Làm tốt vai trò cầu nối đưa pháp luật đến với cộng đồng
Thời gian qua, phát huy vai trò là cầu nối đưa pháp luật đến với cộng đồng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên (BCV, TTV) pháp luật trên địa bàn huyện Đakrông luôn sáng tạo, đổi mới cách thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục (TTPBGD) pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Thông qua đội ngũ này, người dân nắm bắt kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó tuân thủ đúng, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Hướng Hiệp là một trong số xã ở huyện Đakrông được đánh giá làm tốt công tác TTPBGD pháp luật. Kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ BCV, TTV pháp luật nơi đây. Năng động, tâm huyết với nhiệm vụ được giao, đội ngũ BCV, TTV pháp luật ở Hướng Hiệp luôn nắm bắt kỹ tình hình an ninh trật tự của khu dân cư để có hướng chuẩn bị nội dung, hình thức TTPBGD pháp luật phù hợp.
Đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là TTPB các văn bản luật liên quan đến đời sống thiết thực của Nhân dân như các luật: Hôn nhân và gia đình; Phòng, chống ma túy; Giao thông đường bộ; Đất đai; Lâm nghiệp...
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, đội ngũ BCV, TTV pháp luật của xã đẩy mạnh các hoạt động TTPBGD pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh của xã (bình quân 1 tuần/lần); TTPBGD pháp luật tại 5/7 thôn với 930 người dân tham gia.
Tổ chức trợ giúp pháp lý tại 2 thôn với 375 người tham gia và đã trợ giúp pháp lý cho 10 người. Với sự nhiệt tình, không ngại khó, ngại vất vả về mọi mặt, đội ngũ BCV, TTV pháp luật ở Hướng Hiệp bám cơ sở để làm tốt nhiệm vụ của mình.
Chị Hồ Thị Tám, TTV pháp luật ở thôn Ra Lu, xã Hướng Hiệp chia sẻ: “Địa bàn tôi phụ trách gần 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Do đó, việc TTPBGD pháp luật gặp không ít khó khăn. Buổi ngày người dân đi lao động xa nhà nên khó tiếp cận, chúng tôi vượt qua các đồi dốc, con suối vào ban đêm bằng ánh đèn pin leo lét để đến từng nhà, tuyên truyền miệng giúp bà con nắm bắt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước kịp thời; vận động các gia đình giáo dục con em trong độ tuổi thanh thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; đến trường học tập chuyên cần... Với phương châm tuyên truyền “Mưa dầm thấm lâu”, người dân trong thôn ngày càng hiểu và chấp hành tốt pháp luật”.
Ngay từ đầu mỗi năm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan và UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt các quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BTP, ngày 22/7/2016 của Bộ Tư pháp quy định về BCV, TTV pháp luật.
Tập trung xây dựng, kiện toàn đội ngũ BCV, TTV pháp luật. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 20 BCV cấp huyện; 158 TTV cấp xã, thị trấn. Hằng năm, đội ngũ này được tham gia các lớp bồi dưỡng do cấp trên tổ chức, nhờ đó, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền.
Họ cũng là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu pháp luật, có trách nhiệm và tâm huyết với công việc TTPBGD pháp luật nên đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật và chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân, bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin pháp luật của người dân cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Phòng Tư pháp huyện cũng đã chủ động xây dựng, tập hợp các tài liệu TTPBGD pháp luật cung cấp cho BCV, TTV pháp luật. Đội ngũ BCV, TTV luôn cập nhật kịp thời các văn bản pháp luật mới, những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm để chuyển tải một cách đầy đủ, chính xác tới cộng đồng dân cư; hình thức chuyển tải đa dạng, sáng tạo, phù hợp với các nhóm đối tượng, địa bàn.
Bà Hồ Thị Thủy, người dân ở thôn Ra Lu, xã Hướng Hiệp cho biết: “Đội ngũ BCV, TTV pháp luật ở xã, thôn rất nhiệt tình, không kể ngày nắng, đêm mưa họ đến tận từng nhà dân giúp chúng tôi nắm bắt kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó chúng tôi được nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự ở các khu dân cư luôn ổn định, người dân đoàn kết, chung tay xây dựng đời sống ngày càng tiến bộ”.
Riêng từ năm 2020 đến nay, đội ngũ BCV, TTV pháp luật trên địa bàn huyện đã tham gia hơn 230 đợt TTPBGD pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào các nội dung như: tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả để vươn lên thoát nghèo bền vững; chung tay xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực như: ủng hộ ngày công lao động, hiến đất, vật kiến trúc xây dựng các công trình phúc lợi; thực hiện nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư; phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe; phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...
Trưởng Phòng Tư pháp huyện Đakrông Hoàng Công Đạt cho biết: “Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện thường xuyên kiện toàn, xây dựng đội ngũ BCV, TTV pháp luật tâm huyết, có năng lực chuyên môn tốt.
Tạo điều kiện thuận lợi về thời gian cho đội ngũ này trong việc nghiên cứu, biên soạn tài liệu để nâng cao chất lượng hoạt động, TTPB pháp luật. Đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền miệng phù hợp với từng vùng, từng đối tượng cụ thể, phát huy hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền miệng. Nghiên cứu, xây dựng mức thù lao cho hoạt động của BCV, TTV pháp luật tương xứng với nhiệm vụ”.