Làm tốt chức năng bảo vệ quyền của phụ nữ
Hai năm gần đây, bằng những việc làm thiết thực, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã thể hiện được vai trò là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của các tầng lớp phụ nữ.
Trong đó có việc các cấp Hội tham gia tư vấn pháp luật và gửi văn bản đề nghị các ngành chức năng can thiệp, giải quyết các đơn thư của cán bộ, hội viên, phụ nữ liên quan đến xâm hại, vấn đề hôn nhân - gia đình, tranh chấp đất đai, quyền thừa kế và các tranh chấp dân sự khác...
* Trực tiếp tư vấn, can thiệp vụ việc
Bà Bùi Thị Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết, từ năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Công an tỉnh, Viện KSND và TAND tỉnh trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019-2022. Vì vậy, tổ chức Hội có điều kiện tham gia bảo vệ trẻ em một cách tích cực hơn. Bên cạnh đó, để nắm thông tin và giải quyết vụ việc, Hội LHPN tỉnh đã giao Ban Xây dựng tổ chức Hội (Hội LHPN tỉnh) phụ trách tiếp nhận và tham mưu Hội LHPN tỉnh tham gia xử lý các vụ việc liên quan đến quyền phụ nữ.
Theo đó, mỗi khi tiếp nhận thông tin của phụ nữ về một vấn đề cần hỗ trợ, cán bộ Hội được phân công tiến hành phân tích vụ việc, tư vấn, hướng dẫn cho đương sự kiến thức pháp luật, kỹ năng ứng xử phù hợp, đúng với quy định của pháp luật. Nhờ đó mà 2 năm gần đây, Hội LHPN tỉnh đã can thiệp, tư vấn pháp luật và gửi văn bản đề nghị ngành chức năng can thiệp, giải quyết 23 đơn thư của cán bộ, hội viên, phụ nữ; tiếp công dân tư vấn trực tiếp và tư vấn qua điện thoại hơn 60 vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai, thừa kế và các tranh chấp dân sự khác...
Bà Bùi Thị Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết, năm 2021 là năm diễn ra đại hội đại biểu phụ nữ các cấp, chủ đề năm nay là Tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Hội LHPN tỉnh xác định, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ vẫn là nhiệm vụ xuyên suốt. Vì vậy, các các cấp Hội ngoài việc bám sát chủ đề công tác năm, cần chú trọng đến nhiệm vụ bảo vệ quyền phụ nữ.
Nhờ có chỉ dẫn của Hội LHPN P.Tam Hiệp mà chị T. (ngụ TP.Biên Hòa) biết và tìm đến Hội LHPN tỉnh nhờ tư vấn thủ tục ly hôn. Theo lời kể của chị T., chị lấy chồng quê ở tỉnh khác và sinh được 2 con. Tuy nhiên, chồng chị không quan tâm, thiếu trách nhiệm với vợ con nên việc chăm sóc, nuôi dạy con đều do một tay chị đảm nhận. Không chỉ có vậy, vài năm trở lại đây chị phát hiện chồng chị chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác nên chị muốn đơn phương ly hôn.
Chị T. cho biết, từ khi có ý định ly hôn chị lên mạng tìm kiếm hướng dẫn thủ tục đơn phương ly hôn nhưng càng đọc càng thấy rối rắm. Trong khi đó, nếu đến các văn phòng luật sư chị sẽ phải tốn thêm một khoản phí nên chị tìm đến Hội LHPN phường hỏi thăm và được chỉ lên Hội LHPN tỉnh để được tư vấn. Sau khi nghe chị trình bày vụ việc, cán bộ Hội LHPN tỉnh đã hướng dẫn chị chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết để làm thủ tục đơn phương ly hôn nhằm hạn chế việc phải đi lại nhiều lần. Được tư vấn, hướng dẫn một cách tỉ mỉ, nhiệt tình nên chị T. đã hình dung được những việc mình cần phải làm, những nơi mà chị cần phải đến.
Bà Hạnh cũng cho hay, với những vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều người hoặc vụ việc có dấu hiệu vi phạm đến quyền hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em hoặc vụ việc đã được giải quyết nhưng chưa thỏa đáng... Hội LHPN tỉnh ban hành văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật. Đồng thời, Hội LHPN tỉnh cũng sẽ giám sát quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chức năng. Từ đó, có kiến nghị xác đáng để bảo vệ quyền của phụ nữ.
