Làm tốt hơn nữa công tác dân nguyện, kiên định giám sát vì mục tiêu kiến tạo phát triển
Thời gian qua, công tác dân nguyện của Quốc hội đã có bước tiến quan trọng theo đúng chủ trương của Đảng và quyết tâm 'làm tốt hơn nữa công tác dân nguyện' như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội HOÀNG ANH CÔNG, những kết quả đạt được khẳng định những đổi mới của Quốc hội với công tác dân nguyện là đúng hướng, thể hiện rõ quyết tâm kiên định mục tiêu không ngừng đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Làm tốt hơn nữa công tác dân nguyện
- Trong năm 2023, Quốc hội lần đầu tiên tiến hành thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và Báo cáo kết quả giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Việc Quốc hội thảo luận về 2 nội dung này có ý nghĩa như thế nào với cử tri và Nhân dân, thưa ông?
- Ngay từ đầu nhiệm kỳ XV, với mục tiêu không ngừng "đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội", hoạt động giám sát của Quốc hội đã được tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ, bảo đảm tiến độ, hoàn thành toàn bộ các nội dung theo kế hoạch. Trong đó, với công tác dân nguyện, năm 2023, Quốc hội lần đầu tiên tiến hành thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri (tại Kỳ họp thứ Năm) và thảo luận Báo cáo kết quả giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân (tại Kỳ họp thứ Sáu). Đây là một bước đổi mới quan trọng trong công tác dân nguyện, cũng như trong công tác giám sát của Quốc hội.
Các phiên thảo luận này, trước hết góp phần thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của cử tri và Nhân dân. Bởi, về nguyên tắc, những yêu cầu của cử tri và Nhân dân cả nước đều cần công khai, minh bạch và phải được các đại biểu Quốc hội thảo luận.
Thứ hai, việc đưa 2 báo cáo này ra thảo luận tại Hội trường là thực hiện chức năng giám sát tối cao của Quốc hội, qua đó cũng để cử tri, người dân giám sát việc Quốc hội thực hiện chức năng cơ quan đại diện cao nhất cho cử tri và Nhân dân, là bước tiến trong công tác dân nguyện theo đúng chủ trương của Đảng, cũng như quyết tâm “làm tốt hơn nữa công tác dân nguyện” như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ ba, các phiên thảo luận này là cơ sở để hoàn thiện hơn việc giải quyết kiến nghị của cử tri, không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động quản lý nhà nước mà còn giúp an dân, tạo tinh thần đoàn kết trong toàn xã hội, góp phần củng cố hơn nữa niềm tin cử tri, Nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Mặt khác, khối lượng công việc của Quốc hội cần giải quyết trong các kỳ họp đều rất lớn, trong đó có nhiều nội dung quan trọng cần được xem xét, thông qua, trong khi thời gian họp không nhiều. Tuy nhiên, Lãnh đạo Quốc hội đã rất quyết tâm đưa hai nội dung này ra thảo luận tại Hội trường, qua đó thực hiện tốt hơn nữa chức năng cơ quan đại diện cao nhất cho cử tri và Nhân dân.
- Công tác dân nguyện có vị trí quan trọng, bảo đảm pháp luật đi vào cuộc sống và phát huy vai trò, thực sự là công cụ hữu hiệu trong quản lý nhà nước, thưa ông?
- Hiến pháp quy định, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Soi chiếu từ góc độ là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, thì Quốc hội phải phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, ý chí của Nhân dân trong các hoạt động của mình. Trong Luật Tổ chức Quốc hội, ngay tại khoản 1, Điều 1 tiếp tục khẳng định, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân; và theo khoản 2, Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, lập hiến, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Do vậy, công tác dân nguyện đã được xác định là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Quốc hội. Và, Ban Dân nguyện được thành lập để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện công tác này.
Về nguyên tắc, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nên càng gần dân hoạt động của Quốc hội sẽ càng có hiệu quả hơn. Quốc hội thực hiện công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đích đến cuối cùng là để phục vụ người dân. Ngược lại, những nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và người dân cũng chính là cơ sở và căn cứ để Quốc hội thực hiện các chức năng, nhiệm vụ đã được hiến định. Đó chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh của Quốc hội, là bản chất cốt lõi của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Thực tế đã cho thấy, thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi chính sách, pháp luật trên thực tiễn đã được phản ánh kịp thời, xem xét, giải quyết. Nhiều vụ việc phức tạp, đông người đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Và, thông qua công tác giám sát việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, kiến nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hàng trăm văn bản pháp quy liên quan đến các vấn đề dân sinh bức xúc, đời sống của người dân.
