Lần đầu tiên giải mã thành công ADN người Ai Cập cổ

Suốt nhiều thập kỷ, việc giải mã ADN người Ai Cập cổ luôn là một thách thức lớn do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, khiến vật liệu di truyền nhanh chóng phân hủy.

Thế nhưng, một bước ngoặt vừa được thiết lập khi các nhà khoa học lần đầu tiên giải mã thành công toàn bộ bộ gene của một người Ai Cập cổ đại — một thành tựu mang ý nghĩa đột phá trong ngành cổ di truyền học.

Thành tựu này được công bố trên tạp chí Nature bởi nhóm nghiên cứu quốc tế dẫn đầu là nhà cổ di truyền học Pontus Skoglund thuộc Viện Francis Crick (Anh). Họ đã phân tích thành công ADN chiết xuất từ một chiếc răng của người đàn ông cao tuổi từng sống cách đây khoảng 4.800 đến 4.500 năm, tức vào giai đoạn Cổ Vương quốc – thời kỳ đỉnh cao xây dựng các kim tự tháp. Hài cốt của ông được tìm thấy trong một chiếc bình đất sét kín tại làng Nuwayrat, nằm về phía nam thủ đô Cairo.

Một xác ướp Ai Cập cổ. Ảnh: Pinterest.

Một xác ướp Ai Cập cổ. Ảnh: Pinterest.

Kết quả cho thấy khoảng 80% bộ gene của ông mang đặc điểm di truyền của người Bắc Phi cổ đại, phần còn lại đến từ Tây Á và Lưỡng Hà. Khi so sánh với hơn 3.800 mẫu ADN cổ và hiện đại khác, các nhà khoa học phát hiện có mối liên hệ di truyền rõ rệt với vùng Lưỡng Hà. Đây là bằng chứng gen đầu tiên chứng minh một cách khoa học mối tương quan giữa Ai Cập cổ đại và các nền văn minh Lưỡng Hà – một giả thuyết lâu nay chủ yếu dựa trên khảo cổ học và lịch sử văn tự.

Ngoài ra, các đồng vị trong răng chỉ ra rằng người đàn ông này đã sống và lớn lên trong khí hậu nóng và khô đặc trưng của Thung lũng sông Nile, với khẩu phần ăn chính là lúa mì, lúa mạch cùng nguồn protein từ cả động vật và thực vật. Ông được xác định cao hơn 1,5 mét và sống đến khoảng 44–64 tuổi – một tuổi thọ được xem là rất cao vào thời điểm đó. Dấu tích trên bộ xương tiết lộ rằng ông từng lao động nặng nhọc trong thời gian dài, với các biểu hiện rõ rệt của viêm khớp, loãng xương và tổn thương cơ học do mang vác.

Nghiên cứu này không chỉ đánh dấu lần đầu tiên giới khoa học thu được bộ gene người Ai Cập cổ đại hoàn chỉnh, mà còn mở ra cánh cửa mới cho việc tái dựng lịch sử hình thành, di cư và giao thoa văn hóa trong một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới. Trước đó, từ khi Svante Pääbo – người sau này đoạt giải Nobel – tách được chuỗi ADN đầu tiên từ một xác ướp trẻ em 2.400 năm tuổi vào năm 1985, mọi nỗ lực giải mã gene Ai Cập cổ đều chỉ dừng lại ở những dữ liệu rời rạc, chưa đủ để hé lộ toàn cảnh di truyền của thời đại huy hoàng này.

T.B (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/lan-dau-tien-giai-ma-thanh-cong-adn-nguoi-ai-cap-co-post1552408.html