Lần đầu tiên có quy định riêng phạt lùi xe trên cao tốc
Theo quy định mới, hành vi lùi xe trên cao tốc sẽ có thể bị phạt tới 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe bảy tháng.
Nghị định 100/2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, thay thế Nghị 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Tăng mức phạt hơn 10 lần
Ngoài hành vi vi phạm nồng độ cồn như chúng tôiđã thông tin, rất nhiều mức phạt đối với các hành vi vi phạm khác cũng được nghị định quy định nghiêm khắc hơn.
Điển hình là hành vi lùi ô tô trên cao tốc. Thời gian qua, hàng loạt trường hợp tài xế điều khiển xe chạy lùi trên cao tốc khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Nghị định 46/2016 không cụ thể hành vi này, mà chỉ quy định chung trong nhóm hành vi lùi xe không đúng nơi quy định, với mức phạt cao nhất là 1,2 triệu đồng và tước giấy phép lái xe bốn tháng. Nhiều ý kiến cho rằng mức phạt này là quá nhẹ, chưa tương xứng với tính chất nguy hiểm mà hành vi gây ra.
Vấn đề trên được giải quyết tại Nghị định 100/2019, khi lần đầu tiên hành vi lùi xe trên cao tốc được quy định riêng, với mức phạt rất cao. Theo đó, người điều khiển ô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) có thể bị phạt tới 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe bảy tháng.
Như vậy, quy định mới đã nâng mức phạt đối với hành vi cực kỳ nguy hiểm này lên tới hơn 10 lần.
Ngoài ra, một số hành vi vi phạm khi điều khiển phương tiện là ô tô cũng được tăng mức phạt đáng kể. Chẳng hạn chở người trên xe không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy bị phạt từ 800.000 đến 1 triệu đồng thay vì từ 100.000 đến 200.000 đồng như trước đây.
Hay như hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường bị phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng, thay vì từ 600.000 đến 800.000 đồng như quy định cũ.
Hoặc hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng…) sẽ bị phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng, thay vì 1,2 triệu đến 2 triệu đồng như cũ.
Đặc biệt, mức phạt cao nhất trong Nghị định 100/2019 lên tới mức kịch khung là 30 triệu đến 40 triệu đồng, trong đó có hành vi điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Dân nhậu, chủ quán nhậu đều chấp hành
Ngày đầu tiên áp dụng quy định mới, có nơi đã áp dụng Nghị định 100 để xử phạt. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn đang chờ hướng dẫn vì mẫu biên bản theo nghị định mới chưa có.
Ông Hoàng Anh Tuấn, chủ hệ thống nhà hàng quán ăn Nhất Nướng Sài Gòn (phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM), cho biết tính từ ngày 2-2-2020, quán sẽ bố trí nhân viên đưa khách đã sử dụng rượu bia về tận nhà khi có nhu cầu. Theo ông Tuấn, phụ thuộc vào lượng khách tới quán sẽ có từ ba đến năm tài xế phục vụ và chi phí sẽ phụ thuộc vào quãng đường khách về.
“Trong trường hợp khách đi ô tô đến quán mà đã sử dụng rượu bia, chúng tôi sẽ có tài xế lái xe chở khách về. Còn trong trường hợp khách có nhu cầu đi ô tô hoặc xe máy của nhà hàng, chúng tôi cũng bố trí phục vụ khách về nhà an toàn và tuân thủ luật giao thông” - ông Tuấn nói thêm.
Anh Lâm Chí Dũng (ngụ tỉnh Hậu Giang) cho rằng nghị định mới về xử phạt hành vi uống rượu bia mang tính chất răn đe, hạn chế tình trạng tai nạn giao thông do say xỉn. Mức hình phạt mới là nặng nhưng so với các vụ tai nạn thảm khốc có nguyên nhân từ bia, rượu thì chế tài như vậy là tương xứng. “Riêng bản thân tôi, mai mốt khi có đi đám tiệc hay đi nhậu với bạn bè nếu gần nhà thì đi bộ, còn nếu đi xa thì sẽ đi xe ôm, taxi để vừa bảo vệ mình vừa không phạm luật” - anh Dũng cho biết.
Một lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết đơn vị đã triển khai cho các đội CSGT áp dụng xử phạt các trường hợp vi phạm theo Nghị định 100/2019 từ khuya 31-12-2019.
Theo một cán bộ CSGT Công an quận Gò Vấp, đơn vị này đã áp dụng Nghị định 100 để xử phạt người tham gia giao thông vi phạm. Cụ thể, tính từ 23 giờ 30 ngày 31-12-2019 đến sáng 1-1-2020, đơn vị đã lập biên bản năm trường hợp vi phạm đối với người điều khiển xe máy có nồng độ cồn vượt quy định. “Các trường hợp vi phạm được lập biên bản đều sử dụng biên bản cũ nhưng áp dụng mức phạt của nghị định mới” - cán bộ này nói thêm.
Còn một cán bộ CSGT Công an quận 2 cũng cho hay đơn vị đã nhận được nghị định mới (Nghị định 100/2019) nhưng tính tới thời điểm hiện tại, đơn vị vẫn chưa áp dụng trong xử phạt người vi phạm khi điều khiển phương tiện giao thông và đang tiếp tục đợi sự hướng dẫn cụ thể hơn của các đơn vị cấp trên.
Tương tự, một cán bộ CSGT Công an quận Thủ Đức cũng thông tin tính đến chiều 1-1-2020, đơn vị này vẫn chưa thể áp dụng Nghị định 100/2019 để xử các trường hợp vi phạm. “Tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được sự hướng dẫn của đơn vị cấp trên và cũng chưa biết mẫu biên bản vi phạm mới của nghị định có thay đổi không để áp dụng” - cán bộ này lý giải thêm.
Tại TP Cần Thơ, đại tá Võ Văn Thăng, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ, thông tin lực lượng nơi đây cũng sẽ căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Công an để xử lý các trường hợp vi phạm theo Nghị định 100. Trước đó, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các quy định liên quan cho tất cả cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là lực lượng CSGT, để trong quá trình tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm, đúng các hành vi vi phạm theo tinh thần luật định.
Đã có thiết bị test ma túy mới cho tài xế
Mới đây, Cục CSGT mở đợt cao điểm tập trung xử lý riêng nhóm hành vi vi phạm nồng độ cồn và ma túy. Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là cục này đã triển khai cho lực lượng CSGT trên toàn quốc thiết bị test ma túy mới.
Theo Cục CSGT, máy thử mới có dạng ống màu trắng, chất liệu nhựa. Tài xế sẽ được ngậm ống trong miệng để lấy mẫu nước bọt, chỉ cần khoảng 5 phút sẽ cho ra kết quả.