Làm tốt công tác giải quyết đơn thư, không để ứ đọng

Theo ông Sái Hồng Thanh, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức trong huyện đều được quán triệt thực hiện nghiêm tinh thần làm việc ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm, như:

Tập trung cao điểm để giải phóng mặt bằng các dự án đang triển khai trên địa bàn; giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo (KNTC); quyết tâm giao quân năm 2020 đủ chỉ tiêu về số lượng và bảo đảm chất lượng…

Cùng với đó, huyện cũng đôn đốc bà con nhân dân sản xuất nông nghiệp bảo đảm đúng thời vụ; chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch do chủng mới của virus Corona gây ra theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Ông Sái Hồng Thanh, cho biết: “Cùng với các nhiệm vụ trên, chúng tôi cũng chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý dứt điểm đơn thư, KNTC, nhất là những vụ việc phức tạp kéo dài, không để tình trạng tồn đọng, người dân phải chờ đợi giải quyết. Cụ thể, ngay sau Tết, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện xem xét, xử lý dứt điểm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một số người dân thị trấn Rạng Đông theo đúng quy định của pháp luật”.

Ông Nguyễn Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, thông tin: Năm 2019, toàn huyện tiếp 1.132 lượt công dân, trong đó lãnh đạo huyện tiếp 541 lượt; tiếp nhận 930 đơn thư, có 619 đơn thuộc thẩm quyền huyện giải quyết. Kết quả giải quyết đơn thư, KNTC đạt 96%. Qua thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định về giải quyết KNTC, tình hình tiếp công dân; tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến. Việc tiếp, đối thoại với công dân của lãnh đạo từ huyện đến xã tạo thuận lợi cho người dân, góp phần củng cố niềm tin, tăng cường sự trao đổi, chia sẻ thông tin để giải quyết vụ việc. “Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết đơn thư, KNTC, ngay từ đầu năm chúng tôi đã yêu cầu đội ngũ cán bộ tiếp dân tiếp nhận, xử lý đơn thư, KNTC ở các cấp, các ngành phải nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm và chuyên môn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết tranh chấp, sớm phát hiện tồn tại để khắc phục. Cùng với đó, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân nắm vững Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để họ hiểu rõ quy trình tiếp nhận, giải quyết đơn thư, KNCT, tránh bị kích động, lợi dụng”, ông Nguyễn Tiến Cường khẳng định.

Ông Lã Văn Huy, Chánh thanh tra huyện Thanh Trì, cho biết: "Làm tốt công tác tiếp dân, đối thoại, lắng nghe dân mới xác định được vấn đề, tạo niềm tin nơi người dân. Chính vì thế, chúng tôi phân công, giao nhiệm vụ, trách nhiệm rất rõ đến từng cán bộ thanh tra phụ trách địa bàn hướng dẫn cán bộ cơ sở công tác tiếp công dân. Mặt khác, niêm yết số điện thoại của cán bộ và số điện thoại lãnh đạo cơ quan thanh tra huyện để người dân cập nhật khi cần trao đổi. Không chỉ có vậy, thanh tra huyện còn thường xuyên chủ động rà soát nắm bắt tình hình tham mưu cho UBND huyện kịp thời giải quyết vụ việc mới”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, trong việc tiếp dân, xử lý đơn thư “phải làm cho nghiêm chỉnh, cho kịp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy. Đồng bào có oan ức, có thắc mắc mới khiếu nại. Ta giải quyết tốt các việc khiếu nại, đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm, lo lắng đến họ”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người làm công tác này phải vừa là tai mắt của cấp trên, vừa là bạn của cấp dưới. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng nêu rõ: Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân. Trách nhiệm đó trước hết thuộc về người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương.

Để làm tốt công tác giải quyết đơn thư, KNTC cán bộ có trách nhiệm, nhất là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm các quy định về tiếp dân, không nên ủy quyền cho cấp phó hoặc tiếp dân một cách qua loa, hình thức; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với dân, chú trọng giải quyết ngay từ cơ sở. Ngoài ra, người dân cần nâng cao hiểu biết pháp luật; KNTC phải đúng pháp luật; đề cao cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng vấn đề khiếu kiện kích động, gây rối, phá hoại an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

ĐỨC TUẤN - VĂN THI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/lam-tot-cong-tac-giai-quyet-don-thu-khong-de-u-dong-609647