Làm văn thế nào để đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10?
Trong đề thi tuyển sinh lớp 10, chương trình tập làm văn lớp 9 chiếm điểm số khá cao. Muốn làm tốt phần này, thí sinh cần nắm được phương pháp và kĩ năng làm các dạng bài nghị luận.
Theo lịch đã công bố, tháng 6 là thời điểm nhiều địa phương trên cả nước sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, trong đó Ngữ văn là bài thi bắt buộc. Trao đổi với VOV.VN về phương pháp làm bài thi môn Ngữ văn, cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên bộ môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, nghị luận là đơn vị kiến thức trọng tâm trong chương trình tập làm văn lớp 9. Có 2 dạng nghị luận mà học sinh cần lưu ý là nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Phần này thường chiếm từ 6 đến 8 điểm tùy địa phương.
Lưu ý khi làm dạng bài nghị luận xã hội
Cô Phượng cho biết, các dạng bài nghị luận xã hội nhìn chung đều vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, bình luận. Trong đó, ba thao tác giải thích, chứng minh và bình luận là thường được sử dụng nhất.
“Tùy mỗi địa phương, yêu cầu về hình thức phần nghị luận xã hội sẽ khác nhau. Phần lớn sẽ là viết đoạn văn hoặc bài văn ngắn (độ dài một trang giấy thi). Để làm đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần bám sát yêu cầu đề để xác định trọng tâm đoạn văn”, cô Phượng chia sẻ.
Ví dụ, đề nghị luận xã hội vào 10 năm 2020 tại Thanh Hóa là: “Từ nội dung đoạn trích phần Đọc - hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày về sự cần thiết của việc vươn lên từng ngày ở mỗi người”. Với đề bài này, học sinh cần xác định được trọng tâm của đề là sự cần thiết của việc vươn lên từng ngày ở mỗi người.
Trong chương trình tập làm văn lớp 9, dạng bài văn nghị luận xã hội được chia làm ba loại nhỏ, nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí, nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống và nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học. Khi đọc đề, thí sinh cần xác định được loại bài nghị luận xã hội vì mỗi loại sẽ có một cách làm khác nhau.
Cụ thể, đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí sẽ thiên về những vấn đề mang tính lí thuyết, như tình mẫu tử, tình đồng bào, tính trung thực, lòng dũng cảm, mục đích sống… nên các thao tác giải thích, phân tích, bình luận sẽ sử dụng nhiều.
Đề nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống lại hướng vào những vấn đề thực tiễn như bạo lực gia đình, vi phạm luật giao thông, các hoạt động từ thiện, bệnh thành tích… Chính vì vậy, dạng bài này đề cao dẫn chứng. Do đó, học sinh cần lấy dẫn chứng tiêu biểu, phổ biến và biết cách phân tích dẫn chứng để đưa vào bài. Tránh tình trạng lấy dẫn chứng tràn lan, sa đà vào kể chuyện hoặc lấy dẫn chứng theo kiểu liệt kê mà không phân tích dẫn chứng.
“Dạng nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học thường được đưa vào các đề thi, tuy nhiên các em cần lưu ý, đó vẫn là đề nghị luận xã hội, không phải đề nghị luận văn học, nên không được sa đà vào phân tích tác phẩm. Đối với dạng đề này, học sinh phải biết mở đoạn bằng cách dẫn dắt vấn đề từ nhân vật trong tác phẩm/đoạn trích (ngữ liệu)”, cô Phượng nhấn mạnh.
Phương pháp làm dạng bài nghị luận văn học
Với phần nghị luận văn học, cô Đỗ Khánh Phượng cho rằng đây là dạng bài có số điểm cao nhất trong các đề thi vào 10. Tùy đề thi tại mỗi địa phương mà học sinh sẽ viết bài văn hoặc đoạn văn.
Dù là đoạn văn hay bài văn, học sinh cũng cần xác định đúng vấn đề cần nghị luận. Đây là khâu quan trọng trong quá trình làm bài, nếu các em không xác định được vấn đề nghị luận, bài viết sẽ lan man, không có trọng tâm, thiếu ý hoặc lạc đề.
“Muốn làm tốt phần này, các em nên triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng”, cô Phượng nêu rõ.
Với nghị luận về truyện, các đề thường thiên về cảm nhận nhân vật văn học. Các đề nghị luận về thơ thường thiên về cảm nhận một đoạn thơ. Yêu cầu cơ bản để làm được nghị luận văn học là phải nắm được hoàn cảnh sáng tác, chủ đề, nội dung chi tiết và các đặc điểm nghệ thuật cụ thể của mỗi tác phẩm.
Bên cạnh đó, để đạt điểm cao, cô Phượng lưu ý học sinh phải biết sử dụng thao tác lập luận so sánh với những văn bản có cùng chủ đề để có thể mở rộng, đào sâu vấn đề cần nghị luận, có như thế bài làm mới ấn tượng./.