Làm tua giúp bà con thoát nghèo

Để quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và bản sắc văn hóa đồng bào Xơ Đăng, chị Y Gia Nhi (SN 1995, trú xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) đã phát triển các tua du lịch trải nghiệm. Không chỉ góp phần phát triển du lịch tại địa phương, chị còn giúp bà con Xơ Đăng kiếm thêm thu nhập từ 1-3 triệu đồng/tháng từ nhiều loại hình dịch vụ đi kèm.

Những năm qua, xã Đăk Na trở thành địa điểm tham quan của nhiều du khách với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh, thác Siu Puông tráng lệ và đồi săn mây. Không những thế, đây còn là nơi lưu giữ kho tàng văn hóa vô giá của đồng bào Xơ Đăng.

Nhận thấy được tiềm năng to lớn về du lịch trải nghiệm, chị Y Gia Nhi đã cùng thanh niên trong làng phát triển, thiết kế các tua du lịch. Chị Nhi cho biết, từng có cơ hội được ra nước ngoài và học hỏi nhiều cái hay trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, cơ duyên làm du lịch đến với chị lại vô cùng bất ngờ và từ đó gắn bó trong suốt 2 năm qua.

Chị Y Gia Nhi (bên trái) phát triển mô hình du lịch độc đáo, quảng bá hình ảnh địa phương

Chị Y Gia Nhi (bên trái) phát triển mô hình du lịch độc đáo, quảng bá hình ảnh địa phương

“Mặc dù sinh ra, lớn lên và hiểu rõ về thiên nhiên tại xã Đăk Na, nhưng mình chưa bao giờ có ý tưởng phát triển các mô hình du lịch tại đây. Cho đến khi thấy chính quyền bắt đầu phát triển và quảng bá hình ảnh của thác Siu Puông, mình bắt đầu lóe lên ý tưởng tự thiết kế tour dẫn khách tham quan cảnh đẹp địa phương”, chị Nhị chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết, mỗi năm, địa phương đón hơn 1.000 lượt khách đến tham quan thác Siu Puông. Nhờ có mô hình phục vụ du lịch của chị Y Gia Nhi, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa của người Xơ Đăng được nhiều du khách biết đến và yêu thích. Trong thời gian tới, xã sẽ xây dựng làng du lịch cộng đồng thôn Lê Văng để kết hợp tua đi tham quan thác Siu Puông. Việc người trẻ làm du lịch góp phần tăng thu nhập cho người dân, qua đó đóng góp vào sự giảm nghèo chung trên địa bàn xã.

Bắt tay ngay vào việc, chị lên mạng tìm hiểu về cách thiết kế tua; xây dựng các kênh quảng bá; kết nối với các công ty du lịch, người dân xung quanh,... để hiện thực hóa ý tưởng của bản thân. Từ một người tay ngang bước vào nghề, chị tích lũy kinh nghiệm từ những lần hướng dẫn du khách đi tham quan.

Chị Nhi kể, ban đầu chỉ dẫn tua khoảng 5 người, dần lên 20 người, đến nay đã tự tin nhận đoàn khách lên tới 100 người. Không những thế, chị còn liên kết với khoảng 60 người đồng bào Xơ Đăng trong xã để lập các đội xe thồ; đội ẩm thực; đội cồng chiêng phục vụ du khách.

Với nhiều chính sách hỗ trợ của chính quyền, chị cùng người dân xây dựng thêm nhiều mô hình mới như dã ngoại, cắm trại, leo núi, săn mây, ngắm vườn dược liệu quý và giới thiệu văn hóa độc đáo của bà con Xơ Đăng. Dần dần, du khách tìm đến tua trải nghiệm của chị ngày càng nhiều và tạo ra công ăn việc làm ổn định cho người dân.

“Trung bình thu nhập của bà con mỗi tua 300.000 đồng/người. Tùy theo mùa, mỗi tháng bà con có thêm thu nhập từ 1-3 triệu đồng. Bà con thu tiền từ việc chở khách lên thác, phục vụ các bữa ăn, văn nghệ… Ngoài việc mang lại thu nhập cho bà con, điều mình vui là được tự tay quảng bá vẻ đẹp du lịch, bản sắc văn hóa của địa phương, của đồng bào Xơ Đăng đến du khách trên cả nước”, chị Nhi cho biết.

Đối với chị Nhi, làm du lịch phải xuất phát từ cái tâm và mong muốn mang lại những trải nghiệm khó phai cho những du khách. Vì vậy từng địa điểm tham quan, chụp hình, tổ chức ăn uống đều được chị lên kế hoạch bài bản, không để phật lòng bất kỳ một du khách nào. Điều này giúp tua du lịch của chị được nhiều đoàn khách yêu thích, từ đó họ tự kết nối với các đoàn khách mới để quảng bá du lịch tại địa phương.

NGUYÊN LÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lam-tua-giup-ba-con-thoat-ngheo-post1719079.tpo