự phát triển của đất nước. Rất mong cộng đồng doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý sẽ cùng nhau xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam ngày càng hiện đại, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế”.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lam-tieu-chuan-cong-nghiep-4-0-bat-dau-ngay-tu-co-so-du-lieu-2326723.html