'Lận đận' số phận tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn
Dự án Tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn là dự án xây dựng tượng đài đầu tiên và duy nhất của tỉnh Bắc Kạn từ khi tái lập vào năm 1997 đến nay nhằm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tỉnh. Tuy nhiên, vì cách làm 'chưa có chỗ đặt đã đi tạc tượng' cho nên đến nay tượng đài đã tạc xong, chuyển về nhưng vẫn chưa có chỗ đặt. Một phần tượng lắp tạm ra quảng trường, phần chân đế hiện vẫn xếp xó.
Dự án Tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn là dự án xây dựng tượng đài đầu tiên và duy nhất của tỉnh Bắc Kạn từ khi tái lập vào năm 1997 đến nay nhằm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tỉnh. Tuy nhiên, vì cách làm “chưa có chỗ đặt đã đi tạc tượng” cho nên đến nay tượng đài đã tạc xong, chuyển về nhưng vẫn chưa có chỗ đặt. Một phần tượng lắp tạm ra quảng trường, phần chân đế hiện vẫn xếp xó.
Công trình Tượng đài Bắc Kạn (sau được đổi tên thành Tượng đài Chiến thắng) được tỉnh Bắc Kạn đồng ý cho UBND thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn) đầu tư xây dựng từ tháng 12-1999 để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tỉnh. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 48 tỷ đồng. Quy mô dự án gồm hai phần là phần mỹ thuật và phần xây dựng cơ bản.
Năm 2002, UBND thị xã Bắc Kạn đã thực hiện giai đoạn sáng tác phác thảo bước một và được UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 26-9-2002 bao gồm: một nhóm tượng thời kỳ kháng chiến chống Pháp, một nhóm tượng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, một đài chính và một tranh hoành tráng trên chất liệu gốm mầu.
Sau quá trình tuyển chọn, quyết định và phóng mẫu theo tỷ lệ 1/1, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc chuyển chủ đầu tư, ngày 25-1-2005, Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao đã ký kết hợp đồng số 32 với Công ty TNHH Mỹ thuật Hữu Nghị để triển khai các hạng mục công việc thuộc phần mỹ thuật.
Công ty TNHH Mỹ thuật Hữu Nghị đã tiến hành thi công tạc đá, gồm: hai nhóm tượng, một đài chính hình cánh nỏ cao 24m, rộng 24m và một bức tranh gốm cao 4m, rộng 20m. Tổng kinh phí dành cho phần mỹ thuật đã được duyệt là hơn 14 tỷ đồng; giá trị phê duyệt quyết toán là hơn 13 tỷ đồng và chủ đầu tư đã thanh toán đầy đủ cho nhà thầu.
Vấn đề là ở chỗ, sau khi phê duyệt dự án, công tác giải phóng mặt bằng chưa thực hiện, chưa có mặt bằng để lắp, dựng tượng đài, chưa bố trí nguồn vốn thực hiện nhưng chủ đầu tư đã “nhanh nhẹn” ký hợp đồng với nhà thầu thực hiện các hạng mục phần mỹ thuật. Hệ quả, tượng làm xong từ cách đây hơn 10 năm, đến nay vẫn chưa có chỗ lắp, dựng. Tượng đài đưa về, không có chỗ đặt nên phải bảo quản tạm, dần xuống cấp.
Để khắc phục, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo chủ đầu tư lắp đặt hai nhóm tượng và bức tranh gốm tại khuôn viên sân phía trước của nhà văn hóa tỉnh (còn gọi là khu vực quảng trường). Riêng phần hạng mục đài chính, do chưa thống nhất được vị trí lắp dựng, chưa có mặt bằng, chưa bố trí được vốn cho nên phần mỹ thuật của hạng mục này (phần đá đã gia công mỹ thuật xong) giờ “xếp xó” trong Trung tâm văn hóa tỉnh. Không có kinh phí, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Kạn chỉ bố trí được vài triệu đồng mua lưới thép về quây bảo quản số đá đã gia công này.
