Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng thi công đường Trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam

Dự án đường Trung tâm trục dọc Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Quảng Trị đến cảng Cửa Việt được khởi công từ ngày 9/8/2018 với chiều dài trên 23,5 km đi qua 7 xã của hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong. Để công trình thực hiện đảm bảo đúng tiến độ đề ra, huyện Hải Lăng đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) bàn giao cho chủ đầu tư.

 Hải Lăng sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công đường Trung tâm trục dọc KKT Đông Nam đoạn qua địa bàn huyện

Hải Lăng sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công đường Trung tâm trục dọc KKT Đông Nam đoạn qua địa bàn huyện

Đường Trung tâm trục dọc KKT Đông Nam là công trình giao thông cấp II, có thiết kế nền đường rộng 50m, gồm 2 nhánh, vận tốc thiết kế 80km/h với mức đầu tư 700 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, thời gian thực hiện trong 4 năm (2017-2020). Tuyến đường khi xây dựng sẽ kết nối cảng Cửa Việt và cảng Mỹ Thủy, kết nối từ Quốc lộ 1 qua thị xã Quảng Trị về cảng Cửa Việt và từ Quốc lộ 1 về cảng Mỹ Thủy, kết nối với đường xuyên Á từ Quốc lộ 1 về cảng Cửa Việt, kết nối với tuyến đường ven biển đi qua khu du lịch, dịch vụ Cửa Việt- Cửa Tùng nối với đường ven biển Quảng Bình, Thừa Thiên Huế tạo thành hệ thống giao thông thông suốt thông ra Biển Đông trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây. Ngoài ra còn có thể kết nối đến ga Hà Thanh và sân bay quy hoạch tại xã Gio Quang (Gio Linh), tạo điều kiện lưu thông hàng hóa từ cảng Mỹ Thủy thông qua Quốc lộ 1 nối Quốc lộ 9 qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Đây được coi là công trình giao thông đặc biệt quan trọng, sẽ tạo động lực phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở trong và ngoài KKT Đông Nam cả trước mắt và lâu dài.

Đối với huyện Hải Lăng, đường Trung tâm trục dọc KKT Đông Nam đi qua địa bàn chỉ dài gần 9,5 km nhưng phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trong đó diện tích đất các loại bị thu hồi khoảng 51,8 ha, ảnh hưởng hơn 22,5 ha rừng phòng hộ, 11,6 ha rừng kinh tế, đặc biệt có 292 mộ các loại, 17 cái lăng và 3 nhà bia buộc phải di dời. Xã Hải An ảnh hưởng lớn nhất với 114 ngôi mộ, 14 cái lăng, 2 nhà bia, 1 hồ nước mặn nuôi tôm diện tích khoảng 2 ha, đất trồng tràm và hoa màu 9,8 ha của 21 hộ đang sản xuất, 14 ha đất rừng phòng hộ do nhà nước quản lí, 14 thửa đất nhân dân tự canh tác để sản xuất phải giải tỏa.

Để thực hiện tốt công tác GPMB, Huyện ủy Hải Lăng đã ban hành Nghị quyết về “Tăng cường công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng và giải quyết tranh chấp địa giới hành chính”. Trong đó đề ra phương hướng tất cả các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn huyện đều được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Đặc biệt, quyết tâm hoàn thành việc GPMB đường Trung tâm trục dọc KKT Đông Nam trong quý II/2018 và GPMB xây dựng Nhà máy Nhiệt điện I Quảng Trị bàn giao cho nhà đầu tư quý I/2019.

Triển khai thực hiện nghị quyết, các cấp chính quyền đã công khai kịp thời cho nhân dân trên địa bàn và vùng dự án biết về các dự án sẽ triển khai có ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân; kế hoạch tái định cư đối với người bị thu hồi đất; kết quả điều tra kiểm kê đất, tài sản, hoa màu, vật kiến trúc của từng hộ dân; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến GPMB theo đúng pháp luật... Đồng thời tiến hành đo đạc thu hồi đất, lập bản đồ địa chính và hoàn thành cắm mốc GPMB cũng như kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn phát sinh. Đại diện lãnh đạo xã Hải Quế cho biết, trục đường đi qua địa phận của xã dài chỉ 453 mét, phạm vi ảnh hưởng trên diện tích 2,5 ha đất nhưng vướng mắc, khó khăn nhất là ở đây có đến 124 ngôi mộ, 5 cái lăng và 1 nhà bia. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt tranh thủ ý kiến của các bậc trưởng tộc, các vị lớn tuổi trong làng để giải thích cho mọi người dân hiểu rõ về lợi ích của KKT Đông Nam mang lại đối với kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh cũng như thu hút đầu tư của tỉnh, huyện và địa phương. Bên cạnh đó, xã đã công khai thông báo đến người dân về quy hoạch, phạm vi ảnh hưởng, đồng thời thông qua nhiều kênh, vận động người dân cùng với chính quyền địa phương sớm hoàn thành công tác GPMB. Nhiều hộ dân đã tự nguyện nêu gương như ông Nguyễn Thành Lập, ở thôn Kim Long đã vận động gia đình, người thân, bà con trong dòng tộc di dời 36 ngôi mộ nấm cuốn bê tông và 5 cái lăng.

Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, huy động sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, đặc biệt tăng cường công tác dân vận nên người dân không chỉ đồng tình giao đất mà còn di dời mồ mả, nhà bia, kể cả những lăng mộ có quy mô lớn để bàn giao mặt bằng thi công đường. Đến thời điểm này, huyện Hải Lăng cơ bản đã hoàn thành công tác GPMB bàn giao cho nhà đầu tư thi công công trình. Riêng đối với trường hợp hộ ông Nguyễn Thanh Tình, ở xã Hải An chưa nhận đền bù, các cấp chính quyền tiếp tục kiên trì vận động, thuyết phục hộ dân chấp nhận mức đền bù, giải tỏa mặt bằng để không ảnh hưởng đến tiến độ chung của công trình, phấn đấu thông xe kĩ thuật toàn tuyến đúng tiến độ.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140276