Làm việc xuyên Tết trên công trình đường dây 500kV cấp điện miền Bắc
Hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân sẽ làm việc 'xuyên lễ, xuyên Tết' Giáp Thìn 2024 để đưa toàn bộ tuyến đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV mạch 3 cung đoạn Bắc - Trung (từ Quảng Trạch, Quảng Bình đến Phố Nối, Hưng Yên) hoàn thành trong tháng 6, góp phần đảm bảo cấp điện miền Bắc cao điểm mùa khô năm 2024.
Để đáp ứng tiến độ của Chính phủ cũng như các chủ đầu tư thì nhà thầu Xây lắp 4 sẽ thực hiện thi công xuyên Tết, xuyên lễ và đảm bảo an toàn tiến độ, đáp ứng theo đúng chủ trương của chủ đầu tư cũng như các ban, ngành. Tết cổ truyền của Việt Nam thì trong tâm thế ai cũng hướng về ngày nghỉ lễ, Tết nhưng vì công việc chung nên cũng động viên tất cả toàn thể cán bộ công nhân viên thi công tại công trường ngày Tết, thì cũng vì công việc, để hoàn thành mục tiêu mà lãnh đạo công ty đã đề ra, đảm bảo làm sao cho an toàn tuyệt đối và đảm bảo chất lượng, tiến độ…
Đó là chia sẻ của kỹ sư Vũ Quang Quyết (Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4) đang triển khai thi công tại vị trí số 1A, từ sân phân phối 500kV Quảng Trạch - Vũng Áng đến vị trí số 11 của Gói thầu số 9, Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu thuộc tuyến đường dây 500kV Bắc – Trung này.
Trên công trường, ngay trước vị trí đang thi công là khẩu hiệu “Chỉ bàn làm, không bàn lùi. Vượt nắng, thắng mưa. Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, thi công 3 ca, 4 kíp, làm việc xuyên lễ, xuyên Tết”. Theo ông Bùi Quang Cảnh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4 - đơn vị đã trúng thầu 12/93 gói thầu xây lắp của toàn tuyến đường dây siêu cao áp 500kV Quảng Trạch - Phố Nối. Vì thế, để đảm bảo tiến độ đã ký kết với chủ đầu tư, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn này chỉ riêng Xây lắp 4 đã có khoảng 300 cán bộ, công nhân bám trụ, làm việc trên công trường.
Ông Bùi Quang Cảnh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4, cho biết: "Riêng xây lắp 4 bố trí tất cả các gói thầu mà XL4 tham gia thi công, thì cũng bố trí phân công lãnh đạo cũng như tổng thể cán bộ nhân viên tham gia làm xuyên Tết. Thì chúng tôi cũng khoảng 2-3 trăm người. Những vị trí mà mình có điều kiện làm thì tranh thủ thời gian làm xuyên Tết để đảm bảo tiến độ. Để thực hiện được việc này thì ban lãnh đạo đã giao cho công đoàn làm công tác tuyên truyền, vận động cũng như động viên tinh thần người lao động, và có chế độ đặc biệt để người lao động có thể yên tâm làm việc, không những là người lao động làm việc được mà gia đình của họ cũng đảm bảo cuộc sống..."
Cùng với tiến độ, để đảm bảo chất lượng của công trình thì trên công trường cũng phải luôn có đầy đủ các đơn vị tư vấn, giám sát, ban tiền phương/chủ đầu tư… Với thời gian rất ngắn, từ lúc đồng loạt khởi công đến khi hoàn thành theo yêu cầu chỉ hơn 6 tháng - là chưa từng có tiền lệ đối với việc xây dựng một đường dây siêu cao áp 500kV hiện đại. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đổi mới cách làm theo hướng phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể liên quan, đồng thời, phân định rõ từng phần việc mà các chủ thể, địa phương, doanh nghiệp, nhà thầu phải làm.
Kỹ sư Bùi Xuân Thái - Phó Trưởng phòng kỹ thuật, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (Trưởng Ban tiền phương số 1) phụ trách tại địa bàn thi công dự án Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, cho biết: "Hiện nay công tác phối hợp từ nhà thầu thi công cho đến Ban quản lý dự án cũng đã triển khai với địa phương để phối hợp để bàn giao mặt bằng nhanh nhất. Và khi có mặt bằng thì ban quản lý dự án điện miền Trung cũng đã phối hợp với nhà thầu để triển khai ngay công tác thi công các vị trí móng. Hiện nay công đoạn của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng đã bàn giao xong 3 vị trí móng và triển khai ngay công tác thi công cho 3 vị trí móng này. Với chức năng, nhiệm vụ của ban tiền phương thì theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, làm không kể giờ giấc ngày đêm gì hết, tất cả mọi công việc được thực hiện kịp thời khi có mặt bằng được giải tỏa…
Từ thực tế kinh nghiệm thi công xây lắp nhiều công trình truyền tải điện quốc gia trong hơn 30 năm qua, ông Bùi Quang Cảnh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4 nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng tới tiên độ của đường dây, bởi chiều dài toàn tuyến gần 520km, có tới 1179 vị trí móng cột, đi qua địa bàn 211 xã, phường của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh (gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên), khối lượng công việc là không hề nhỏ.
"Với kinh nghiệm của xây lắp 4 là một trong những công ty chuyên ngành về xây lắp điện. Chúng tôi đã thi công rất nhiều công trình từ 500kV mạch 1, mạch 2 và mạch 3 và nhiều dự án 220kV - thì khó khăn nhất của xây lắp điện của các tuyến đường dây là khó khăn về công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Nếu chúng ta làm tốt được công tác này thì tổng tiến độ thì chúng ta sẽ đảm bảo được. Để làm được việc này thì phải có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành cũng như là chủ đầu tư là EVN, NPT cũng như các Ban A bám sát với các địa phương, các tỉnh, chính quyền các tỉnh, huyện, xã có đường dây đi qua. Làm sao có sự phối kết hợp thật tốt nhất để chúng ta gắn kết được, động viên được bà con giao mặt bằng sớm nhất để chúng ta đưa vào thi công…", ông Bùi Quang Cảnh nói.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch, Quảng Bình đến Phố Nối, Hưng Yên là dự án có vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia. Việc hoàn thành đúng tiến độ trong tháng 6/2024 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao năng lực lưới điện truyền tải, góp phần đảm bảo điện khu vực miền Bắc trong các thời gian cao điểm của mùa khô. Vì vậy, với khoảng thời gian không nhiều, đòi hỏi rất cần có sự vào cuộc đồng bộ, khẩn trương của các bộ, ngành, cả hệ thống chính trị, các tỉnh, địa phương có đường dây đi qua. Và đặc biệt là sự tham gia bám trụ, làm việc xuyên lễ, xuyên Tết của người lao động thi công xây dựng trên công trường.