Lần đầu đón Tết Trung thu xa nhà của bé gái mắc bệnh ung thư máu
'Trung thu này con ước mau khỏi bệnh để về nhà đi học cùng các bạn', Ngọc Diệp, 12 tuổi thủ thỉ bên tai mẹ.
Trong buồng bệnh của khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Vũ Ngọc Diệp (12 tuổi, quê ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) xếp gọn những chú gấu bông và đèn ông sao do các đoàn từ thiện đến tặng vào một góc giường. Hôm nay, Diệp kết thúc truyền thuốc sớm, con có thời gian đọc truyện và không quên thủ thỉ với mẹ về điều ước trong đêm Trung thu.
Năm nay, Diệp không cần đồ chơi, quần áo đẹp, món quà em mong chờ nhất chính là sức khỏe. Đây cũng là điều mà nhiều bệnh nhi đang điều trị nơi đây mong muốn.
Nghe mẹ kể về không khí chuẩn bị đón Trung thu ở quê nhà, đôi mắt Diệp sáng lên những ký ức tuổi thơ. Em đòi mẹ cho xem những bức ảnh các bạn ở quê làm đèn lồng gắn thêm dòng chữ: “Chúc Ngọc Diệp sớm khỏi bệnh”. Vừa xem Diệp vừa ngân ngấn nước mắt vì nhớ bạn bè, thầy cô, đặc biệt là hai em của mình ở quê.
“Nếu không phải đi viện thì giờ này con đang đi tập văn nghệ cùng các bạn trong xóm. Con rất năng nổ trong các hoạt động đoàn đội ở địa phương”, chị Nguyễn Thị Huế (mẹ bé Diệp) kể.
Cách đây 2 tháng, Diệp kêu đau bụng, nghĩ con bị đường tiêu hóa nhẹ, gia đình đưa con đến bệnh viện huyện thăm khám và điều trị. Một tuần trôi qua, triệu chứng bệnh Diệp gặp phải mỗi lúc một nặng, chị Huế đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả xét nghiệm lâm sàng cho thấy con mắc bệnh về máu, cần tìm bệnh viện chuyên sâu để điều trị.
Cuối tháng 8/2024, chị Huế đưa con vào Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Sau hàng loạt xét nghiệm, Diệp được chẩn đoán bạch cầu cấp thể L2 hay còn gọi là Lơ-xê-mi cấp dòng lympho thể L2 (một dạng ung thư máu cấp tính).
Chưa từng nghe tên căn bệnh nhưng người phụ nữ hiểu có điều gì đó rất khủng khiếp đang xảy đến với con gái. Người mẹ ấy ngã quỵ khi tìm hiểu trên mạng được biết đó là bệnh lý máu ác tính.
Nằm viện đã lâu, Ngọc Diệp chưa được mẹ nói rõ về bệnh của mình. Chị Huế luôn né tránh mỗi khi cô bé hỏi, chỉ động viên “con chỉ bị thiếu máu, cố ăn uống tốt sẽ sớm được về nhà”. Những lời nói vụng về của mẹ không rõ cô bé tin hay không nhưng chị Huế thường thấy con im lặng.
Theo phác đồ điều trị, Ngọc Diệp phải truyền hóa chất nhiều đợt. Từ ngày truyền hóa chất, hễ ngửi thấy mùi lạ là Ngọc Diệp lại nôn trớ, người xanh xao, cơ thể đau nhức như có hàng trăm ngàn mũi kim đâm vào xương tủy. Dù vậy,cô bé 12 tuổi vẫn chưa từng có ý định bỏ cuộc. Cứ nôn ra em lại cố gắng ăn bù, không cho phép cơ thể thiếu chất. Ngọc Diệp hiểu chỉ ăn khỏe mới có sức chống chọi với bệnh và sớm được về nhà.
Dù con gái mới nhập viện điều trị song chị Huế cũng dần làm quen với những bữa cơm vội vàng, những tối phải thức thâu đêm để chăm sóc, san sẻ nỗi đau với con. Từ người mẹ chỉ lao động chân tay, nay chị Huế nhớ tên, liều lượng của từng loại thuốc vào cơ thể con.
“Ngọc Diệp bị bệnh, tôi không dám ốm, luôn phải xác định vững tinh thần để đồng hành cùng con, ở đây cha mẹ nào cũng cũng giống như chiến binh vậy, lúc nào cũng tâm niệm mẹ khỏe con mới khỏe", chị Huế nói.
Đợt điều trị này, Diệp chưa có thời gian dự kiến ra viện, chị Huế cũng chưa biết khi nào có thể về nhà, quãng ngày ở viện, người phụ nữ ấy trân trọng từng khoảnh khắc bên con.
Dịp Trung thu năm nay, dù không được cùng các bạn trong xóm rước đèn nhưng Ngọc Diệp cùng các bạn nhỏ đang điều trị tại bệnh viện nhận được rất nhiều món quà từ bệnh viện và các nhà hảo tâm dành tặng. Những chiếc đèn lồng, hộp bánh trung thu sẽ phần nào đó giúp các con lưu giữ những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ.
Theo ThS.BS Nguyễn Quốc Nhật - Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, ung thư máu cấp tính hay còn gọi là Lơ-xê-mi cấp. Đặc trưng của bệnh là sự tăng sinh nhanh chóng các tế bào non ác tính (tế bào blast) trong tủy xương, lan tràn ra máu ngoại vi và tích lũy trong các cơ quan khác. Những tế bào bất thường này không thể chống lại nhiễm trùng và làm suy yếu khả năng tạo ra các tế bào hồng cầu và tiểu cầu bình thường của tủy xương.
Ung thư máu cấp tính thường trải qua nhiều đợt điều trị bao gồm tấn công, củng cố và duy trì. Trong quá trình điều trị tại viện cũng như thời gian ở nhà, bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm kiểm tra định kỳ, đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn chín uống sôi, đủ chất dinh dưỡng.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/giac-mo-dem-ram-cua-be-gai-mac-benh-ung-thu-mau-ar896449.html