Lần đầu tiên các ghế bộ trưởng Anh chủ chốt không có người da trắng
Bà Liz Truss đã giúp nước Anh dẫn đầu châu Âu về sự đa dạng trong giới tinh hoa chính trị, song chuyên gia cho rằng điều này sẽ không tạo ra nhiều thay đổi.
Một người theo học trường trung học tư thục nổi tiếng nhất nước Anh Eton College, một người là luật sư giỏi nhất, và người còn lại có cấp bậc cao trong quân đội.
Lý lịch của những quan chức được tân Thủ tướng Anh Liz Truss bổ nhiệm vào 3 chức vụ nội các hàng đầu là điển hình cho các thế hệ thành công trong đảng Bảo thủ cầm quyền.
Song điều khác biệt là không chiếc ghế nào trong số đó có người da trắng.
Khi xây dựng nội các, bà Truss đã tạo ra một đội ngũ đa dạng nổi bật. Vương quốc Anh cũng có nữ phó thủ tướng đầu tiên.
Ông Sunder Katwala, giám đốc của British Future, viện nghiên cứu tập trung vào nhập cư, hội nhập, chủng tộc và bản sắc, cho biết: “Điều đặc biệt là tốc độ thay đổi. Động thái này đã trở nên bình thường và không gây tranh cãi. Không có ai nói rằng ‘hãy trả lại đất nước cho chúng tôi’”.
Tuy nhiên, dù đa dạng về bản sắc dân tộc, các quan chức thân tín của bà Truss cùng theo đuổi tư tưởng cứng rắn. Và giới chuyên gia cho rằng điều này vẫn gây bất lợi cho các cộng đồng thiểu số ở Anh.
Vỏ bọc
Theo các nhà phê bình, sự đa dạng trong nội các mới khó có thể dẫn đến các chính sách thân thiện hơn với cộng đồng thiểu số hoặc người tị nạn ở Anh.
Thật vậy, một số người cho rằng sự đa dạng trong nội các là vỏ bọc để chính quyền bà Truss theo đuổi các cách tiếp cận cấp tiến hơn, chẳng hạn kế hoạch đưa một số người xin tị nạn đến Rwanda (ở Đông Phi).
Chính sách này hiện thuộc trách nhiệm của bà Suella Braverman, tân Bộ trưởng Nội vụ Anh và người gốc Phi đến từ Kenya.
“(Những lựa chọn này) không thể tạo ra sự khác biệt hay thay đổi nào”, Kehinde Andrews, giáo sư nghiên cứu về người da đen tại Đại học Birmingham City, nói.
“Thực tế là chúng ta nên đánh giá dựa trên chính sách”, ông nhận định.
Nhiệm kỳ của bà Truss là lần đầu tiên nước Anh có 3 bộ trưởng chủ chốt là người gốc Phi.
Ngoài bà Braverman, Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng cũng là người gốc Phi, từng theo học tại trường Eton College và Đại học Cambridge.
Ông James Cleverly - tân Ngoại trưởng Anh - cũng là người gốc Phi có mẹ đến từ Sierra Leone.
Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra rằng không giống như đa số người Anh, ông Kwarteng, bà Braverman và ông Cleverly đều được giáo dục tại các trường tư. Điều đó cho thấy tầng lớp xã hội có lẽ là ranh giới rõ ràng hơn trong chính trị Anh, thay vì chủng tộc hay giới tính.
Song lựa chọn của bà Truss rõ ràng đã đưa nước Anh đi trước nhiều quốc gia châu Âu khác về sự đa dạng trong giới tinh hoa chính trị.
Vào ngày 7/9, trong lần đầu tiên xuất hiện tại Quốc hội, bà Truss cũng nhấn mạnh rằng bà là nữ thủ tướng thứ ba của đảng Bảo thủ, trong khi Công đảng đối lập chưa bao giờ bầu một phụ nữ làm lãnh đạo.
