Lấn cấn chuyện phải nộp tiền khi chưa được sử dụng mặt biển

Theo UBND tỉnh Cà Mau, việc nhà đầu tư phải trả tiền thuê khu vực biển trong lúc chờ cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh pháp nhân sử dụng khu vực biển là rất bất cập, vướng mắc…

Hơn một năm qua, Công ty TNHH XD-TM-DL Công Lý (Công ty Công Lý) ở Cà Mau liên tục có công văn, tờ trình yêu cầu Nhà nước xem xét lại việc buộc công ty này nộp 26 tỉ đồng tiền thuê khu vực biển để làm dự án điện gió. “Quyết định giao khu vực biển của Bộ TN&MT ràng buộc thêm các điều kiện khiến chúng tôi chưa thể sử dụng được khu vực biển. Thế nhưng ngành thuế ép chúng tôi nộp tiền thuế là điều không hợp lý” - ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý, phản ánh.

Chưa cho sử dụng vẫn thu thuế

Trước đó, năm 2016, Công ty Công Lý hoàn tất các thủ tục xin đầu tư nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Trên cơ sở này, Bộ TN&MT có Quyết định 2115/2016 giao khu vực biển có diện tích 1968,8 ha cho Công ty Công Lý làm dự án điện gió.

Tại quyết định trên, Bộ TN&MT ấn định tiền thuê khu vực biển là 3 triệu đồng/ha/năm, thời hạn 30 năm. Thời gian tính tiền cho thuê bắt đầu từ ngày 14-9-2016. Căn cứ quyết định này, thời gian qua Cục Thuế tỉnh Cà Mau liên tục có thông báo, thông báo chậm nộp tiền thuê khu vực biển đến Công ty Công Lý. Đến đầu năm 2021, Cục Thuế tỉnh Cà Mau có thông báo số tiền Công ty Công Lý nợ lên đến gần 24 tỉ đồng (đến nay là gần 26 tỉ đồng - pv).

Theo ông Tô Hoài Dân, tại quyết định giao mặt nước cho công ty, Bộ TN&MT nêu rõ là trước khi sử dụng khu vực biển phải được bộ này kiểm tra thực địa. Tức là nếu Bộ TN&MT chưa kiểm tra thực địa, bàn giao ranh mốc mà công ty sử dụng là sai.

“Tôi đã nhiều lần có văn bản đề nghị được giao mốc, được kiểm tra thực địa để đưa diện tích thuê vào sử dụng. Nhưng công ty vẫn không được giao mốc, không được kiểm tra thực địa như quy định nên chúng tôi không dám sử dụng cho đến hôm nay. Không được sử dụng mà buộc chúng tôi phải chịu tiền thuê là vô lý” - ông Dân nói.

Vì lý do trên, Công ty Công Lý mới chỉ tạm nộp 10 tỉ đồng và có văn bản nói rõ nộp vẫn nộp nhưng khiếu nại vẫn khiếu nại. “Chưa bàn giao mốc giới trên thực địa làm sao tôi biết đường mà sử dụng. Hơn nữa, quyết định giao khu vực biển nêu rõ tôi chỉ được sử dụng sau khi Bộ TN&MT kiểm tra thực địa. Với hai yếu tố này, tôi mà sử dụng thì vi phạm pháp luật. Đã vậy thì buộc tôi trả tiền thuê khu vực biển cho thời gian qua là vô lý quá” - đại diện công ty cho biết thêm.

Công ty Công Lý vẫn chưa sử dụng một phần diện tích mặt biển nào trong 1.968,8 ha được giao trên giấy. Ảnh: TRẦN VŨ

Công ty Công Lý vẫn chưa sử dụng một phần diện tích mặt biển nào trong 1.968,8 ha được giao trên giấy. Ảnh: TRẦN VŨ

Thu đúng nhưng còn… bất cập

Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Nguyễn Thành Sua, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Theo quy định hiện hành, thời điểm tính tiền thuê là ngày có quyết định giao khu vực biển. Chúng tôi căn cứ vào đó mà thu tiền thuê khu vực biển đối với Công ty Công Lý. Công ty Công Lý đang thắc mắc về việc giao mốc. Cái đó thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác. Khi nào có văn bản của cơ quan thẩm quyền thì chúng tôi sẽ căn cứ vào đó mà giải quyết tiếp, theo đúng quy định pháp luật”.

