Làm việc với cơ quan Tư pháp trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Sáng 5.10, tại hội trường Tỉnh ủy, các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái, Hoàng Thị Thanh Thúy, Huỳnh Thanh Phương, Trần Hữu Hậu có buổi làm việc với cơ quan Tư pháp trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Bà Hoàng Thị Thanh Thúy- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh thông tin tóm tắt dự kiến nội dung kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra vào ngày 20.10.2021 đến ngày 13.11.2021, chia làm 2 đợt: họp trực tuyến và họp tập trung.
Kỳ họp thông qua 2 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 5 dự án Luật khác, xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH…
Tại hội nghị, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Nguyễn Văn Dựa nêu ý kiến cho biết, một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bất cập về người tham gia tố tụng. Về nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm sát viên theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, vẫn còn một số kiểm sát viên thực hiện quyền công tố tại Tòa án chưa thực hiện tranh luận tại tòa. Một số quy định chưa được hướng dẫn cụ thể, kịp thời nên việc nhận thức, áp dụng giữa các cơ quan tố tụng còn khác nhau, như các điều khoản áp dụng tội phạm về lĩnh vực ma túy có thay đổi nhiều, nhưng chưa có Nghị quyết hướng dẫn cụ thể…
Đại tá Lý Hồng Sinh- Phó Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ về bất cập trong chất lượng làm luật hiện nay, một số điều luật gần giống nhau, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Một số luật sư tham gia trong vụ án hình sự ở giai đoạn điều tra còn gây cản trở cho cơ quan chức năng.
Đại diện Công an tỉnh cũng kiến nghị thành lập các cơ quan giám định ở một số lĩnh vực (phía Nam) để quá trình tố tụng nhanh chóng, kịp thời. Thủ tục thi hành án tử hình còn khó khăn, kéo dài nhiều năm, đại diện Công an tỉnh kiến nghị cần nhanh chóng giải quyết.
Ông Lê Hữu Chiến- Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, trong quá trình xét xử khoảng 2 năm gần đây, loại tội phạm liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em, đánh bạc và tổ chức đánh bạc, ma túy… chiếm tỷ lệ cao; tội phạm về ma túy, có vướng mắc trong khung hình phạt về tội mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy…
Về giải quyết án hành chính mang tính chất đặc thù, gặp khó khăn, do sự hợp tác, chấp hành quy định về thời hạn cung cấp tài liệu, chứng cứ của các cơ quan hành chính rất chậm. Do đó, TAND tỉnh kiến nghị sửa Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính cho phù hợp.
Hiện cơ sở vật chất của một số TAND cấp huyện không đáp ứng được nhu cầu xét xử, hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đề nghị TAND tối cao xem xét cấp kinh phí để sửa chửa, xây dựng. TAND tỉnh kiến nghị tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là trong giải quyết án hành chính để tiết kiệm chi phí.
Ông Trần Văn Cưng- Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết, hiện lượng việc phải thi hành án rất lớn (trung bình mỗi chấp hành viên thụ lý gần 400 việc) trong khi biên chế công chức, đội ngũ chấp hành viên có hạn nên luôn quá tải, do đó cần có cơ chế đặc thù tuyển dụng biên chế phù hợp.
Một số quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21.6.2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn mâu thuẫn với Luật Thi hành án dân sự và một số luật khác, nên cần sửa đổi phù hợp, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Một số trụ sở của Chi cục THADS cấp huyện xuống cấp, không có kho vật chứng, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, kiến nghị ngành cấp trên quan tâm…
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề xuất cần quy định cụ thể về tội chống người thi hành công vụ, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…
Kết luận hội nghị, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kiến nghị, phản ánh của các đại biểu.