“Thật phi thường, phải không? Công đảng dường như không có khả năng tìm được một nữ lãnh đạo, hay thậm chí một nhà lãnh đạo không đến từ Bắc London?”, bà nói và đề cập đến lãnh đạo đảng Keir Starmer và người tiền nhiệm của ông Jeremy Corbyn, cả hai đều đại diện cho các khu vực bầu cử ở cùng một phía của thủ đô.
Chính sách “ngược dòng”
Trên thực tế, sự đa dạng trong nội các Anh bắt nguồn từ cựu Thủ tướng David Cameron.
Sau khi trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ vào năm 2005, ông đã thay đổi quy trình lựa chọn các nhà lập pháp tiềm năng trong đảng, yêu cầu địa phương phải có danh sách ứng viên với tỷ lệ phụ nữ, người da đen và dân tộc thiểu số lớn hơn.
“Hãy nhìn xem điều gì đã xảy ra với đảng Bảo thủ”, ông Cameron nói trong một cuộc phỏng vấn với New York Times vào năm 2019.
“Nơi này từng chỉ có những người như tôi: Da trắng, sang trọng, là nam giới, đến từ vùng ngoại ô miền Nam. Giờ đảng đã có sự cân bằng về giới tính và cả nhóm người từ cộng đồng da đen, dân tộc thiểu số", ông cho biết.
Song ông Cameron bác bỏ ý kiến cho rằng sự đa dạng sắc tộc và chủng tộc đang che đậy sự phân biệt giai cấp.
Ông Cameron lưu ý ông Sajid Javid - một thành viên nội các khi đó - có cha là tài xế xe buýt nhập cư từ Pakistan.
“Sự can thiệp hiệu quả của cựu Thủ tướng Cameron đã thúc đẩy một số hoạt động đang diễn ra ở Anh. Chúng tôi đang đi trước hầu hết nước Tây Âu khác", ông nói.
Tuy nhiên, các nhà phê bình nhấn mạnh sự đa dạng sắc tộc và giới tính không thay đổi chính sách của đảng Bảo thủ, vốn ngày càng cứng rắn hơn đối với vấn đề nhập cư, cắt giảm thuế và chính sách kinh tế có xu hướng ưu tiên người giàu có.
Bà Truss đã thừa nhận rằng đề xuất cắt giảm thuế đáng chú ý nhất trong cuộc bầu cử lần này sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho những người có thu nhập cao, vì họ vốn phải trả nhiều loại thuế nhất.
“Tôi tin rằng (chúng ta) không nên nhìn mọi thứ dưới lăng kính phân chia (các nhóm người)”, bà Truss nói với BBC vào ngày 4/9. “Điều tôi hướng tới là phát triển nền kinh tế mang lại lợi ích cho mọi người”.
Song giáo sư Andrews, từ Đại học Birmingham City, cho biết đảng Bảo thủ đang áp dụng một khuôn mẫu chính trị vì lợi ích riêng, bằng cách thúc đẩy sự đa dạng trong giới lãnh đạo cấp cao nhưng đồng thời triển khai các chính sách “ngược dòng”.
Ông Katwala lập luận rằng sự đa dạng về giới tính hay chủng tộc trong giới chính trị không tự tạo ra bất cứ điều gì.
Tuy nhiên, nó có thể thay đổi thái độ và sự mong đợi của công chúng nhờ tạo ra một hình mẫu, vị chuyên gia giải thích.
Ông đề cập đến nữ thủ tướng đầu tiên của Vương quốc Anh Margaret Thatcher - người đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều phụ nữ Anh, trong đó có tân Thủ tướng Liz Truss, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1979.
“Tôi không nghĩ rằng bà Thatcher có những chính sách tốt hay tham vọng thúc đẩy vai trò của phụ nữ. Tuy nhiên, khi còn ở trường, bà Liz Truss đã thấy một phụ nữ nắm quyền ở Phố Downing”, ông Katwala nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-cac-binh-moi-ruou-cu-cua-anh-van-bat-binh-dang-post1353443.html