Lần đầu huấn luyện can thiệp tim mạch trên tim heo tại Việt Nam
25 bác sĩ đến từ các nước trên thế giới tham gia buổi huấn luyện trực tiếp can thiệp tim mạch trên tim heo lần đầu diễn ra tại Việt Nam.
Diễn ra từ ngày 17 đến 19-1, Hội nghị quốc tế lần thứ 10 về can thiệp tim bẩm sinh do Liên chi hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TP.HCM tổ chức đã thu hút khoảng 200 chuyên gia can thiệp tim bẩm sinh hàng đầu thế giới và 100 chuyên gia lĩnh vực tim mạch nhi khoa trong nước tham dự.
Tại hội nghị diễn ra buổi huấn luyện trực tiếp can thiệp tim mạch trên tim heo vào ngày đầu tiên của hội nghị. Đây là hình thức huấn luyện y khoa khá phổ biến trên thế giới dành cho bác sĩ (BS) can thiệp tim mạch. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên hình thức huấn luyện y khoa diễn ra tại Việt Nam.
Chiều 17-1, có 25 BS đến từ các nước trên thế giới được thực hành trên tim heo thật, do giáo sư Yen Ho, chuyên gia nổi tiếng thế giới về hình thái học tim mạch của Bệnh viện Royal Brompton (Anh) trực tiếp huấn luyện tại chỗ.
Ngoài ra, hội nghị có nhiều điểm nhấn như giới thiệu can thiệp tim thai của Việt Nam qua các ca can thiệp teo van động mạch phổi và hẹp van động mạch chủ ở bào thai, hay sử dụng công nghệ tạo hình 3D tim mạch.
TS-BS Đỗ Nguyên Tín, Chủ tịch Liên chi hội tim mạch nhi và tim bẩm sinh TP.HCM, cho biết chủ đề hội nghị năm nay là “Can thiệp ống động mạch từ A đến Z”.
Theo đó, ống động mạch (PDA) là tình trạng tồn tại ống động mạch ở trẻ sau sinh. Bình thường ống động mạch sẽ tự đóng sau khi trẻ chào đời. Nhưng nếu ống động mạch không đóng lại, nó sẽ gây ra những vấn đề tim mạch cho trẻ và cần được giải quyết.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Hiệp hội Tim Hoa Kỳ tháng 9-2022 ghi nhận PDA là dị tật tim mạch phổ biến nhất ở trẻ sinh non với tần suất mắc tỷ lệ nghịch với tuổi thai. Bằng chứng mới nhất cho thấy hơn 50% trẻ sinh dưới 26 tuần tuổi sẽ bị PDA quá hai tháng sau sinh. Trong số các trẻ sinh đủ tháng, khoảng 1/2.000 trẻ bị PDA, chiếm 5 - 10% tổng số dị tật tim bẩm sinh.
“Trước đây bệnh lý này chủ yếu được điều trị bằng phẫu thuật, nhưng ngày nay bệnh thường được giải quyết bằng can thiệp. So với hơn 10 năm trước, giờ đây can thiệp tim mạch nhi khoa đã phát triển vượt bậc nên PDA cũng được giải quyết khá đơn giản” - BS Tín chia sẻ.
Cũng theo BS Tín, cách đây hơn 10 năm, y khoa Việt Nam chỉ thực hiện đóng ống động mạch. Hiện nay BS Việt Nam đã thực hiện được kỹ thuật khó hơn là mở ống động mạch. Tương tự, hiện nay các BS đã can thiệp được những ống động mạch nhỏ hơn (trẻ sơ sinh, sinh non) trong thời gian sớm hơn.
Mới đây, ê-kíp BS của BV Nhi đồng 1 và BV Từ Dũ cũng thực hiện thành công hai ca thông van tim xuyên tử cung cứu bào thai bị dị tật tim bẩm sinh nặng.
Nhận xét về thành tựu này, chuyên gia tim mạch Dương Hồng Phước (BV nhi đồng Alder Hey - Anh quốc) cho rằng thông van tim bào thai là một trong những kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực tim mạch, đòi hỏi cao về trình độ và kỹ năng chuyên khoa của BS.
“Kỹ thuật này mang lại rủi ro cao, ngay cả ở những nước phát triển, tỉ lệ thành công cũng không cao. Vì thế thành công của hai ca thông van tim bào thai là thành tựu đáng tự hào của y khoa Việt Nam. Từ đó sẽ tạo được nền tảng tốt để thế hệ BS sau này được tiếp cận kỹ thuật tiên tiến, đem lại nhiều hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam” - BS Phước chia sẻ.