Tượng đài là quần thể thống nhất cả phần mỹ thuật lẫn xây dựng cơ bản. Dự án này cần phải thi công song song phần xây lắp và phần mỹ thuật thì mới tạo thành quần thể tượng đài hoàn chỉnh. Việc tỉnh Bắc Kạn lắp, dựng hai nhóm tượng và bức tranh gốm ra quảng trường cực chẳng đã cũng chỉ là “chữa cháy”.
Tuy nhiên, việc khắc phục nửa chừng này khiến hai nhóm tượng và bức tranh ở vị trí rất thấp, khó bảo quản, trông coi trong khi chung quanh thì vô số hàng quán trà đá gây phản cảm.
Tối 9-8-2017, một cháu bé đã trèo lên một nhóm tượng, đu lên cánh tay của tượng Kim Đồng làm tay tượng bị gẫy, rơi xuống, khiến cháu bé bị thương, phải khắc phục, sửa chữa lại tượng.Số phận của Tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn thật quá “long đong” khi trước đó, ngày 25-10-2013, vì không có vốn, không có vị trí, mặt bằng, UBND tỉnh Bắc Kạn đã quyết định dừng thực hiện dự án này. Tuy nhiên, vì tượng đài phải là một chỉnh thể thống nhất, toàn diện và không thể tách rời, nếu đặt riêng rẽ sẽ làm giảm ý nghĩa và giá trị cho nên, từ đầu năm 2020 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh kiến nghị UBND tỉnh cho lắp, dựng tượng đài lên vị trí đã được quy hoạch để đặt tượng trước đây tại quả đồi phía đông đường Kon Tum, đoạn điểm giao với đường Hùng Vương, thuộc tổ 4, phường Đức Xuân, TP Bắc Kạn.
Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và đầu tư Bắc Kạn, việc triển khai thực hiện dự án vào thời điểm này là chưa phù hợp. Bởi lẽ, tổng mức đầu tư của dự án là khá lớn, nếu trừ đi phần đã quyết toán, phần còn lại theo đơn giá năm 2008 khoảng 36 tỷ đồng, chưa tính trượt giá vào thời điểm hiện tại. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được dự báo rất khó khăn nên khó có nguồn bố trí cho dự án. Vị trí dự kiến lắp đặt là khu vực đất nền yếu, thường xuyên xảy ra sạt lở, nếu triển khai phải bổ sung phương án phòng, chống với chi phí tương đối lớn.
Ngoài ra, phần mỹ thuật hạng mục đài chính chưa lắp đặt, được xếp bảo quản đã lâu nên chưa thể khẳng định chất lượng có còn bảo đảm để lắp đặt hay không. Vì những lý do này, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn kiến nghị UBND tỉnh dừng thực hiện dự án.
Như vậy, số phận của Tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn nhiều khả năng vẫn tiếp tục long đong, lận đận. Ngày 31-8, UBND tỉnh Bắc Kạn ra văn bản đồng ý giữ nguyên vị trí đặt Tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn tại vị trí đã được quy hoạch trước đây; giao các ngành chức năng đề xuất danh mục dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tổng hợp, xem xét sắp xếp thứ tự ưu tiên.
Trong hoàn cảnh mỗi năm thu ngân sách của tỉnh chưa đến 800 tỷ đồng, thì rõ ràng khoản vốn 36 tỷ đồng là quá lớn đối với Bắc Kạn. Nếu như quá trình thực hiện trước đây theo đúng quy trình, bài bản thì chắc chắn đã không xảy ra việc “tréo ngoe”: tạc tượng khi chưa có chỗ đặt, dẫn tới phải tiếp tục bố trí một khoản vốn lớn để khắc phục như hiện nay mà không rõ liệu quần thể tượng đài có còn bảo đảm chất lượng để vận chuyển, lắp đặt hay không.