Làm trong sạch thị trường xăng dầu: Cần quyết liệt hơn
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, đã có 5 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được trả lại giấy phép sau khi bị tước có thời hạn vì một số vi phạm.
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện trên cả nước chỉ có 4 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa bán nhỏ giọt. Trong khi mạng xã hội tung tin nhiều cửa hàng đóng cửa là hoàn toàn sai sự thật.
Trước đó, Bộ Công Thương đã thông tin về các doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu trên website "Công khai minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu". Những doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị tước giấy phép là bởi thiếu điều kiện kinh doanh xăng dầu, như thiếu cửa hàng sở hữu và cửa hàng chung, thiếu đại lý hoặc thiếu kho, cầu cảng, phương tiện vận tải theo quy định đăng ký...
Các doanh nghiệp bị tước giấy phép gồm: Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 2 tháng kể từ ngày 26/7/2022); Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 18/7/2022).
Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 13/7/2022); Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 28/7/2022); Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 19/7/2022).
Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 7/7/2022); Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 12/7/2022).
Đáng chú ý, trong số 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép, thì Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm đã từng bị tước giấy phép hoạt động xăng dầu vào tháng 4 năm ngoái do liên quan đến vụ buôn lậu xăng dầu.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường tại cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì ngày 26/8 cho biết: Vừa qua, Tổng cục cũng đã chủ trì đoàn thanh tra 23 doanh nghiệp đầu mối và tước giấy phép 7 đơn vị. Đến hôm nay 29/8, đã trả giấy phép xuất nhập khẩu cho 5/7 doanh nghiệp. Dự kiến đến ngày 14/9 thì sẽ tiếp tục trả lại giấy phép cho 2 doanh nghiệp còn lại.
Động thái tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu của 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vừa qua của Bộ Công Thương thể hiện sự quyết liệt làm trong sạch thị trường trong nước. Nhưng liệu sự quyết liệt này có "nương nhẹ" đối với Công ty Phúc Lâm, doanh nghiệp liên tiếp vi phạm pháp luật trong thời gian qua?