Điển hình là vụ việc của bà C. (ở tỉnh Vĩnh Long) bị chồng bạo hành và ngăn cản không cho gặp con đã được Hội LHPN tỉnh can thiệp kịp thời. Theo chia sẻ của cán bộ Hội LHPN tỉnh phụ trách vụ việc, bà C. thường bị chồng hành hung. Tháng 6-2020, chồng bà tự ý đưa 2 con nhỏ về nhà mẹ ruột ở Đồng Nai nhằm ngăn cản bà gặp con. Sự việc đã được bà trình báo UBND xã - nơi gia đình chồng cư trú, đồng thời gửi đơn đến Hội LHPN tỉnh. Sau khi xem xét nội dung và căn cứ quy định của pháp luật, Hội LHPN tỉnh đã ra văn bản đề nghị UBND xã quan tâm xem xét giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em. Ngay lập tức, UBND xã đã tổ chức hòa giải và vợ chồng bà đi đến thống nhất đưa con về Vĩnh Long sinh sống, làm ăn và cùng giữ hạnh phúc gia đình.
Thông qua các tổ hòa giải, tổ phụ nữ trợ giúp pháp lý, Hội LHPN các cấp đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương hòa giải, trợ giúp pháp lý cho khoảng 350 vụ việc liên quan đến tranh chấp dân sự, tư vấn ly hôn, bạo lực gia đình...
* Nhiều hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ
Theo Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Bùi Thị Hạnh, thời gian qua đã có rất nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ đi vào cuộc sống góp phần quan trọng trong việc can thiệp, bảo vệ an toàn cho phụ nữ. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho phụ nữ. Vẫn còn một bộ phận phụ nữ là nạn nhân của tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục, buôn bán phụ nữ... Vì vậy, từ năm 2019-2020, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã chọn chủ đề Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em nhằm xây dựng môi trường an toàn để phụ nữ và trẻ em phát huy hết tiềm năng của mình; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chung tay hành động vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ, những năm qua, nhất là từ năm 2019 đến nay, ngoài việc tham gia can thiệp những vụ việc nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, Hội LHPN các cấp còn tổ chức thực hiện nhiều hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh Hội, Hội LHPN 11 huyện, thành phố đều lựa chọn những hoạt động phù hợp nhằm phát huy vai trò của Hội, sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội vào thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh tổ chức các hoạt động truyền thông liên quan đến chủ đề năm, các cấp Hội đã triển khai các hoạt động thực hiện chủ đề Năm an toàn với phụ nữ và trẻ em gắn với thực hiện đề án 938/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027. Theo đó, các cấp Hội đã tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho hội viên, phụ nữ về phòng chống bạo lực, xâm hại, tai nạn giao thông, sử dụng thực phẩm an toàn, cách phòng ngừa các loại bệnh... Tổ chức Hội các cấp đã xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách nhằm đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Riêng trong năm 2020, ngoài hoạt động giám sát của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN các huyện, thành phố đã tổ chức 20 đoàn giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em tại địa phương.
Ngoài ra, Hội LHPN các cấp đã và đang duy trì hiệu quả hoạt động của các mô hình góp phần bảo vệ phụ nữ và trẻ em như: Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch (trong đó có tiêu chí gia đình không có bạo lực); Địa chỉ tin cậy cộng đồng; CLB phòng, chống bạo lực gia đình, CLB gia đình hạnh phúc bền vững và đặc biệt mô hình mới nhất đang được nhân rộng hiện nay là mô hình ấp/khu phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào phụ nữ tỉnh Đồng Nai năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ năm 2021, chị Đinh Thị Diễm Phương, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) cho biết, tháng 10-2020, trên cơ sở định hướng của Hội cấp trên, sự thống nhất của Đảng ủy xã, Hội đã ra mắt mô hình Ấp an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại ấp 4 với 50 thành viên. So với các mô hình khác của hội, Ấp an toàn cho phụ nữ và trẻ em khá non trẻ nhưng đã phát huy được vai trò của mình. Các chị em đã ra sức tuyên truyền các văn bản có liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, hướng dẫn chị em chăm sóc sức khỏe, lựa chọn thực phẩm an toàn,... góp phần xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ trẻ em.