Làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, cần đóng BHXH tại Việt Nam không?
Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động vẫn phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.
Tôi đang làm việc tại Nhật Bản trong một công ty công nghệ và đã sinh sống ở đây hơn ba năm, có tham gia bảo hiểm xã hội tại Nhật. Xin hỏi tôi có cần đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam khi đang làm việc ở nước ngoài không?
Bạn đọc Trọng Phú (Nhật Bản)
Trả lời vấn đề trên, luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Căn cứ điểm g khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Luật sư ĐÀO THỊ BÍCH LIÊN
Đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hưởng các quyền lợi về Bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
- Hưởng tiền lương, tiền công, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động và quyền lợi, chế độ khác theo hợp đồng lao động; chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập, tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
- Không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần;
- Nộp thuế, tham gia bảo hiểm xã hội, hình thức bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động.
Về phương thức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo điểm b khoản 2 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
- Phương thức đóng được thực hiện 3 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Người lao động có thể đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú của mình trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Trường hợp đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thu, nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động và đăng ký phương thức đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo phương thức quy định tại Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hoặc truy nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội sau khi về nước.
Như vậy người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động vẫn phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Việt Nam và sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi và chế độ bảo hiểm xã hội giống như người lao động trong nước.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi làm việc ở nước ngoài sẽ được cộng dồn vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trong nước, giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động trong suốt quá trình làm việc.
Do đó, việc nắm rõ quy định về đóng bảo hiểm xã hội và phương thức thực hiện là rất quan trọng để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động.