Thừa lệnh của chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh này, cũng đã trả lời PV quanh vấn đề trên.

Theo ông Thánh, UBND tỉnh Cà Mau xác định Cục Thuế tỉnh tiến hành thu tiền thuê khu vực biển là đúng quy định pháp luật hiện hành (được quy định cụ thể tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 198/2015 của Bộ Tài chính và Bộ TN&MT). Tức thời điểm tính tiền thuê là ngày có quyết định giao khu vực mặt biển. Tuy nhiên, UBND tỉnh Cà Mau cũng xác định việc thu tiền như trên còn rất bất cập.

Liên quan tới các kiến nghị của UBND tỉnh Cà Mau và Công ty Công Lý về khu vực biển sử dụng làm dự án điện gió Khai Long, Bộ TN&MT vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau và các sở, ngành liên quan. Theo đó, Thứ trưởng Bộ TM&MT Lê Minh Ngân kết luận tỉnh Cà Mau cần đôn đốc Công ty Công Lý nộp đủ tiền thuê và tiền chậm nộp đối với diện tích khu vực biển đã được giao. Kết luận không nhắc lại vấn đề mà Công ty Công Lý nêu rằng chưa được sử dụng mặt biển đã phải nộp tiền.

Ở một diễn biến khác, PV Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với phía Tổng cục Thuế. Đơn vị này ghi nhận thông tin phản ánh của báo và cho biết đã yêu cầu phía Cục Thuế tỉnh Cà Mau có báo cáo vụ việc cụ thể, đồng thời xem xét các thông tin liên quan để sớm có phản hồi cho báo.

Ông Thánh thông tin: Tại Quyết định 2115 giao khu vực biển cho Công ty Công Lý, Bộ TN&MT có quy định rõ sau khi được bộ này kiểm tra thực địa thì Công ty Công Lý mới được sử dụng. Nhưng đến nay việc kiểm tra này vẫn chưa diễn ra. “Bên cạnh đó, tháng 10-2017, Công ty Công Lý chuyển nhượng cổ phần cho một nhà đầu tư mới nắm 51% cổ phần nên có làm tờ trình xin điều chỉnh quyết định giao khu vực biển. Việc xin điều chỉnh này cũng chưa được giải quyết” - ông Thánh cho biết.

Từ đó, UBND tỉnh Cà Mau kết luận rõ tại văn bản trả lời Pháp Luật TP.HCM: “Việc nhà đầu tư phải trả tiền khu vực biển trong khoảng thời gian chờ cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh pháp nhân sử dụng khu vực biển là rất bất cập, vướng mắc, cần được cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết”.•

Không nộp đủ tiền, không kiểm tra, không được sử dụng

Trước kiến nghị của Công ty Công Lý và UBND tỉnh Cà Mau, ngày 5-2-2021, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có Văn bản số 117 phúc đáp. Theo đó, cơ quan này cho rằng do Công ty Công Lý chậm nộp tiền thuê khu vực biển nên chưa kiểm tra thực địa.

Công văn cũng khẳng định khi nào Công ty Công Lý nộp đủ tiền thì mới kiểm tra thực địa. Và theo Quyết định số 2115 giao khu vực biển thì Công ty Công Lý chỉ được sử dụng khu vực biển sau khi được kiểm tra thực địa. Tức không nộp đủ tiền sẽ không được kiểm tra thực địa, mà chưa kiểm tra thực địa thì công ty Công Lý không được sử dụng.

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/lan-can-chuyen-phai-nop-tien-khi-chua-duoc-su-dung-mat-bien-988348.html