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo về công tác dân nguyện hàng tháng của Quốc hội đã được thực hiện, nhận được sự quan tâm của cử tri và Nhân dân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nội dung báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng của Quốc hội đã thể hiện tính khái quát cao, tập trung, có trọng tâm, trọng điểm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Kiên định giám sát vì mục tiêu kiến tạo phát triển
- Trước yêu cầu đổi mới và khối lượng công việc ngày càng lớn như vậy, đâu là động lực để Ban Dân nguyện hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, thưa ông?
- Để đạt được những thành tích, kết quả trong thời gian qua, Ban Dân nguyện luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của Đảng đoàn Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với việc xây dựng báo cáo về công tác dân nguyện hàng tháng của Quốc hội, tôi còn nhớ, ngay đầu nhiệm kỳ Khóa XV, khi làm việc với Ban Dân nguyện, Chủ tịch Quốc hội Vương Định Huệ đã đặt câu hỏi với lãnh đạo Ban: Chúng ta có làm báo cáo dân nguyện hàng tháng bên cạnh các báo cáo định kỳ được báo cáo trước Quốc hội tại các kỳ họp được không?
Khi đó, lãnh đạo Ban suy nghĩ rất kỹ, vì nếu xây dựng báo cáo dân nguyện hàng tháng có nghĩa khối lượng công việc ít nhất sẽ tăng gấp 12 lần so với trước đây. Mỗi báo cáo đều phải phản ánh đầy đủ và kịp thời các mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là phải nêu quan điểm rõ ràng về những vấn đề nổi cộm, dư luận cử tri và Nhân dân đang quan tâm, bức xúc.
Trong bối cảnh khối lượng nhiệm vụ, công việc ngày càng lớn mà biên chế không tăng, Ban Dân nguyện đã quyết tâm nhận nhiệm vụ được Chủ tịch Quốc hội giao; chủ động tiến hành cơ cấu lại quy trình xử lý công việc để đáp ứng được yêu cầu tiến độ công việc, nhiệm vụ được giao.
Và trong những kết quả thực hiện công tác dân nguyện đạt được thời gian qua có sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, các cơ quan hữu quan đã thực hiện nghiêm túc việc gửi báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được giao theo dõi, phụ trách.
- Từ đề nghị cụ thể về trách nhiệm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) nêu trong Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7.2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận, yêu cầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách giám sát về vấn đề này. Báo cáo kết quả giám sát này được cử tri và Nhân dân đánh giá cao, tạo chuyển biến trong thực tiễn. Đây có lẽ chỉ ra một trong những ví dụ về tính hiệu quả của công tác dân nguyện, thưa ông?
- Trên cơ sở tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, doanh nghiệp gửi đến và báo cáo từ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện đã nhận thấy có nhiều kiến nghị về bất cập, vướng mắc trong việc hoàn thuế VAT. Do vậy, Ban Dân nguyện đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện trách nhiệm hoàn thuế VAT của cơ quan thuế đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã thực hiện đầy đủ quy định về hoàn thuế.
Từ thực tế kiến nghị của cử tri và doanh nghiệp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất quyết liệt, yêu cầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách thành lập đoàn giám sát ngay trong tháng 7.2023 - thời điểm cao điểm bức xúc của doanh nghiệp bị nợ đọng hoàn thuế. Cùng với đó là các chỉ đạo sát sao trong suốt quá trình giám sát đã giúp Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách có được báo cáo kết quả giám sát với những kiến nghị chi tiết, công tâm, không nể nang, né tránh. Đồng thời, đưa ra mốc thời gian cụ thể để cơ quan chịu sự giám sát có kế hoạch thực hiện, tạo được chuyển biến ngay trong quá trình giám sát, đúng tinh thần xuyên suốt mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Giám sát của Quốc hội phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển”. Qua giám sát này, tại nhiều địa phương, số tiền hoàn thuế đã đến tay doanh nghiệp kịp thời hơn, giúp họ tăng tốc sản xuất kinh doanh trong quý cuối năm để bù đắp lại sự đình trệ đầu năm do việc chậm hoàn thuế này.
Qua làm việc với các cơ quan chức năng, Ban Dân nguyện nhận thấy, nhiều cơ quan, đơn vị hoan nghênh vai trò của công tác dân nguyện của Quốc hội cũng như hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các vụ việc, vấn đề cụ thể, qua đó cùng với các cơ quan tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, góp phần giảm áp lực và tạo thêm niềm tin cho người dân, doanh nghiệp nói riêng và cử tri, Nhân dân nói chung.
- Xin cảm ơn ông!