Lần đầu có chứng cứ thực địa xác nhận có nước trên Mặt Trăng

Tàu thăm dò Hằng Nga 5 của Trung Quốc đã gửi về chứng cứ thực địa đầu tiên cho thấy có nước trên bề mặt Mặt Trăng. Trước đó, việc xác thực chỉ được thực hiện qua quan sát từ xa.

Tàu thăm dò của Hằng Nga 5 đã phát hiện dấu hiệu của phân tử nước (H2O) hoặc nhóm hóa học gần giống có tên hydroxyl (OH), South China Morning Post đưa tin ngày 8/1. Nghiên cứu mới được công bố một ngày trước trong chuyên san khoa học tiếng Anh Science Advances.

“Đây như thể một ‘chuyến thực địa’ và là cơ hội đầu tiên để phát hiện dấu hiệu của nước với độ phân giải cao ở cự ly gần trên bề mặt Mặt Trăng”, ông Lin Honglei - tác giả nghiên cứu chính thuộc Viện Địa chất và Địa vật lý, Học viện Khoa học Trung Quốc - nói với China Science Daily.

 Tàu thăm dò Hằng Nga 5 từng gửi về Trái Đất các mẫu đất đá. Ảnh: Tân Hoa xã.

Tàu thăm dò Hằng Nga 5 từng gửi về Trái Đất các mẫu đất đá. Ảnh: Tân Hoa xã.

Hằng Nga 5 đã dùng máy quang phổ khoáng vật học để phân tích thành tố hóa học của đá và đất tại địa điểm đổ bộ, từ đó phát hiện mật độ nước trong đất Mặt Trăng vào khoảng chưa đầy 120 phần triệu (ppm), tương đương 120 g trong một tấn đất.

Trong khi đó, mật độ nước trong đá ở vào khoảng 180 ppm. Sự chênh lệch này có thể là vì mẫu đá bắt nguồn từ dưới bề mặt, nơi có nhiều nguồn nước hơn, theo các nhà nghiên cứu.

Nghiên cứu mới nhất được dựa trên nhiều năm nghiên cứu trước đó về nước trên Mặt Trăng. Khi các nhà du hành của tàu Apollo lần đầu trở về từ Mặt Trăng vào năm 1969, vệ tinh tự nhiên này được cho là hoàn toàn không có nước.

Trung Quốc đang dự định tổ chức thêm 2 sứ mệnh nữa trên Mặt Trăng - Hằng Nga 6 và 7 bắt đầu từ năm 2024 - với mục tiêu phân tích hàm lượng và sự phân bố của nước bề mặt Mặt Trăng tại cùng địa điểm, Lin Yangtin, một đồng tác giả nghiên cứu trên, nói.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lan-dau-co-chung-cu-thuc-dia-xac-nhan-co-nuoc-tren-mat-trang-post1288512.html