Lâm Xuyên phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa
Chăn nuôi lợn lâu nay là sinh kế chính của người dân xã Lâm Xuyên (Sơn Dương). Tuy nhiên, trong bối cảnh người chăn nuôi liên tiếp lao đao vì lợn bị dịch bệnh, giá cả không ổn định thì nhiều hộ dân trong xã đã chuyển sang chăn nuôi đại gia súc mang lại thu nhập cao.
Trước đây, người dân xã Lâm Xuyên đã chăn nuôi trâu, bò, nhưng chủ yếu để lấy sức kéo, quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế chưa cao. Người dân chưa chú trọng tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi, chưa mở rộng đồng cỏ nên đàn trâu, bò phát triển chậm.
Nhưng hiện nay đã khác, các gia đình đã đầu tư vốn lớn, quy hoạch chuồng trại, khu trồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò quy mô lớn, hiệu quả mang lại đã rõ nét. Gia đình bà Đinh Thị Thanh, thôn Phú Thọ 1 đang chăn nuôi 60 con bò sinh sản. Trước đây, gia đình bà Thanh cũng chăn nuôi bò, lợn và gia cầm nhưng quy mô nhỏ nên hiệu quả kinh tế không cao. Để tăng thu nhập và làm giàu, đầu năm 2019, gia đình bà đầu tư gần 700 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 60 con bò sinh sản và 1 con bò đực giống về nuôi. Đến nay, sau 10 tháng nuôi đàn bò tăng lên 70 con. Trung bình mỗi con bò sinh sản 1 lứa/năm, sau 6-7 tháng, bê con có thể xuất bán đạt 12-15 triệu đồng/con. Để chủ động nguồn thức ăn xanh cho đàn vật nuôi, gia đình bà thuê đất trồng 5 mẫu cỏ VA06, 2 mẫu ngô và tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cây ngô… ủ chua để dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi trong mùa đông. Bà Thanh tiêm phòng vắc - xin định kỳ cho vật nuôi, nhờ đó đàn bò của gia đình bà luôn khỏe mạnh.
Gia đình anh Nguyễn Kim Hoàng, thôn Quyết Thắng lại chọn hướng phát triển kinh tế từ nuôi trâu, bò vỗ béo. Anh Hoàng cho biết, năm 2015 gia đình anh thua lỗ hơn 100 triệu từ nuôi lợn. Năm 2017 gia đình anh cải tạo lại khu chuồng chăn nuôi lợn trước kia để nuôi 40 con trâu, bò vỗ béo mỗi lứa, trồng 1 ha cỏ VA06 cho trâu bò ăn. Nhờ giá cả ổn định, mỗi năm gia đình anh thu lãi hơn 200 triệu đồng từ nuôi trâu, bò vỗ béo.
Từ hiệu quả của các mô hình trên, phong trào chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn xã Lâm Xuyên được nhân rộng. Hiện trên địa bàn xã có khoảng 10 hộ gia đình đã phát triển đàn trâu, bò từ 10 con trở lên, hầu hết chăn nuôi theo hình thức sinh sản và vỗ béo, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn. Hiện tổng đàn trâu 529 con, đàn bò hơn 291 con. Mỗi năm người dân trên địa bàn xã xuất bán từ 200 - 250 con trâu, bò mang lại doanh thu khoảng hơn 2 tỷ đồng.
Bà Dương Thị Phương Nhung, Chủ tịch UBND xã Lâm Xuyên cho biết, xã xây dựng đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương nằm dọc sông Lô có diện tích soi bãi hơn 30 ha để trồng ngô, đỗ, lạc bảo đảm nguồn lương thực và tận dụng làm thức ăn cho đàn gia súc. Tính đến tháng 10, xã đã trồng được hơn 40 ha ngô đông, trong đó có 29 ha ngô soi bãi và 11 ha ngô trên ruộng. Nét mới trong chăn nuôi đại gia súc ở Lâm Xuyên là người dân chuyển từ hình thức chăn thả sang xây dựng chuồng trại kiên cố nuôi nhốt chuồng; diện tích soi bãi được phủ kín màu xanh của cây ngô, cỏ phục vụ chăn nuôi.
Để phát triển chăn nuôi đàn đại gia súc theo hướng hàng hóa, trong thời gian tới, xã Lâm Xuyên tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân đầu tư phát triển kinh tế. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền người dân chăm sóc đàn gia súc, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh để nâng cao hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi.